Hiện nay, tỷ lệ người gặp phải các vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu trong xã hội ngày càng gia tăng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng và gây ra những hệ lụy không lường.
Ảnh hưởng của rối loạn lo âu đối với cơ thể con người là rất lớn
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là tình trạng căng thẳng mạn tính, người bệnh cảm thấy lo lắng, sợ hãi quá mức và kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Những cảm giác này không chỉ xuất hiện trong các tình huống căng thẳng mà còn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây khó khăn trong công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội.
Rối loạn lo âu là những lo âu mà không có nguyên nhân rõ rệt hoặc quá mức, các triệu chứng thường nặng và gây nhiều khó chịu, kéo dài căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người bệnh.
Triệu chứng rối loạn lo âu
Khi mắc rối loạn lo âu người bệnh sẽ có một số triệu chứng như sau:
- Lo lắng quá mức, lo lắng cả những điều nhỏ nhặt nhất chính là dấu hiệu phổ biến của bệnh. Những cảm xúc này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh là còn ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh họ.
- Đứng ngồi không yên: Khi bị rối loạn lo âu, người bệnh thường rất khó để giữ được bình tĩnh. Trước một sự việc họ thường lo lắng thái quá, cảm giác bồn chồn và đứng ngồi không yên, họ nói nhiều hơn và thường xuyên phải đi lại, hành động để giải tỏa tâm trạng.
- Khó khăn khi tập trung: Người bệnh thường rất khó khăn để tập trung vào công việc. Nếu để bệnh kéo dài không được điều trị, có thể gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ.
- Người bệnh không thể hít thở sâu, thường hay thở gấp, kèm theo đó là tình trạng run tay chân, ra mồ hôi nhiều, tê buốt tay, tim đập nhanh, đi tiểu nhiều lần.
- Thường xuyên sợ hãi: Khi bị rối loạn lo âu, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác sợ hãi về những điều vô lý, thậm chí họ cũng không biết họ đang sợ hãi điều gì. Nếu không được can thiệp, những trường hợp này sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của người bệnh.
- Mất tự tin về bản thân, nghi ngờ về chính bản thân mình.
- Mệt mỏi toàn thân, đau đầu kéo dài và thường xuyên choáng váng, buồn nôn cũng là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh.
- Tình trạng rối loạn lo âu kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể khiến người bệnh có thể sụt cân bất thường hoặc tăng cân quá mức.
- Rối loạn giấc ngủ: Đây cũng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh. Một số bệnh nhân luôn cảm thấy buồn ngủ, ngược lại một số lại thấy khó ngủ.
Rối loạn lo âu gây khó ngủ
Những triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu có thể diễn ra từ từ trong một khoảng thời gian dài với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng cho tới khi phát hiện ra bệnh. Nhưng cũng có những trường hợp, những triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện đột ngột.
Rối loạn lo âu có nguy hiểm hay không?
Rối loạn lo âu có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào mức độ cũng như tác động của nó đối với người bệnh. Những tác động của rối loạn lo âu bao gồm:
- Hệ thần kinh trung ương: Các cơn lo lắng và hoảng sợ kéo dài có thể khiến não tiết ra các hormone căng thẳng một cách thường xuyên. Điều này có thể làm tăng tần suất các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và trầm cảm.
- Hệ tim mạch: Rối loạn lo âu có thể gây ra nhịp tim nhanh, đánh trống ngực và đau ngực. Người bệnh cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim. Nếu người bệnh đã bị bệnh tim, rối loạn lo âu có thể làm tăng nguy cơ biến cố mạch vành.
- Hệ bài tiết và tiêu hóa: Lo âu cũng ảnh hưởng đến hệ bài tiết và tiêu hóa của người bệnh. Người bệnh có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác, bao gồm cả chán ăn. Có thể có mối liên hệ giữa rối loạn lo âu và sự phát triển của hội chứng ruột kích thích (IBS) sau khi bị nhiễm trùng ruột. Hội chứng này có thể gây nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Hệ miễn dịch: Sự lo lắng có thể kích hoạt phản ứng chiến – hay – chạy để đối phó với căng thẳng và giải phóng một lượng lớn các chất hóa học và hormone, như adrenaline. Trong ngắn hạn, điều này làm tăng nhịp đập và nhịp thở của người bệnh, vì vậy não của người bệnh có thể nhận được nhiều oxy hơn. Điều này chuẩn bị cho người bệnh phản ứng thích hợp với một tình huống căng thẳng. Hệ thống miễn dịch của người bệnh thậm chí có thể được tăng cường trong thời gian ngắn. Với căng thẳng không thường xuyên, cơ thể của người bệnh sẽ trở lại hoạt động bình thường khi căng thẳng qua đi.
- Hệ hô hấp: Lo âu gây ra tình trạng thở nhanh và nông. Nếu bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), người bệnh có thể có nhiều nguy cơ phải nhập viện do các biến chứng liên quan đến lo âu. Lo âu cũng có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn.
- Tác động khác: Nhức đầu, căng cơ, mất ngủ, phiền muộn, tách rời xã hội là những ảnh hưởng của rối loạn lo âu gây ra cho người bệnh.
Rối loạn lo âu có nguy hiểm không còn tùy thuộc tác động của nó đối với người bệnh
Cách điều trị bệnh rối loạn lo âu
Để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng rối loạn lo âu, nên kết hợp áp dụng các biện pháp điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý:
- Dùng thuốc: việc điều trị bằng thuốc có thể kéo dài trong vòng 6 tháng – 1 năm, thậm chí là lâu hơn phụ thuộc tình trạng bệnh của mỗi người. Bệnh nhân cần được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp. Ngoài ra người bệnh cũng phải tái khám thường xuyên để điều chỉnh liều lượng và loại thuốc phù hợp với tình hình tiến triển của bệnh;
- Tâm lý trị liệu: bệnh nhân sẽ được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ từ các nhà tâm lý học để hiểu rõ được tình trạng mà mình đang mắc phải. Từ đó cùng người bệnh tháo gỡ những khó khăn trong suy nghĩ, tìm kiếm phương pháp giải quyết phù hợp hơn;
- Thay đổi lối sống: Tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh và duy trì giấc ngủ tốt có thể giúp giảm triệu chứng lo âu.
- Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè: Sự hỗ trợ và thông cảm từ người thân có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Kết luận
Rối loạn lo âu là một tình trạng không thể xem nhẹ và cần được phát hiện sớm để có phương pháp điều trị kịp thời. Việc nhận thức rõ ràng về triệu chứng, hiểu biết về mức độ nguy hiểm và các phương pháp điều trị hiệu quả là rất quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải triệu chứng rối loạn lo âu, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý và y tế. Chăm sóc sức khỏe tinh thần không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ sức khỏe toàn diện của bạn.