Nang gan là bệnh lý lành tính không quá phổ biến liên quan đến gan, chỉ chiếm 5% dân số. Tuy nhiên, một số trường hợp mắc nang gan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cùng tìm hiểu về bệnh nang gan và những điều cần biết về căn bệnh này qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Nang gan là gì?
Nang gan được hình thành do các ống mật bất thường bị tách ra khỏi đường mật và giãn dần, tạo thành các nang. Tùy từng bệnh nhân, người có nhiều nang gan, người chỉ có một nang gan, kích thước của chúng thường dao động từ vài mm cho đến 10cm.
Các loại nang gan thường gặp:
Nang đơn giản
- Nang được lót bởi biểu mô cùng loại với đường mật, dịch trong nang không chứa mật. Nguyên nhân được cho là do bẩm sinh.
- Nang to sẽ làm cho bụng phình to lên, có thể nhận biết thông qua sờ khám bụng. Gây đau ở vùng bụng phía trên bên phải.
Gan đa nang
- Do bẩm sinh ở người lớn hoặc di truyền ở trẻ em.
- Đa nang thường xuất hiện kèm với bệnh nang thận và rất ít khi đưa đến bệnh xơ hoá gan hay suy gan. Bệnh làm gan to và xuất hiện đau bụng. Thường xảy ra ở tuổi dậy thì.
Nang sán
- Gây ra bởi ký sinh trùng có tên Echinococcus granulosus là một loại sán dây ký sinh trong cơ thể động vật như trâu, cừu,… theo đường tiêu hoá xâm nhập vào gan người
- Trong nhiều năm đầu sẽ không có triệu chứng gì hoặc chỉ gây đau ở sườn phải. Sau đó, nang này có thể lớn lên và vỡ ra gây vàng da hoặc gây viêm đường mật. Nang sán có thể hình thành ở phổi và các cơ quan khác.
U nang: Bệnh thường gặp sau tiền ung thư và rất hiếm gặp. U nhỏ thường sẽ không gây triệu chứng gì. U lớn có thể gây ra đau bụng hoặc tắc nghẽn.
Triệu chứng bệnh nang gan
Phần lớn u nang gan đơn giản không có triệu chứng cho đến khi kích thước tăng lên (thường xảy ra ở 15 – 16% trường hợp). Bác sĩ có thể sờ thấy khối u hoặc kích thước gan to bất thường khi khám thực thể, có thể gây ra một số triệu chứng sau:
- Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở vùng gan: Đây là triệu chứng phổ biến nhất khi các nang lớn lên và gây áp lực lên các cơ quan lân cận.
- Chướng bụng: Cảm giác đầy bụng hoặc căng chướng có thể xảy ra do sự tích tụ dịch trong nang.
- Sốt: Một số trường hợp nang bị nhiễm trùng có thể gây ra sốt và các triệu chứng viêm nhiễm khác.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Khi nang gan ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa hoặc gây chán ăn.
Nguyên nhân của bệnh nang gan
- Di truyền: Một số dạng nang gan có thể liên quan đến yếu tố di truyền, đặc biệt là nang gan bẩm sinh.
- Nhiễm ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng, chẳng hạn như sán lá gan, có thể gây ra nang gan do viêm nhiễm kéo dài.
- Chấn thương: Các chấn thương ở vùng gan cũng có thể dẫn đến sự hình thành nang.
- Do cấu trúc của gan;
- Do biến chứng của dị tật trong ống mật.
Đối tượng nguy cơ nang gan
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn mắc nang gan.
- Giới tính: Phụ nữ có tỷ lệ mắc nang gan cao hơn nam giới.
- Bệnh lý nền: Những người có tiền sử bệnh lý về gan hoặc bệnh lý di truyền về gan có nguy cơ cao hơn.
- Tiếp xúc với chất độc hại: Tiếp xúc lâu dài với các hóa chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ mắc nang gan.
Chẩn đoán nang gan
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm bụng: Phương pháp này không xâm lấn, có độ nhạy cao, cơ thể không phải tiếp xúc với tia bức xạ có hại, được chỉ định thực hiện trong chẩn đoán u nang gan đơn giản, phân biệt u nang gan đơn giản với u nang gan phức tạp.
- Chụp CT: Phương pháp chụp CT rất nhạy, được chỉ định thực hiện để chẩn đoán lâm sàng và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho từng tình trạng u nang gan.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp động mạch gan và quét y học hạt nhân (nuclear medicine scanning): Các phương pháp này giúp kiểm soát tốc độ tiến triển của u nang gan. Trong đó, chụp MRI còn giúp đánh giá tình trạng đường mật và các thành phần chứa trong nang.
- Mô học và chọc hút bằng kim
- Hiện nay, phương pháp chọc hút dịch nang bằng kim không được khuyến cáo thực hiện ở người bệnh bị ung thư do làm tăng nguy cơ gieo rắc tạo mầm u và phát triển ung thư phúc mạc.
- Kết quả sinh thiết và mô học vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, phân biệt u nang đường mật lành tính (BCA) và ung thư biểu mô tuyến đường mật ác tính (BCAC), nhưng chủ yếu được thực hiện sau khi phẫu thuật.
- Xét nghiệm di truyền: Gan đa nang (PCLD) có kiểu di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường và tỷ lệ tái phát ở thế hệ tiếp theo là 50%. Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện ở những người bệnh có tiền sử gia đình mắc ADPKD (bệnh thận đa nang di truyền gen trội nhiễm sắc thể thường) hoặc gan đa nang.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nang gan
Bệnh nhân đang mắc bệnh nang gan ở mức độ nhẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng như sau:
- Không uống rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích,… gây ảnh hưởng đến các tế bào của gan.
- Tuyệt đối không uống sữa. Sữa sẽ thúc đẩy cho gan và các chất nhầy trong cơ thể phát triển.
- Selen là một chất cần thiết giúp gan sản xuất glutathione và là chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Selen sẽ giúp bảo vệ tế bào gan khỏi bị tổn thương. Vì thế, bổ sung thêm selen sẽ phần nào giúp cải thiện gan của bệnh nhân.
- Tránh những tác động bên ngoài vào vùng nang gan gây vỡ nang đặc biệt là khi nang có kích thước lớn.
- Ăn nhiều rau, củ, quả như: cải xoăn, bông cải xanh, củ cải và hành tây. Uống nước ép cà rốt, táo,… để làm mát gan.
Nếu chưa mắc bệnh cũng cần đi xét nghiệm gan để phát hiện kịp thời cũng như để được bác sĩ tư vấn về việc bảo vệ gan.
Điều trị như thế nào?
Hầu hết các nang gan có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong trường hợp nang gan kích thước quá lớn hoặc ác tính cần được phẫu thuật cắt bỏ. Các phương pháp dùng để điều trị bệnh nang gan bao gồm:
- Điều trị nội khoa: Bệnh nhân sử dụng thuốc uống để giảm các triệu chứng, đặc biệt là nang gan do sán gan hoặc vi khuẩn lao.
- Điều trị ngoại khoa: Trường hợp nang có kích thước hơn 5cm, chèn ép các bộ phận khác thì cần có sự can thiệp của ngoại khoa. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt bỏ nang gan, nhất là những trường hợp bị u nang hoặc ung thư nang tuyến.
Trường hợp đa nang gan chảy máu nhiều, khiến bệnh nhân đau dữ dội, dẫn đến suy gan thì phải thực hiện ghép gan.
Bài viết trên đã cung cấp các thông tin về bệnh nang gan và những điều cần biết đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này mang lại kiến thức hữu ích để bạn đọc có thể kịp thời phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.