Thận là một cơ quan trong hệ tiết niệu. Thận được giao nhiệm vụ lọc và bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi thận bị tổn thương, chức năng của thận sẽ suy yếu, dẫn đến những thành phần độc hại không được sàng lọc sẽ tăng cao trong máu. Về lâu dài, nếu lượng chất này tích tụ quá cao sẽ gây ra những bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vậy làm sao để biết thận có đang khỏe không? Những biểu hiện và triệu chứng của thận đang mắc bệnh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Bệnh thận tiết niệu là gì?
Thận là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong hệ bài tiết nói riêng và cơ thể nói chung. Mỗi người bình thường có hai quả thận, hình hạt đậu, nằm ở vị trí hố thắt lưng hai bên, thận phải nằm thấp hơn thận trái khoảng 1 đốt sống thắt lưng. Nhiệm vụ chính của thận là sản xuất và bài tiết nước tiểu, thận giúp loại bỏ các chất độc trong máu, giúp giữ ổn định nồng độ các chất trong tuần hoàn cơ thể. Ngoài ra, thận còn tham gia vào một số hoạt động nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, tạo xương và duy trì huyết áp ổn định.
Do thận đảm nhận nhiều vai trò quan trọng nên việc nhận biết sớm các bệnh lý ở thận giúp cho điều trị bệnh hiệu quả và ít gặp phải biến chứng hơn. Dưới đây là một số bệnh thận mọi người thường mắc phải:
- Suy thận: Suy thận là bệnh lý mà tình trạng thận bị mất chức năng và không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Điều này dẫn đến những chất thải trong máu không thể lọc ra ngoài và tích tụ lại trong cơ thể. Suy thận được phân làm 2 loại: Suy thận mạn tính và suy thận cấp tính.
- Sỏi thận: Bệnh xảy ra do các khoáng chất như acid uric, calci, natri, oxalate,… trong nước tiểu bị lắng đọng lại ở thận thành những tinh thể rắn. Tinh thể rắn này được gọi là sỏi, hay sạn thận. Tùy từng thời gian và mức độ lắng đọng, viên sỏi thường có kích thước khác nhau.
- Viêm bể thận: là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Nguyên nhân là do vi khuẩn tấn công, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm xung quanh các đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận. Nếu bệnh được phát hiện sớm, người bệnh có thể điều trị ngoại trú với kháng sinh, rất ít khi cần nhập viện.
- Hội chứng thận hư: là một rối loạn ở thận làm cơ thể bài tiết quá nhiều protein qua nước tiểu. Triệu chứng bao gồm: phù toàn thân do cơ thể tích nhiều nước, tăng cân, tiểu ít.
- Ngoài ra còn có các bệnh thận tiết niệu khác như: bệnh thận nhiễm mỡ, thận đa nang, ung thư thận,…
Vì sao thời tiết lạnh lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận tiết niệu?
Thời tiết lạnh có thể tác động đến sức khỏe của thận theo một số cách. Dưới đây là 4 lý do giải thích tại sao thời tiết lạnh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thận tiết niệu:
- Ít uống nước: Trong thời tiết lạnh, cơ thể thường tự động không cảm thấy khát nước, dẫn đến việc uống nước ít hơn. Điều này có thể gây ra sự gia tăng lắng đọng lại các cặn và độc tố trong thận, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về thận.
- Ít vận động: Trong điều kiện thời tiết lạnh, nhiều người có xu hướng ít vận động hơn do cảm thấy mệt mỏi và lười biếng. Việc thiếu hoạt động có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu trong cơ thể, bao gồm cả máu tới và ra khỏi thận. Đặc biệt, với những người ăn mặn, tập thể dục kích thích tiết nhiều mồ hôi, cũng là cách để cơ thể đào thải muối. Nếu ngại vận động, thận phải xử lý tất cả lượng muối đã nạp vào, gây hại thận.
- Tăng huyết áp: Trong thời tiết lạnh, cơ thể thường phản ứng bằng cách co nếu tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, làm tăng huyết áp. Áp lực lớn trên mao mạch và động mạch khiến hệ thống thận phải làm việc nặng hơn, có thể dẫn đến các vấn đề về thận.
