Bệnh mạch máu ngoại vi là một nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến các mạch máu bên ngoài tim và não. Hiểu rõ về các loại bệnh này, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe mạch máu của mình một cách tốt nhất.
Tổng quan chung
Bệnh mạch máu ngoại vi là gì?
(Peripheral Vascular Disease – PVD) hay còn gọi là bệnh mạch máu ngoại biên bao gồm các bệnh lý liên quan đến sự lưu thông máu trong các động mạch và tĩnh mạch ngoại vi. PVD thường xảy ra do tắc nghẽn hoặc thu hẹp các mạch máu, dẫn đến giảm lưu thông máu đến các chi. Đây là tên gọi chung của các bệnh liên quan đến hệ động mạch nằm cách xa tim. Cụ thể bệnh do các mảng xơ vữa và huyết khối hình thành gây tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng tới việc cấp máu cho các chi và có thể ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu cho vùng đầu. Chủ yếu, bệnh mạch máu ngoại vi là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, ở chân và bàn chân.
Bệnh tuy không bao gồm các tổn thương ở động mạch tim và mạch máu não nhưng những người bị bệnh mạch ngoại vi lại có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Người bệnh không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, đến khi tình trạng bệnh nặng mới phát hiện..
Bệnh mạch ngoại vi gồm những bệnh nào?
Bệnh động mạch ngoại vi (Peripheral Artery Disease – PAD): Động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn, thường do xơ vữa động mạch.
- Tắc động mạch: Các mảng xơ vữa lắng đọng trong lòng động mạch gây hẹp dòng chảy khiến động mạch bị tắc. Máu chảy đi nuôi các chi bị thiếu hụt khiến chân tay đau và tê, lâu dần có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng các chi. Tình trạng đau càng nặng, tần suất đau càng nhiều thì mức độ tắc càng nghiêm trọng. Càng hoạt động cơn đang càng tăng lên. Cơn đau cách hồi khiến bệnh nhân khó tập luyện và di chuyển, kể cả khi đi bộ.
Bệnh tĩnh mạch ngoại vi (Peripheral Venous Disease): Bao gồm các vấn đề như giãn tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch sâu (DVT).
- Viêm tĩnh mạch: Viêm tĩnh mạch thường xảy ra ở cánh tay. Bệnh được chia ra làm 2 loại là viêm tĩnh mạch nông và viêm tĩnh mạch sâu.
- Giãn tĩnh mạch: Người bình thường, vận tốc máu tĩnh mạch chảy về tim luôn ổn định ở một mức dưới sự hỗ trợ của quá trình co cơ và các van tĩnh mạch. Van tĩnh mạch có vai trò như một cánh cửa một chiều giúp ngăn không cho dòng máu chảy ngược trở lại. Nếu van tĩnh mạch bị viêm nhiễm hoặc tổn thương, dòng máu lưu thông quá chậm sẽ khiến các tĩnh mạch bị giãn căng và xoắn lại thành từng búi. Trường hợp này rất hay xảy ra với tĩnh mạch nông ở chân.
Bệnh lý mạch bạch huyết: Ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết, gây phù bạch huyết (lymphedema).
- Bệnh Buerger: Bệnh Buerger khiến các mạch máu ở chân tay bị viêm, nhất là mạch máu ở bàn chân, bàn tay. Bệnh gây hẹp và tắc nghẽn mạch máu, khiến quá trình lưu thông máu đến các chi bị cản trở, lượng máu nuôi các mô tế bào ở chân, tay giảm, gây tê bì, đau chân tay, tổn thương mô tế bào và hoại tử.
- Bệnh Raynaud: Bệnh Raynaud làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu theo từng đợt. Mỗi đợt kéo dài khoảng vài phút, thậm chí là một giờ. Trong các đợt bệnh Raynaud tấn công, lượng máu được vận chuyển đến các chi thiếu hụt nghiêm trọng khiến tay chân lạnh và tê bì, các ngón tay ngón chân tái nhợt hoặc xanh tím. Khi lượng máu được cung cấp ổn định trở lạnh, tay chân người bệnh sẽ ấm lên và hồng hào dần nhưng vẫn xuất hiện các cơn đau.
Triệu chứng
Với những người mắc bệnh kèm triệu chứng thường cảm thấy đau ở chân và bị chuột rút ở bắp chân, đùi, hông. Những cơn đau và chuột rút thường xuất hiện khi đi bộ, tập thể dục, thể thao, leo cầu thang hoặc hoạt động gắng sức. Các triệu chứng này sẽ biến mất nhanh chóng hoặc giảm dần chỉ sau vài phút dừng hoạt động và nghỉ ngơi.
