Bệnh quai bị ở trẻ em thường lành tính nhưng có khả năng lây lan cực kỳ nhanh chóng qua đường hô hấp, nhất là ở những trẻ chưa được tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi vắc xin có chứa thành phần quai bị. Trẻ mắc quai bị nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng viêm nhiễm đa cơ quan rất nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm tụy, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn ở bé trai, viêm buồng trứng ở bé gái, nguy cơ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về quai bị ở trẻ em nhé.
Bệnh quai bị ở trẻ em là gì?
Quai bị ở trẻ em (hay còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) do virus quai bị (Mumps virus) gây ra, làm sưng, đau tuyến nước bọt mang tai. Các tuyến này nằm 2 bên mặt, giữa tai và hàm. Mặc dù bệnh quai bị ở trẻ em thường ít có các biểu hiện nghiêm trọng nhưng hầu hết, khi trẻ mắc bệnh đều cảm thấy đau các khu vực này.
Bệnh quai bị ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, thường chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 2 và thanh thiếu niên, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tần suất mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19.
Thông thường khi trẻ bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại loại virus này suốt đời. Vì vậy, đa số trẻ chỉ bị quai bị duy nhất một lần trong đời, rất hiếm khi mắc bệnh này lần hai.
Bệnh quai bị ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh quai bị lây lan khi trẻ tiếp xúc với những chất dịch từ bên trong miệng, mũi và họng khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Ngoài ra, virus này có khả năng tồn tại lâu trong môi trường ngoài cơ thể, khoảng 30-60 ngày ở nhiệt độ 15-20 độ C và khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ -25 đến -70 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc virus vẫn có thể tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, dụng cụ ăn uống, đồ chơi, ly uống nước và đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Thời điểm mà loại virus quai bị dễ lây lan cho người khác nhất là trong khoảng 1-2 ngày trước khi các tuyến nước bọt sưng, đau và kéo dài đến tận 6 ngày sau khi trẻ đã hết bệnh. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cách ly trẻ và bắt đầu thực hiện các biện pháp điều trị phòng ngừa. Đồng thời, phụ huynh cũng nên ngăn trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với người bệnh hoặc người có nguy cơ mắc cao.
Triệu chứng
Cách triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ nhỏ như sau:
- Trước khi phát bệnh 1-2 ngày, trẻ sẽ cảm thấy khó ở trong người. Trẻ khởi phát bệnh bằng triệu chứng sốt từ 38-39 độ C, kéo dài trong 3-4 ngày. Trẻ mệt mỏi, ăn ngủ kém, nhức tai, đau đầu, cảm giác ớn lạnh, sợ gió.
- Sau sốt 24-28 giờ, xuất hiện triệu chứng viêm tuyến mang tai, lúc đầu chỉ sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia, thường sưng cả hai bên, ít khi sưng một bên. Hai bên sưng không đối xứng, một bên sưng to, một bên sưng nhỏ. Khi tuyến mang tai sưng to có thể làm mất rãnh trước và sau tai, gây biến dạng mặt, mặt phình to, cằm xệ, cổ bành. Da vùng tuyến mang tai bị sưng căng, bóng, không đỏ, sờ nóng, đau, ấn không lõm.
- Trẻ đau hàm khi há miệng, khi nhai, nuốt, cảm giác đau lan ra tai, họng viêm đỏ, sưng hạch góc hàm.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, tuyến dưới hàm sưng to gây phù trước xương ức, gây khó nuốt, khó thở, khó nói. Bệnh thường lành tính, sau khoảng 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau, nhỏ dần, bệnh nhân giảm sốt, các triệu chứng khác cũng giảm dần. Tuyến nước bọt không bị teo và không bao giờ hóa mủ (trừ trường hợp bội nhiễm vi khuẩn).
Triệu chứng quai bị ở trẻ em
Virus quai bị ngoài gây viêm tuyến nước bọt còn có thể gây viêm ở những cơ quan khác với các triệu chứng như:
- Viêm tinh hoàn có thể gặp trong quai bị, đặc biệt là những trẻ trong tuổi dậy thì. Viêm tinh hoàn có thể xuất hiện 1-2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai hoặc xuất hiện đơn độc không kèm sưng tuyến mang tai. Bệnh nhân sốt cao trở lại, thỉnh thoảng có rét run, đau nhức đầu, buồn nôn, nôn. Tinh hoàn bị sưng đau, to gấp 3-4 lần bình thường, da bìu đỏ, mào tinh hoàn đôi khi cũng sưng to. Bệnh nhân thường sưng một bên tinh hoàn nhưng một số trường hợp có thể sưng cả hai bên. Sau 4-5 ngày thì bệnh nhân sẽ hết sốt nhưng sau khoảng 2 tuần, tinh hoàn mới hết sưng. Phải sau 2 tháng mới xác định được có tình trạng teo tinh hoàn hay không. Khoảng 20% quai bị ở trẻ em độ tuổi dậy có nguy cơ bị teo tinh hoàn, 5% trường hợp bị teo tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
- Viêm não do quai bị biến chứng với các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, nôn, co giật, rối loạn ý thức, cứng cổ. Tỉ lệ viêm não do quai bị gặp trong 1-10% trẻ, có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi viêm tuyến nước bọt 3-10 ngày.
- Viêm tụy cấp: Thường xảy ra vào tuần thứ hai (từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 10) khi tình trạng sưng tuyến mang tai đã giảm. Bệnh nhân quai bị triệu chứng trong viêm tụy cấp là sốt trở lại, đau thượng vị, đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy,…
- Các bệnh lý khác có thể gặp do quai bị là: viêm buồng trứng, viêm cơ tim, viêm đa khớp, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm phổi,…
Cách phòng ngừa quai bị ở trẻ
Để phòng ngừa bệnh quai bị, bạn nên chú ý những điều sau:
- Giữ gìn vệ sinh cho trẻ, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Nhà ở và trường học nên được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
- Nhắc nhở trẻ phải đeo khẩu trang để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.
- Nếu có biểu hiện bị bệnh, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Người mắc bệnh quai bị nên nghỉ ngơi tại nhà và tốt nhất nên cách ly với mọi người trong khoảng 10 ngày khi có triệu chứng để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì cần đeo khẩu trang.
- Hiện nay, cách phòng ngừa bệnh tốt nhất chính là tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh. Những trẻ từ 12 tháng tuổi đã có thể tiêm phòng để cơ thể miễn dịch với bệnh trong khoảng một thời gian dài hay có thể là suốt đời. Một số trường hợp khác, nếu đã tiếp xúc với người bệnh thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh để giúp bản thân tránh nhiễm bệnh.
Hi vọng với những chia sẻ trên có thể giúp các bạn hiểu hơn về bệnh quai bị ở trẻ em và cách phòng ngừa bệnh quai bị.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.