Bệnh than là bệnh không thường gặp ở Việt Nam nhưng chúng vẫn có thể tồn tại mầm bệnh ở nước ta. Bệnh còn khá xa lạ nhưng chúng ta vẫn nên trang bị kiến thức về bệnh này để phòng ngừa sớm. Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh than hay còn có tên gọi khác là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loại vi khuẩn gram dương, hình que Bacillus anthracis. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi hoặc động vật hoang dã.
Bệnh than đang là mối đe dọa hiện nay khi ngày càng bị lợi dụng căn bệnh này để làm vũ khí sinh học.
Triệu chứng bệnh than
Triệu chứng của bệnh than phụ thuộc vào bệnh xảy ra qua con đường nào và những triệu chứng này xuất hiện trong bảy ngày sau khi tiếp xúc.
Triệu chứng bệnh than xảy ra qua da
Bệnh xảy ra qua một vết cắt trên da bao gồm những biểu hiện sau:
- Một số vết giộp và u nhỏ có thể gây ngứa.
- Sưng vùng xung quanh vết thương.
- Vết thương có thể không đau, loét, tâm đen xuất hiện sau vết giộp và u nhỏ, vị trí ở mặt, cổ, cánh tay, bàn tay.
Triệu chứng bệnh than xảy ra qua đường hô hấp
- Sốt, ớn lạnh.
- Khó chịu vùng ngực, khó thở.
- Chóng mặt.
- Ho
- Buồn nôn, nôn.
- Đau đầu
- Đau bụng.
- Toát mồ hôi.
- Đau nhức toàn thân.
- Đau nhức cơ.
Triệu chứng bệnh than xảy ra qua đường tiêu hóa. Do ăn phải những thức ăn, thịt động vật bị nhiễm vi khuẩn, thường có các dấu hiệu sau:
- Sốt, ớn lạnh.
- Sưng cổ, nổi hạch vùng cổ.
- Đau họng, nuốt có cảm giác đau.
- Khàn giọng.
- Buồn nôn, nôn, nôn ra máu.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy, tiêu chảy có máu.
- Đau đầu.
- Đỏ mặt.
- Đỏ mắt.
Nguyên nhân bệnh than
Nguyên nhân của bệnh than là vi khuẩn Bacillus anthracis. Vi khuẩn Bacillus anthracis có khả năng sinh bào tử hay còn gọi là nha bào chính là tác nhân chính dẫn đến bệnh than. Khi sinh bào tử sau nhiều năm ẩn mình ở môi trường tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại rất lâu và có sức sống rất cao trong những môi trường khắc nghiệt. Loại bào tử này còn có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng.
Từ những bào tử gây bệnh này, con người tiếp xúc với động vật, những sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh, những vết thương, sự hít phải vi khuẩn gây bệnh sẽ gây nên bệnh than.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng nguy cơ mắc bệnh than nhiều hơn những người bình thường bao gồm:
- Những người phục vụ trong quân đội và những khu vực có nguy cơ mắc phải bệnh than.
- Những người liên quan đến việc nghiên cứu bệnh than trong phòng thí nghiệm.
- Những người làm công việc xử lý da, lông động vật trong các khu vực có nguy cơ bị bệnh than.
- Những người làm việc trong ngành thú y.
- Những người tiêm chích, sử dụng các loại ma túy.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác bệnh than, ngoài những triệu chứng lâm sàng, cần làm những kỹ thuật cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán:
- X quang ngực và chụp cắt lớp vi tính: để đánh giá trung thất mở rộng, tràn dịch màng phổi. Từ đó, đưa đến suy nghĩ bệnh than xảy ra qua đường hô hấp.
- Đo lường kháng thể, độc tố có trong máu.
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn Bacillus anthracis thông qua các loại mẫu vật:
- Miếng gạc ở phần da tổn thương.
- Đờm, máu, dịch hô hấp tiết ra.
- Máu, phân.
- Dịch cột sống.
- Đất chôn động vật chết hoặc da, xương của chúng.
Điều trị
Đối với điều trị bệnh than:
- Bệnh xảy ra qua đường da dễ điều trị nhất
- Bệnh xảy ra qua đường hô hấp lại diễn tiến nhanh hơn và có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và viêm màng não nên cần được xử trí tích cực từ sớm.
- Bệnh xảy ra qua đường tiêu hóa tương đối khó điều trị vì bệnh nhân bị mất nước, mất điện giải, mất máu, nhiễm khuẩn huyết và thủng ruột.
Để điều trị cụ thể bệnh than, thường sử dụng các phương pháp sau:
- Điều trị nội khoa bằng sử dụng kháng sinh kết hợp với truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Khi được điều trị bằng kháng sinh, hiệu quả tốt nhất trong sáu mươi ngày từ lúc tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.
- Vắc xin cho bệnh than đã được sử dụng đối với những người làm việc trong lĩnh vực quân đội, nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh than hoặc có nguy cơ mắc bệnh than, bác sĩ thú y có làm việc trực tiếp với những động vật nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh than và những người bị nhiễm bệnh than sau cuộc tấn công sử dụng bệnh than như vũ khí sinh học. Những đối tượng không được phép sử dụng cho phụ nữ mang thai, trẻ em và người lớn tuổi.
Phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh than nên ngoài điều trị kháng sinh khi mắc bệnh thì các viện khoa học, y học thế giới cũng đã điều chế ra các loại vắc xin phòng bệnh. Những người làm việc trong khu vực, lĩnh vực có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ được hỗ trợ tiêm vắc xin hàng năm để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh thì nên lưu ý thêm một số thói quen hàng ngày như:
- Giữ vệ sinh và rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với động vật.
- Hạn chế tiếp xúc với động vật khi đang có vết thương trên da.
- Hạn chế sử dụng các loại thịt động vật hoang dã chưa qua chế biến hoặc chưa được nấu chín kỹ.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc tại các khu vực có nguy cơ cao chứa nhiều mầm bệnh.
- Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thực hiện kiểm tra và điều trị sớm nhất.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn có thêm hiểu biết về bệnh than. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.