Chính vì thế, nhiều bệnh nhân có các triệu chứng này thường chủ quan, lầm tưởng đó là bệnh đau xương khớp của người già hoặc các bệnh viêm khớp thông thường mà không cho rằng đang phải đối mặt với một trong những bệnh mạch ngoại vi nguy hiểm.
Nguyên nhân gây đau là khi cơ thể hoạt động, máu sẽ lưu thông nhiều hơn, nhưng do các mảng xơ vữa khiến lòng mạch hẹp, cản trở quá trình lưu thông máu, dẫn đến thiếu máu, tạo nên các cơn đau ở cơ. Khi cơ thể nghỉ ngơi, nhu cầu cấp máu giảm dần, triệu chứng đau cũng đỡ rồi biến mất.
Ban đầu, bệnh chỉ gây đau, chuột rút phần chi, nhưng khi bệnh mạch ngoại vi nặng hơn, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng như:
- Đau, chuột rút ngay cả khi nghỉ ngơi
- Đau chân do hoạt động nhưng khi nghỉ ngơi vẫn không đỡ
- Các vết thương ở bàn chân, ngón chân lâu lành
- Một chân hoặc cả hai chân lạnh hơn so với tay
- Ngón chân, bàn chân bị hoại tử
Nếu thấy các cơn đau xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại cần đi khám và chú ý miêu tả chi tiết tình trạng cho bác sĩ, tránh để bệnh tiến triển nặng mới tiến hành điều trị.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh mạch ngoại vi là tắc nghẽn mạch máu do các mảng xơ vữa. Lòng mạch bị hẹp do các chất lắng đọng trên thành mạch, đặc biệt là mỡ. Chúng tạo ra những mảng bám trên nội mạc thành mạch, hình thành xơ vữa, cản trở dòng chảy của lòng mạch.
Bệnh mạch ngoại vi thường gặp ở những đối tượng như:
- Người hút thuốc lá
- Người mắc bệnh tiểu đường
- Người bị rối loạn mỡ máu
- Người bị tăng huyết áp
Trong đó, hút thuốc lá và tiểu đường là 2 tác nhân gây nguy cơ mắc bệnh mạch ngoại vi cao. Bệnh cũng có xu hướng gia tăng ở những người lớn tuổi. Nếu có một trong số các nguy cơ mắc bệnh cần chú ý các dấu hiệu bất thường của cơ thể và kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và những dấu hiệu sớm của bệnh.
Đối tượng nguy cơ
- Trên 65 tuổi
- Trên 50 tuổi và có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc
- Dưới 50 tuổi và mắc bệnh tiểu đường và các yếu tố nguy cơ bệnh động mạch ngoại vi khác, chẳng hạn như béo phì hoặc huyết áp cao.
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên, bao gồm:
- Hút thuốc
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì (chỉ số khối cơ thể lớn hơn 30)
- Huyết áp cao (140/90 milimet thủy ngân hoặc cao hơn)
- Nồng độ cholesterol trong máu cao (tổng số cholesterol trong máu hơn 240 mg/dL hoặc 6,2 millimoles/lít)
- Trong gia đình có người mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hay đột quỵ
Những người hút thuốc hoặc bị bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch ngoại biên do giảm lưu lượng máu.
Chẩn đoán
Nếu bạn nghi ngờ mắc bệnh mạch máu ngoại vi, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể cải thiện bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán mạch máu ngoại vi bằng cách:
- Kiểm tra đầy đủ về bệnh sử cá nhân và gia đình, bao gồm thông tin về lối sống, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc.
- Thực hiện kiểm tra thể chất, bao gồm kiểm tra nhiệt độ da, quan sát bên ngoài và các mạch ở chân và bàn chân.
- Họ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các tình trạng sức khỏe khác. Một số rối loạn khác có thể tương tự các triệu chứng của bệnh mạch máu ngoại vi và động mạch ngoại vi.
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi bao gồm:
- Chụp mạch máu: Sử dụng thuốc cản quang để hiển thị hình ảnh chi tiết của mạch máu trên phim X-quang, CT hoặc MRI.
- Chỉ số ABI. Xét nghiệm không xâm lấn này sẽ đo huyết áp ở mắt cá chân. Sau đó, bác sĩ so sánh chỉ số này với chỉ số huyết áp ở cánh tay. Bạn sẽ được lấy số đo huyết áp sau khi nghỉ ngơi và hoạt động thể chất. Nếu huyết áp ở chân thấp, mạch máu có thể tắc nghẽn.
