Lupus là một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và cơ quan của chính cơ thể. Đây là bệnh lý có tiến triển phức tạp, giai đoạn cuối tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê cho thấy, cứ 3 người bị lupus ban đỏ hệ thống thì có một người mắc biến chứng tổn thương ở thận dạng viêm mạn tính, hay còn gọi là bệnh thận do lupus ban đỏ hệ thống. Với những trường hợp nặng có thể dẫn đến hội chứng thận hư nặng hoặc suy thận cấp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thận giai đoạn cuối
Bệnh thận lupus hay còn gọi là viêm thận lupus là tổn thương hay gặp ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Có khoảng 60-70% bệnh nhân lupus có biểu hiện viêm cầu thận.
Viêm thận lupus là một biến chứng được xem là vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các triệu chứng của căn bệnh không phải lúc nào nó cũng sẽ biểu hiện ra một cách rõ ràng nhất. Triệu chứng đáng chú ý đầu tiên đó là sưng chân, mắt cá chân và cả bàn chân. Một số triệu chứng khác có thể sưng ở mặt hoặc tay.
Các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy theo từng đối tượng. Một số dấu hiệu của viêm thận Lupus thông thường sẽ bao gồm:
- Tăng cân liên tục
- Huyết áp bỗng trở nên cao hơn
- Nước tiểu thường sẽ có màu đậm hơn bình thường
- Nước tiểu bỗng sủi bọt (do thừa protein trong nước tiểu)
- Nhu cầu đi tiểu đêm ngày một tăng
- Xuất hiện tình trạng máu nằm trong nước tiểu
- Xuất hiện những triệu chứng sưng ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân
Ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và cơ thể người bệnh
Hiện nay, việc điều trị tích cực có tác dụng kiểm soát tốt bệnh thận lupus vì vậy đã hạn chế biến chứng xảy ra.
Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, từ 10% đến 30% những người bị bệnh này phát triển thành suy thận. Lúc này, để duy trì các chức năng quan trọng của thận, người bệnh có thể cần chạy thận hoặc tiến hành ghép thận.
Dạng bệnh thận lupus nghiêm trọng nhất, được gọi là viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa, có thể hình thành sẹo ở thận. Sẹo sẽ tồn tại vĩnh viễn, càng nhiều sẹo hình thành thì chức năng thận càng suy giảm. Mặc dù vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa tổn thương lâu dài.
Phương pháp điều trị
Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm viêm cầu thận lupus. Các biện pháp điều trị chỉ có mục đích giữ cho thận không bị tổn thương nhiều hơn, làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Bên cạnh đó là việc điều trị theo các triệu chứng của bệnh như:
- Uống thuốc điều chỉnh huyết áp.
- Sử dụng thuốc giảm viêm, sưng, phù.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để giảm tổn thương thận do hệ miễn dịch.
Trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống theo lớp tổn thương mô bệnh học, không có sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn, tuy nhiên với trẻ em cần tránh các thuốc ảnh hưởng lâu dài đến sinh dục và sinh sản.
Sau khi sinh thiết thận, tùy theo phân loại bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị viêm thận lupus khác nhau:
- Viêm thận lupus cấp I: chỉ điều trị những biểu hiện ngoài thận.
- Viêm thận lupus cấp II: điều trị những biểu hiện ngoài thận. Khi có tình trạng lâm sàng nặng nên cần sinh thiết lại thận. Nếu có thay đổi về thể tổn thương mô bệnh học thận sẽ điều trị như cấp bệnh mới.
- Viêm thận lupus cấp III: tổn thương nhẹ chủ yếu điều trị bằng liệu pháp
corticoids. Nếu tổn thương nặng điều trị như viêm cầu thận lupus cấp IV. - Viêm thận lupus cấp IV và cấp V: là thể nặng nhất, cần điều trị tích cực. Có nhiều thuốc ức chế miễn dịch có thể lựa chọn tùy thuộc vào bệnh nhân có chống chỉ định với nhóm nào.
Trong trường hợp bệnh nhân viêm thận lupus không sinh thiết thận, bác sĩ có thể linh hoạt lựa chọn phác đồ điều trị dựa trên các triệu chứng lâm sàng hoặc bệnh nhân có hội chứng cầu thận cấp.
Nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng, suy thận giai đoạn cuối thì cần điều trị bằng các phương pháp như chạy thận nhân tạo, ghép thận.
Cùng với đó, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn và xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học hơn nhằm giúp hỗ trợ khắc phục các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Sự điều chỉnh này bao gồm:
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Giảm tiêu thụ muối, protein.
- Duy trì huyết áp khỏe mạnh.
- Tập thể dục, thể thao hằng ngày để nâng cao hệ miễn dịch.
- Hạn chế tiêu thụ cholesterol.
- Tránh hút thuốc, sử dụng rượu bia.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thận như thuốc kháng viêm không chứa steroid.
Muốn kiểm soát được bệnh, bệnh nhân cần phải theo sát quá trình điều trị và thực hiện theo những lời khuyên của bác sĩ. Với những ai đang mắc bệnh thận do bệnh lupus ban đỏ hệ thống, cần phải đi tái khám định kỳ để nắm rõ được tình hình sức khỏe của chính mình, tránh để bệnh tiến triển thành những biến chứng nặng nề, gây hậu quả đáng tiếc về sau.