Tổng quan chung
Ung thư máu là nhóm bệnh của cơ quan tạo máu. Đây là bệnh ác tính do các tế bào ung thư gây nên. Ung thư máu không chia giai đoạn I, II, III… như nhiều bệnh ung thư khác. Khi nói về sự tiến triển của bệnh, ung thư máu được chia thành thể cấp tính và mãn tính. Ung thư máu cấp tính và mãn tính được chia thành các dòng tế bào. Ung thư máu được gặp các thể bệnh khác nhau như ung thư máu cấp tính, ung thư máu mãn tính dòng bạch cầu hạt, dòng lympho, dòng mono…
Ung thư máu cũng thay đổi tuỳ theo tuổi, giới tính và một số yếu tố khác.
Triệu chứng
Ung thư máu tuy khó phát hiện sớm những cũng có một số biểu hiện cảnh báo mà người bệnh có thể nhận thấy được. Cụ thể là:
- Xuất hiện những đốm đỏ trên da: Đây là hệ quả của việc sụt giảm nhanh tiểu cầu.
- Nhức đầu dữ dội: Nguyên nhân bắt nguồn từ lượng hồng cầu giảm, khiến cho không cung cấp đủ oxy lên não. Cơn đau đầu có thể còn kèm theo da xanh xao, đổ nhiều mồ hôi.
- Đau xương: Đây là một trong những dấu hiệu chính của bệnh. Những cơn đau có thể nhẹ/nặng tùy vào mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh. Cơn đau xuất hiện nhiều ở các vùng khớp đầu gối, cánh tay, lưng…
- Dưới da sưng nổi các hạch bạch huyết nhưng không gây đau.
- Mệt mỏi và xanh xao: Sự thiếu hụt hồng cầu trong máu đột ngột, hay đơn giản hơn là thiếu máu sẽ khiến cho cơ thể người bệnh luôn xanh xao, mệt mỏi.
- Thường xuyên bị sốt cao: Ung thư máu làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm. Bởi vậy những biểu hiện như nhiễm trùng và sốt có xảy ra rất thường xuyên.
- Liên tục chảy máu cam: Khi bị ung thư máu, lượng tiểu cầu giảm nhanh làm giảm khả năng cầm máu. Bởi vậy, bệnh nhân dễ bị chảy máu cam.
- Đau bụng: Ở giai đoạn nghiêm trọng, gan và lá lách có thể sưng tấy lên, gây cảm giác đầy hơi, đau tức bụng, ăn không ngon, buồn nôn hoặc ói mửa.
Nguyên nhân
Hiện nay, chưa có nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư máu. Tuy nhiên bệnh có thể được hình thành khi các gen trong tế bào máu bị tổn thương. Ví dụ: tiếp xúc với tia xạ gây tổn thương gen của tế bào, làm tăng nguy cơ xuất hiện ung thư. Ung thư máu không phải là bệnh lý di truyền hay truyền nhiễm.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh này thường gặp ở những người bị nhiễm chất phóng xạ, hoặc ở trong môi trường quá ô nhiễm. Ngoài ra còn do hội chứng bệnh Down, hội chứng rối loạn máu và yếu tố di truyền: rất hiếm gặp chỉ vài người trên thế giới. Gần đây có một số nghiên cứu kết luận rằng, bệnh ung thư bạch cầu hay bạch cầu cấp đều không qua yếu tố di truyền.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định bệnh, người bệnh cần làm xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư máu mạn tính sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy đồ và/hoặc sinh thiết tủy xương để chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, giai đoạn bệnh, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.
Với bệnh Lơ-xê-mi (Leucemie) kinh dòng bạch cầu hạt, phân tích mẫu máu hoặc tủy xương để tìm nhiễm sắc thể Philadelphia hoặc đột biến gen bcr-abl là rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Với bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng lympho, đặc trưng khi phân tích mẫu máu hoặc tủy xương thường là sự tăng sinh quá mức tế bào lympho B trưởng thành, các tế bào này không theo chu trình chết tự nhiên của tế bào nên có khả năng sống kéo dài.
Phòng ngừa bệnh
Có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc với rủi ro gây ung thư (như tránh khói thuốc lá ), thực hiện nếp sống lành mạnh ( không hút thuốc lá, uống nhiều rượu…), dinh dưỡng đầy đủ hợp lý.
Người thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ, hóa chất độc mà có những dấu hiệu bệnh bất thường đều nên đi kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh.
Điều trị ung thư máu
Đối với bệnh ung thư máu, có thể áp dụng theo một hoặc một số trong 4 phương pháp điều trị sau đây;
- Hóa trị: Phương pháp này là việc ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư bạch cầu bằng cách uống, tiêm, truyền các loại thuốc hóa học vào cơ thể.
- Điều trị sinh học: Đây là liệu trình có tác dụng tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và cải thiện sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng cách truyền vào người chất kháng thể đơn dòng.
- Xạ trị: Là cách sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Thay tủy: Đây là phương pháp vô cùng phức tạp. Tủy sống sẽ được lấy từ bất cứ người nào tương thích với người bệnh và cấy vào thay thế cho tủy cũ.
Kết luận
Ung thư máu là một bệnh lý phức tạp và nguy hiểm, nhưng hiểu rõ về triệu chứng và phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị. Điều quan trọng là duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Với sự phát triển của y học hiện đại, hy vọng rằng những người mắc bệnh ung thư máu có thể được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.