Tổng quan chung
Rubella, hay còn gọi là bệnh “sởi Đức,” là một bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây ra, thuộc họ Togaviridae. Bệnh thường gặp ở trẻ em và thanh niên, thường ở mức độ nhẹ nhưng có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai và thai nhi. Khoảng 90% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS), ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
Triệu chứng của bệnh rubella
Bệnh Rubella thường nhẹ, các triệu chứng bệnh Rubella thường xuất hiện từ ngày 16-18 sau khi phơi nhiễm. Có biểu hiện bệnh rubella tương tự như bệnh cúm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Sốt: Người bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, khoảng 38 độ C, kèm nhức đầu, mệt mỏi, đau rát vùng họng, chảy nước mũi trong, thường từ 1-4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm.
- Nổi hạch ở vùng chẩm, cổ, bẹn, ấn đau. Hạch xuất hiện trước khi phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
- Phát ban: Ban lúc đầu xuất hiện ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân nhưng thường không tuần tự như bệnh sởi. Đặc điểm của ban là màu hồng hoặc hơi đỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước 1-2mm, ngứa, thường kéo dài khoảng 3 ngày sau đó biến mất để lại nốt thâm trên da.
- Ngoài ra có thể đau khớp, viêm kết mạc.
Tuy nhiên có khoảng 50% trường hợp bệnh nhân có hình ảnh bệnh rubella biểu hiện lâm sàng không điển hình, khiến người bệnh nhầm tưởng với các bệnh khác.
Nguyên nhân gây nên bệnh rubella
Bệnh do virus Rubella, được phát hiện lần đầu vào năm 1962. Đây là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây qua đường hô hấp từ dịch tiết mũi họng của người bệnh. Phụ nữ mang thai nhiễm Rubella có thể lây qua thai nhi, gây nhiễm trùng bào thai. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh có thể phát tán virus qua nước tiểu và dịch tiết mũi họng trong một năm hoặc hơn.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh rubella
- Tất cả những người chưa có miễn dịch với Rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Những khu dân cư đông đúc có thể là điều kiện thuận lợi để tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Những người đi đến các quốc gia khác hoặc vùng dịch cũng có nguy cơ mắc phải Rubella
- Tại Việt Nam, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc Rubella cao bao gồm trẻ em, thiếu niên và thanh niên. Vì vậy những người này cần được tiêm chủng vaccin Rubella để phòng bệnh
Chẩn đoán bệnh rubella
Bệnh Rubella được chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng với các biểu hiện: đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, sốt nhẹ, chán ăn. Sau đó biểu hiện phát ban dạng sởi, sưng hạch bạch huyết ở sau tai, chẩm và sau cổ.
Các xét nghiệm có thể chẩn đoán xác định bệnh gồm có: ELISA(+) hoặc phân lập được virus Rubella (+)
Phòng ngừa bệnh rubella
Rubella hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chủ động tiêm vắc xin là biện pháp phòng tránh bệnh tốt nhất. Các biện pháp phòng ngừa bệnh Rubella bao gồm:
- Tiêm phòng vắc xin rộng rãi cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin: Sốt phát ban, nổi hạch, tăng bạch cầu đa nhân, đau khớp.
Vì mức độ nguy hiểm của bệnh Rubella, với phụ nữ mang thai cần:
- Tiêm phòng vacxin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân có sốt, phát ban hoặc trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh
- Nếu phụ nữ mang thai trong những tháng đầu có triệu chứng sốt, phát ban cần đến các cơ sở y tế ngay để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và tư vấn kịp thời để hạn chế biến chứng của bệnh.
Điều trị bệnh rubella như thế nào?
Hiện chưa có thuốc đặc trị cho Rubella. Người bệnh thường chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt như paracetamol. Phụ nữ mang thai mắc Rubella cần theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.