Bệnh quai bị là gì?
- Quai bị là một bệnh do virus gây ra – virus Paramyxovirus, lây lan qua các giọt bắn hoặc nước bọt.
- Thường xâm nhập qua mũi hoặc qua miệng.
- Nó hiện diện trong nước bọt đến 7 ngày trước khi sưng tuyến nước bọt xuất hiện và khả năng lây truyền cao nhất ngay trước khi phát triển bệnh viêm tuyến mang tai.
Những biến chứng nguy hiểm của quai bị
Quai bị có thể liên quan đến các cơ quan khác ngoài tuyến nước bọt, đặc biệt là ở bệnh nhân sau dậy thì. Những biến chứng bệnh quai bị bao gồm:
Viêm tinh hoàn ở nam giới:
- Viêm tinh hoàn do quai bị sẽ dẫn đến teo tinh hoàn, giảm khả năng sản xuất tinh trùng
- Viêm tinh hoàn thường hay gặp ở tuổi dậy thì, khoảng 20-30% nam giới mắc quai bị sau tuổi dậy thì sẽ bị viêm tinh hoàn
- Viêm tinh hoàn thường xuất hiện sau khi có biểu hiện sưng mang tai 5-10 ngày. Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh và nhức đầu, đặc biệt đau ở tinh hoàn, tinh hoàn sưng to gấp 3-4 lần bình thường, phần da bìu màu đỏ, đôi khi mào tinh cũng sưng to. Thông thường bệnh nhân chỉ bị sưng một bên tinh hoàn.
- Sau khi tiến triển 4-5 ngày, bệnh nhân thường sẽ hết sốt nhưng tinh hoàn vẫn còn sưng, không hóa mủ. Sau khoảng 2 tuần, tinh hoàn mới hết sưng và sau khoảng 2 tháng mới có thể đánh giá được tinh hoàn của người bệnh có bị teo hay không.
Viêm buồng trứng ở nữ:
- Khoảng 1/15 phụ nữ bị quai bị sau tuổi dậy thì có biến chứng viêm buồng trứng.
- Các triệu chứng như sốt, đau hạ vị, mệt mỏi. Tuy nhiên các triệu chứng này thường hết sau khi cơ thể đã khỏi bệnh quai bị và tỷ lệ biến chứng thấp, không ảnh hưởng đến trứng và không bị vô sinh.
- Tuy nhiên phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị sẽ tăng khả năng sảy thai, sinh non, lưu thai.
- Viêm màng não:
- Là biến chứng chiếm khoảng 10-35% trường hợp thường hay gặp nhất ở trẻ nhỏ
- Biến chứng này có thể xảy ra đơn độc hoặc sau khi có viêm tuyến mang tai 3-10 ngày.
- Biểu hiện của viêm màng não hậu quai bị là sốt cao, đau nhức đầu, nôn, co giật, cứng cổ, dấu Kernig, rối loạn ý thức.
Viêm tụy:
- Viêm tụy thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 khi viêm tuyến mang tai đã đỡ.
- Viêm tuỵ khiến bệnh nhân đau thượng vị cấp, cơn đau dữ dội, bệnh nhân nôn, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng và chán ăn.
- Viêm tuyến tiền liệt, viêm thận, viêm cơ tim, viêm gan, viêm vú, viêm đa khớp, điếc, và kèm tuyến lệ rất hiếm khi xảy ra.
Quai bị có gây vô sinh không?
- Cứ 5 nam thanh thiếu niên bị bệnh quai bị thì sẽ có 1 người bị viêm và sưng tinh hoàn. Trẻ em trước tuổi dậy thì ít gặp biến chứng viêm tinh hoàn nhưng khoảng 20-35% các trường mắc quai bị sau tuổi dậy thì gặp biến chứng này.
- Virus quai bị cũng là nguyên nhân duy nhất gây viêm tinh hoàn đơn thuần. Khoảng 90% các trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị chỉ xảy ra ở một bên, còn lại khoảng 10% các trường hợp xảy ra ở cả hai bên.
- Bệnh viêm tinh hoàn do quai bị nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dần chuyển sang giai đoạn mạn tính, dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng. Dấu hiệu viêm tinh hoàn bắt đầu với sự xuất hiện trở lại hoặc tăng lên của các cơn sốt, người bệnh có thể buồn nôn và nôn. Tinh hoàn đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ da thấy chắc, bìu bị phù nề, căng, bóng, đỏ.
- Biến chứng viêm tinh hoàn thường xảy ra trước, sau hoặc đồng thời với đợt viêm tuyến mang tai. Trong vài ngày đầu tiên, virus tấn công các tuyến tinh hoàn, dẫn đến viêm nhu mô, tách các ống dẫn tinh và thâm nhiễm tế bào lympho kẽ quanh mạch máu. Lớp bao trắng của tinh hoàn tạo thành một rào cản chống lại phù nề, và dưới sự gia tăng áp lực nội mạc sau đó dẫn đến teo tinh hoàn do áp lực.
- Quá trình teo tinh hoàn có thể diễn ra sau vài tháng xuất hiện viêm cấp tính, khoảng 50% tinh hoàn bị teo dần, còn 50% còn lại tinh hoàn vẫn có thể sinh tinh và trở về trạng thái bình thường.
- Teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng không có tinh trùng dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Nếu chỉ teo một bên tinh hoàn sẽ không có ảnh hưởng gì lớn đến việc sinh sản, bên tinh hoàn lành còn lại sẽ hoạt động bù trừ.
- Tuy nhiên nam giới ở tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên sẽ làm xơ hóa tinh hoàn khiến tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng, gây ảnh hưởng đến sự sinh sản về sau.
Cách phòng tránh quai bị
- Tiêm vacxin sởi – quai bị – rubella hoặc vắc-xin quai bị. Vắc xin quai bị đang được sử dụng hiện nay là vắc xin vi khuẩn sống, nhưng đã được làm giảm độc lực để không còn khả năng gây bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều cơ quan y khoa ở các nước phát triển đều khuyến cáo đưa vắc xin quai bị vào trong chương trình tiêm chủng để phòng chống bệnh. Hiện nay, vắc xin quai bị thường được phối hợp với vắc xin sởi, rubella trong cùng 1 chế phẩm (MMR) để giảm số lần tiêm và đơn giản hóa quy trình tiêm phòng. Không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn đặc biệt là phụ nữ có kế hoạch mang thai đều nên tiêm phòng quai bị.
- Người lớn: tiêm một liều duy nhất 0,5ml trên bắp tay.
- Trẻ em: Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm khi trẻ khoảng từ 3-5 tuổi hoặc trước khi trẻ đi học, 2 mũi nên được tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần xét nghiệm trước khi tiêm phòng vắc xin quai bị. Trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vắc xin cần tránh mang thai. Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc xin sởi – quai bị – rubella.
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên , súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng của trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.