Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim hoàn toàn do nhiều nguyên nhân dẫn đến hoại tử mô cơ tim. Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại các bệnh viện trên toàn quốc. Đây cũng là bệnh lý cấp cứu có tỷ lệ tử vong hàng đầu. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu để xử trí kịp thời sẽ giúp bệnh nhân thoát được ‘cửa tử’. Hàng năm, tại nước ta có hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu sống bằng phương pháp tim mạch can thiệp nhờ đến bệnh viện sớm. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin và cách phòng tránh bệnh Nhồi máu cơ tim.
Biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp thường là:
- Cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay.
- Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
- Vã mồ hôi
- Khó thở, thở khò khè
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Nôn, buồn nôn
- Lú lẫn
- Rối loạn tiêu hóa (gặp ở một số người)
Một số bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, thường gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Nhồi máu cơ tim cấp có tái phát không
Nhồi máu cơ tim hoàn toàn có thể tái phát nếu người bệnh không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Để hạn chế nhồi máu cơ tim có thể tái phát, sau khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ để ngăn ngừa các biến cố có thể xảy ra. Dự phòng, ngăn ngừa bệnh tái phát phụ thuộc rất nhiều ở nghị lực, tâm lý lạc quan và sự hiểu biết của người bệnh. Tuân thủ điều trị và khám bệnh định kỳ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp
Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp thường do cơ tim bị tổn thương. Các biến chứng bao gồm:
- Nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp: Tổn thương do nhồi máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến cách thức các tín hiệu điện di chuyển trong tim, gây ra những thay đổi về nhịp tim (rối loạn nhịp). Một số trường hợp rất nghiêm trọng và gây chết người, đột tử.
- Sốc tim: Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm máu, xảy ra khi tổn thương khối lượng cơ tim lớn >40%
- Suy tim: Mô cơ tim bị tổn thương nhiều có thể khiến tim không thể bơm máu. Suy tim có thể tạm thời (suy tim cấp) hoặc lâu dài (mãn tính)
- Viêm màng ngoài tim: Đôi khi nhồi máu cơ tim gây ra tình trạng phản ứng hệ thống miễn dịch bị lỗi. Tình trạng này được gọi là hội chứng Dressler (viêm tràn dịch màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim)
- Ngưng tim: Tim bỗng nhiên ngừng đập mà không có bất cứ một tín hiệu nào báo trước. Sự thay đổi tín hiệu đột ngột của tim gây ngừng tim. Cơn nhồi máu cơ tim cấp làm tăng nguy cơ và đe dọa tính mạng người bệnh, có thể dẫn đến tử vong (đột tử do tim) nếu không được điều trị ngay lập tức
Phương pháp phòng tránh bệnh
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả cần thực hiện các nguyên tắc sau:
- Thực hiện lối sống lành mạnh bằng cách đi ngủ sớm, đủ giấc, tập thể dục đều, ăn nhiều rau xanh, hạn chế muối, mỡ, không bỏ bữa sáng, uống nhiều nước vào sáng sớm mới dậy, không hút thuốc lá, không uống rượu bia,…
- Khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết và cân nặng, sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ.
- Với những người có bệnh lý, cần sẵn sàng khi nhồi máu cơ tim xảy ra. Cần nhớ luôn mang theo điện thoại, có số điện thoại của người thân, bác sĩ để kịp gọi trợ giúp; Luôn mang theo thuốc Nitroglycerin, Aspirin; Liệt kê các thuốc đang dùng, thuốc bị dị ứng,… lưu ở những nơi thường sinh hoạt;
Nhồi máu cơ tim thường để lại hậu quả xấu, mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào diện tích vùng cơ tim bị thiếu máu, vùng thiếu máu càng rộng thì chức năng của tim càng giảm mạnh, càng dễ tử vong. Do vậy, thời gian vàng để cấp cứu kịp thời là 30-60 phút, việc đưa đến bệnh viện càng sớm thì khả năng được cứu sống càng cao.
Trên đây là những chia sẻ về bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.