Rối loạn lưỡng cực là chứng rối loạn tâm thần, người bệnh có thể chuyển tâm trạng rất nhanh, lúc thì hưng phấn, phấn khích quá mức và tăng động, nhưng cũng có thể nhanh chóng rơi vào tâm trạng ủ rũ, trầm cảm. Bệnh rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không? Bệnh có chữa được không? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bệnh rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
Nguyên nhân rối loạn lưỡng cực
Thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn lưỡng cực song cũng đã tìm được mối quan hệ với nhiều yếu tố trong não bộ và bên ngoài môi trường. Cụ thể bao gồm:
- Cấu trúc và hoạt động chức năng của não: người bị rối loạn lưỡng cực có cấu trúc não bộ với những điểm khác nhau với những người có tinh thần khỏe mạnh hoặc mắc các dạng rối loạn tâm thần khác.
- Tiền sử gia đình: Thống kê cho thấy những người trong gia đình bị rối loạn lưỡng cực thì tỉ lệ mắc bệnh cũng cao hơn
Bệnh rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?
Người mắc rối loạn lưỡng cực sẽ có nhiều triệu chứng phức tạp, và việc tâm trạng dao động lên xuống ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc cũng như động lực điều trị của bệnh nhân. Đây là rối loạn khiến tâm lý người bệnh thay đổi, ảnh hưởng đến sức khỏe, các sinh hoạt thường ngày trong đời sống, các mối quan hệ cũng như hiệu suất học tập, công việc.
Đối với một số cá nhân có thể xuất hiện kèm ảo giác, dễ gây nguy hiểm cho cá nhân người bệnh và những người xung quanh, thế nên việc điều trị là cần thiết và cần được hỗ trợ kịp thời.
Cách điều trị rối loạn lưỡng cực
So với các bệnh lý thực thể, các bệnh lý tâm lý nói chung phức tạp hơn, nhiều căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể giảm nhẹ và kiểm soát sự phát triển. Với chứng rối loạn lưỡng cực cũng vậy, không thể chữa khỏi căn bệnh hoàn toàn, người bệnh sẽ được điều trị để cân bằng cảm xúc, quản lý tâm trạng của bản thân tốt hơn.
Có 2 phương pháp điều trị chính:
Sử dụng thuốc
Các loại thuốc được điều trị rối loạn lưỡng cực được kê đơn dựa trên triệu chứng cụ thể bạn đang gặp phải. Một số nhóm thuốc được sử dụng bao gồm: Thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống trầm cảm – loạn thần, thuốc chống lo âu.
Lưu ý: không được tự ý mua bất cứ loại thuốc nào, khi sử dụng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, tuân theo phác đồ điều trị và không tự ý dùng thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực. Các liệu pháp bao gồm:
- Liệu pháp nhịp điệu giữa các cá nhân và xã hội (IPSRT): Là liệu pháp cá nhân giúp bạn theo dõi các hoạt động hàng ngày và thiết lập thói quen về chế độ ăn uống, giấc ngủ và tập thể dục.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp bạn nhận thức được các hành vi không lành mạnh, thay thế chúng bằng những hành vi tích cực. Bạn cũng học được cách quản lý căng thẳng và cách đối phó với những tình huống khó khăn.
- Giáo dục tâm lý: Các lớp học giáo dục tâm lý chủ yếu giúp bạn và người thân hiểu được nguyên nhân và triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, từ đó bạn có thể nhận được sự quan tâm, hỗ trợ điều trị tốt nhất từ gia đình.
- Liệu pháp tập trung vào gia đình: Sự hỗ trợ và quan tâm của gia đình có thể giúp bạn và người thân nhận biết và kiểm soát các dấu hiệu cảnh báo về sự thay đổi tâm trạng.
Tâm lý trị liệu là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là một thử thách lớn, nhưng bạn không phải đối mặt một mình. Hiểu biết về bệnh và nhận sự hỗ trợ kịp thời từ bác sĩ, gia đình và bạn bè sẽ giúp bạn quản lý tốt hơn các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là bạn không nên tự ý dùng thuốc mà phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và kết hợp với các liệu pháp tâm lý để đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy chăm sóc bản thân, lắng nghe cơ thể, và không ngần ngại chia sẻ cảm xúc của mình với những người xung quanh.