- Hạn chế tuần hoàn nước tiểu: Thời tiết lạnh có thể làm giảm tần suất và lượng nước tiểu, điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong đường tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và các vấn đề thận tiết niệu khác.
Những dấu hiệu nhận biết của bệnh thận tiết niệu
Thận được giao đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể. Thận rất dễ tổn thương và dễ mắc phải các bệnh nguy hiểm. Thông thường, người bệnh sẽ không nhận ra mình bị bệnh cho đến khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng. Dưới đây là một số biểu hiện và triệu chứng điển hình khi mắc phải bệnh thận tiết niệu mà chúng ta không nên bỏ qua:
- Nhức đầu, mệt mỏi và suy nhược cơ thể: Khi chức năng thận bị suy giảm, có thể dẫn đến tích tụ độc tố trong máu. Điều này sẽ làm bệnh nhân cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung và cơ thể suy nhược hơn trước.
- Đau lưng hoặc đau bụng dưới: Khi xuất hiện những cơn đau lưng lan dần ra phía trước vùng hông hoặc chậu, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận tiết niệu.
- Tiểu tiện bất thường: Chức năng thận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng của nước tiểu. Chúng ta cần phải lưu ý khi tình trạng nước tiểu bị thay đổi như: tăng số lần đi tiểu đặc biệt là vào ban đêm, trong nước tiểu có lẫn máu, hoặc lẫn bọt.
- Ngáy to và kéo dài: Đối với những người khi mắc bệnh thận tiết niệu sẽ rất hay bị ngưng thở khi ngủ. Những lần ngừng thở có thể kéo dài vài giây đến một phút, và sau đó người bệnh sẽ ngáy rất to và kéo dài. Hiện tượng này thường xảy ra một hay nhiều lần trong một đêm.
- Da khô kèm theo ngứa ngáy: Thận khỏe mạnh sẽ thực hiện tốt chức năng lọc chất độc ra khỏi cơ thể. Dấu hiệu da ngứa và khô là báo hiệu của việc thận hoạt động chưa thực sự tốt để duy trì sự cân bằng các khoáng chất và chất dinh dưỡng.
- Chán ăn: Chán ăn hầu như luôn là một triệu chứng phổ biến của bệnh thận tiết niệu.
- Sưng mắt cá chân, bàn chân và bàn tay: Đây là một biểu hiện của việc giữ natri lại trong cơ thể gây ứ dịch. Ngoài ra, phù nề các chi dưới cũng có thể báo hiệu bệnh tim, gan hoặc các vấn đề về tĩnh mạch.
Nếu bạn đang gặp các dấu hiệu như trên, hãy sớm đến khám thận tiết niệu để được làm thêm xét nghiệm và chẩn đoán đúng về căn bệnh đang mắc phải.
Phương pháp phòng ngừa bệnh thận tiết niệu
Việc phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Sau đây là một số phương pháp phòng ngừa giúp cho thận chúng ta luôn khỏe mạnh:
- Uống đủ nước: Chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày chúng ta nên nạp đủ 2-2,5 lít nước. Việc uống đủ nước giúp cơ thể được thanh lọc và đào thải độc tố tốt hơn.
- Hạn chế tiêu thụ muối, dầu mỡ, caffeine: tiêu thụ nhiều các thực phẩm này sẽ tăng gánh nặng cho thận, lâu dài ảnh hưởng đến chức năng của thận.
- Không tự ý dùng các chế phẩm chứa calci, các thuốc giảm đau kháng viêm: Khi mắc các bệnh cần đến sử dụng thuốc, hãy luôn tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá: Khói thuốc lá có thể dẫn đến xơ vữa mạch, làm giảm lưu lượng máu đến thận, giảm khả năng hoạt động tốt nhất cho thận.
- Không nhịn tiểu: nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu.
- Nên tập thể dục hằng ngày để máu huyết được lưu thông, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh thận tiết niệu và những giải pháp giúp bảo vệ thận của mình thật tốt. Nếu bạn đang gặp các dấu hiệu về bệnh thận, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác tình trạng của thận tiết niệu và có phương pháp điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.