Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn gây ra, đặc biệt phổ biến ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Trẻ em dưới 10 tuổi là nhóm nguy cơ cao. Hiểu rõ về bệnh này, các triệu chứng và cách điều trị có thể giúp các bậc phụ huynh bảo vệ con em khỏi căn bệnh này.
Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết, hay còn được gọi là sốt xuất huyết Dengue, là bệnh do virus Dengue gây ra và được truyền bởi muỗi Aedes. Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là: DEN – 1, DEN – 2, DEN – 3, DEN – 4 và một người có thể mắc bệnh lên đến 4 lần trong đời, tương ứng với 4 loại virus Dengue. Triệu chứng của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau lưng và ban đỏ trên da.
Vì sao trẻ em dễ mắc bệnh sốt xuất huyết?
- Trẻ em dễ mắc bệnh sốt xuất huyết do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa biết cách phòng tránh muỗi.
- Yếu tố di truyền: Một số trẻ có di truyền yếu về hệ miễn dịch hoặc huyết học, giúp virus dễ tấn công hơn.
- Chất lượng môi trường: Các khu vực với nước đọng, chất thải hoặc vùng cây cối mọc um tùm là môi trườngt cực lý tưởng để virus phát triển.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Thông thường, triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sẽ diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn sốt: đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ trong giai đoạn này gồm có:
- Trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột và liên tục. Trẻ sẽ bị nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Bắt đầu xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
- Xét nghiệm máu ghi nhận: chỉ số Hematocrit (Hct) bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3), số lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm: thường xuất hiện vào ngày thứ 3-7 của bệnh:
- Trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Ngoài ra trẻ có thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng nguy hiểm như: đau bụng nhiều, lừ đừ, nôn ói, biểu hiện thoát huyết tương, tụt huyết áp, da lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi ,… Một số trường hợp nặng hơn có thể tổn thương gan, rối loạn tri giác, suy tim,..
- Kết quả xét nghiệm sẽ thấy: Cô đặc máu khi Hematocrit tăng >20%, số lượng tiểu cầu giảm (<100.000/mm3), AST và ALT thường tăng, siêu âm hoặc X quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.
Giai đoạn phục hồi: Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh
- Trẻ có thể hết sốt, thể trạng tốt, thèm ăn trở lại. Trẻ có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da. Có biểu hiện nhịp tim chậm, không đều, có thể suy hô hấp do quá tải dịch truyền.
- Các chỉ số xét nghiệm cho thấy: Hematocrit trở về bình thường, số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, AST và ALT có khuynh hướng giảm.
Các phương pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ chủ yếu tập trung vào việc điều trị triệu chứng. Thông thường, khi được chẩn đoán đang mắc sốt xuất huyết, bé sẽ được yêu cầu nhập viện và điều trị. Việc điều trị sẽ được thực hiện bởi bác sĩ, bao gồm:
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt
- Bù dịch sớm bằng đường uống nếu bệnh nhân còn khả năng uống được.
- Theo dõi mạch, huyết áp, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và Hct mỗi 4-6 giờ.
Sốt xuất huyết ở trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm, dễ tiến triển nặng. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng khác. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu sốt xuất huyết nào ở trẻ, hãy nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời và tránh biến chứng nặng hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.