- Xét nghiệm máu. Mặc dù xét nghiệm máu không thể chẩn đoán bệnh mạch máu ngoại vi, nhưng chúng có thể giúp bác sĩ kiểm tra các tình trạng có thể làm tăng nguy cơ phát triển mạch máu ngoại vi, như bệnh tiểu đường và cholesterol cao.
- Siêu âm Doppler: Sử dụng sóng âm để đánh giá lưu thông máu trong động mạch và tĩnh mạch.
Phòng ngừa bệnh
Phòng ngừa bệnh mạch máu ngoại vi tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc mạch máu ngoại vi bằng cách:
- Bỏ hút thuốc lá
- Thường xuyên tập thể dục khoảng 150 phút/tuần, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ
- Chế độ ăn uống cân bằng
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
- Kiểm soát lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị bệnh là giảm triệu chứng đau, phòng ngừa những diễn biến xấu của bệnh như cắt cụt chi, xuất hiện các cơn đau thắt ngực hay đột quỵ. Các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp với bệnh nhân dựa trên tình trạng sức khỏe tổng quát và mức độ trầm trọng của bệnh. Những phương pháp cụ thể là:
- Luyện tập: Phương pháp điều trị bệnh mạch máu ngoại biên hiệu quả nhất chính là thường xuyên luyện tập. Bệnh nhân có thể bắt đầu tập nhẹ nhàng bằng cách đi bộ hoặc thực hiện các bài tập cho chân từ 3 – 4 lần/tuần. Biện pháp này có thể làm giảm triệu chứng của bệnh sau vài tháng. Tuy hiệu quả khá chậm nhưng đây là phương pháp điều trị cơ bản nhất, không gây tác dụng phụ cho bệnh nhân.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Nhiều người mắc bệnh mạch máu ngoại vi có mỡ máu cao. Vì vậy, cách điều trị hiệu quả là bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần áp dụng một chế độ ăn ít cholesterol và mỡ bão hòa để giảm mỡ máu, hạn chế tình trạng xơ vữa mạch máu.
- Bỏ thuốc lá: Khói thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do vậy, nếu đang hút thuốc lá thì người bệnh nên bỏ ngay để làm chậm tiến triển của bệnh mạch máu ngoại biên và các bệnh liên quan tới tim mạch khác.
- Sử dụng thuốc: Các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc điều chỉnh mỡ máu. Các thuốc nhóm cilostazol, pentoxifylline có tác dụng làm giảm độ nhớt của máu, giảm hình thành cục máu đông, cải thiện tốc độ dòng chảy của mạch máu. Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel cũng có công dụng giúp phòng ngừa huyết khối gây nghẽn mạch.
- Can thiệp điều trị qua đường ống thông: Bên cạnh các phương pháp trên, một số bệnh nhân mắc bệnh mạch máu ngoại vi cần được tiến hành điều trị can thiệp. Phương pháp can thiệp gồm nong hoặc đặt stent động mạch. Các bác sĩ thực hiện đưa một ống thông nhỏ qua da vào động mạch để lấy đi cục máu đông rồi dùng một quả bóng nhỏ bơm lên trong lòng mạch để nong rộng vị trí bị tắc nghẽn. Một stent (giá đỡ kim loại đặc biệt) sẽ được đặt vào vị trí tắc nghẽn để hạn chế nguy cơ tái hẹp mạch máu. Đây là phương pháp giúp cải thiện mức độ trầm trọng của bệnh. Vì vậy, sau khi đặt stent, người bệnh vẫn cần phải kiên trì dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ luyện tập, ăn uống lành mạnh, khoa học.
- Phẫu thuật: Phương pháp điều trị bệnh mạch máu ngoại vi này được áp dụng trong các trường hợp tắc hoàn toàn một đoạn mạch máu dài và bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu chi nặng. Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch (thường là tĩnh mạch) từ một phần khác của cơ thể để bắc cầu nối qua vị trí tắc tới các mạch máu nuôi phần chi dưới chỗ bị tắc nghẽn. Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ tốt việc dùng thuốc và duy trì lối sống khoa học theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Vật lý trị liệu: Hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và giảm đau bằng các bài tập và liệu pháp.
Kết Luận
Bệnh mạch máu ngoại vi là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm và có kế hoạch chăm sóc thích hợp. Điều quan trọng là bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh mạch máu ngoại vi để được tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời. Sức khỏe mạch máu của bạn phụ thuộc vào những lựa chọn thông minh và chăm sóc cẩn thận hàng ngày.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.