Tổng quan chung
Bệnh thần kinh được gọi với cái tên khác là rối loạn thần kinh (loạn thần). Bệnh đề cập đến các trường hợp bất thường của hệ thần kinh bao gồm não, các rễ, đám rối và các dây thần kinh. Từ sự bất thường kể trên, các bộ phận khác của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, biểu lộ ra bằng các triệu chứng khác nhau.
Bệnh thần kinh nguy hiểm với tất cả các độ tuổi, với số lượng hàng trăm loại bệnh với các cách điều trị khác nhau. Thậm chí, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh lý này khá cao, vào khoảng hơn 11.000 người.
Triệu chứng
Các chứng bệnh thần kinh khá phức tạp, đa dạng, thường có các biểu hiện:
- Chứng đau nhức: Thường là nhức đầu, nhức nửa đầu, nhức nửa mặt, đau thần kinh hông. Thường phối hợp với các chứng đau mình mẩy, đau chân, đau bả vai.
- Chứng run, co giật: Thường run chân tay, đi đứng run rẩy, loạng choạng hoặc nói run run. Có thể có cơn co giật kiểu động kinh. Có cơn động kinh và rối loạn tâm thần, rối loạn điều hòa các cử động…
- Rối loạn nuốt, phát âm: Có thể có hiện tượng nghẹn đặc, sặc lỏng và đi đứng khó khăn.
- Rối loạn trí nhớ: Người bệnh cảm thấy quên nhiều và lẫn hoặc có hiện tượng nhớ nhầm, ngộ nhận…
- Các triệu chứng khác như mờ mắt; thay đổi tính cách, tê bì tay chân,…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thần kinh. Một số tổn thương thần kinh là hậu quả của lão hóa (đau thần kinh ngoại biên). Tổn thương dây thần kinh có thể là kết quả của một chấn thương như chấn thương đầu dẫn đến kéo căng, đứt hoặc kẹt dây thần kinh.
Nhiều bệnh khác có thể gây ra bệnh thần kinh, bao gồm:
- Bệnh tự miễn: như đa xơ cứng, hội chứng Guillain-Barré (một tình trạng hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại biên), nhược cơ, lupus và bệnh viêm ruột.
- Ung thư: ung thư cũng như điều trị bệnh ung thư, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị, có thể gây đau dây thần kinh.
- Bệnh tiểu đường: khoảng 50% những người bệnh tiểu đường bị tổn thương thần kinh.
- Tác dụng phụ thuốc và các chất độc hại: thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị ung thư và một số loại thuốc dùng để điều trị HIV. Các chất độc hại do bạn hấp thụ một cách vô ý, trong đó có chì, thạch tín và thủy ngân, cũng có thể gây tổn thương thần kinh.
- Bệnh tế bào thần kinh cơ: bệnh có ảnh hưởng đến các dây thần kinh, bao gồm cả xơ cứng cột bên teo cơ hoặc bệnh Lou Gehrig, có thể từ từ gây tổn thương thần kinh.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: sự thiếu hụt một vài chất dinh dưỡng nhất định, bao gồm vitamin B6 và vitamin B12, có thể gây ra các triệu chứng đau thần kinh và tổn thương thần kinh.
- Bệnh truyền nhiễm: những bệnh này bao gồm bệnh Lyme, virus herpes, HIV và viêm gan C.
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù bệnh thần kinh rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng phụ nữ thường dễ mắc bệnh này hơn nam giới. Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh thần kinh, chẳng hạn như:
- Tuổi già
- Một số bệnh nhất định
- Thành viên trong gia đình mắc bệnh thần kinh liên quan
- Tổn thương thần kinh từ trước
- Chơi những môn thể thao va chạm mạnh
- Công việc lao động nặng.
Chẩn đoán
Khi phát hiện mình xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như tê bàn tay/bàn chân, đau mỏi cơ, chóng mặt, đau đầu, thường xuyên mất thăng bằng… bạn cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức.
Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát cho bạn, kiểm tra chức năng thần kinh để xác định dây thần kinh có bị tổn thương không, phản xạ nhanh hay chậm khi nhận được tín hiệu từ não… Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử gia đình bạn, xem bạn có người thân mắc các bệnh thần kinh hay không, đồng thời tìm hiểu thói quen sống của bạn: có tiếp xúc với không khí ô nhiễm, hút thuốc lá hay lạm dụng rượu bia không.
Sau khi khám tổng quát, tùy theo tình trạng của bạn, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: Đo điện não, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT), Ghi điện cơ,… để phối hợp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có giải pháp điều trị trúng đích, hiệu quả.
Phòng ngừa bệnh thần kinh
Bạn sẽ có thể phòng ngừa bệnh này thông qua các biện pháp sau:
- Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên để thúc đẩy quá trình chữa bệnh và tránh teo cơ. Điều này sẽ giúp việc phục hồi dễ dàng hơn.
- Thực hiện phương pháp kiểm soát cơn đau dây thần kinh, chẳng hạn như sử dụng dụng cụ chỉnh hình.
- Hạn chế caffeine và rượu để giấc ngủ được ngon hơn do những người bị bệnh thần kinh thường không ngủ đủ giấc do đau.
- Bảo vệ vùng đầu
- Không lạm dụng rượu bia
- Tránh xa thuốc lá
Điều trị như thế nào?
Do đặc điểm cơ thể người cao tuổi (tuổi già, sức yếu…) nên thường là đối tượng dễ mắc các bệnh thần kinh. Việc điều trị các chứng bệnh thần kinh phải toàn diện: toàn diện cho tính chất đa bệnh lý, toàn diện giữa thuốc với nuôi dưỡng cơ thể, nâng cao thể trạng, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp phục hồi chức năng.
Sử dụng thuốc điều trị
Cơ thể người cao tuổi hấp thụ, chuyển hóa và thải trừ kém nên phải thận trọng khi sử dụng thuốc. Cần cho thêm các thuốc nâng cao thể trạng, các loại vitamin nhất là vitamin nhóm B. Nên kết hợp thuốc Đông y với những ưu việt dành cho người cao tuổi.
Phục hồi chức năng thần kinh
Phục hồi chức năng thần kinh là một phương pháp điều trị tích cực, tổng hợp, toàn diện nhất là vận dụng các phương pháp dưỡng sinh, thiền, khí công, luyện khí… Phục hồi chức năng vận động, tâm lý chú ý tới khí công, xoa bóp, bấm nắn, tất cả đều tĩnh tâm và thường phối hợp với thời khắc trong ngày… Tác động tâm lý giữ phần quan trọng trong công tác điều trị chứng bệnh thần kinh. Điều đó giúp người bệnh tự xác định, chịu khó tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Sự quan tâm của cộng đồng, cơ quan, gia đình, bạn bè, góp phần quan trọng cho việc điều trị có hiệu quả. Luôn luôn quan tâm tới chế độ ăn uống và nghỉ ngơi cho người bệnh cao tuổi.