Bệnh hột xoài (hay còn gọi là u lympho sinh dục hoặc u hạt bạch huyết hoa liễu) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Bệnh hột xoài là gì? Những điều cần biết về bệnh hột xoài qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh hột xoài hay còn có tên gọi khác là u hạt Lympho sinh dục (Lymphogranuloma venereum – LGV) là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis type L1, L2 và L3 gây nên. Biểu hiện bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính, gây tình trạng viêm hạch bẹn hóa mủ, nhiều lỗ rò hay viêm trực tràng mạn tính.
Bệnh hột xoài xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt (như châu Phi, vùng Nam Á, Ấn Độ, Nam Mỹ và vùng Caribbe); ngày nay, xu hướng bệnh gia tăng trên nhóm quan hệ đồng tính nam, đặc biệt ở thể có vết loét ban đầu ở trực tràng. Bệnh hột xoài có thể dễ chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Triệu chứng bệnh hột xoài
Thời gian ủ bệnh của bệnh hột xoài không rõ ràng, có thể từ 1 tuần đến 2-3 tháng. Bệnh thường gây tình trạng sốt tái phát nhiều đợt kèm theo hạch sưng; ngoài ra, còn có thể thấy các biểu hiện như đau khớp, tràn dịch ổ khớp và đôi khi nổi mẩn.
Giai đoạn tiên phát
- Khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện các tổn thương tiên phát gồm sẩn, trợt, loét nông, tổn thương dạng herpes, viêm niệu đạo,…Đôi khi, biểu hiện bệnh kín đáo hoặc các tổn thương không triệu chứng, khỏi nhanh không để lại sẹo khiến người bệnh không để ý và phát hiện ra. Ở nam giới, bệnh nhân thường thấy các tổn thương ở rãnh quy đầu, dây hãm, dương vật, hạ nang. Vị trí hay gặp ở nữ giới là môi lớn, môi nhỏ, chạc âm hộ, tiền đình âm đạo. Ngoài ra, có thể gặp viêm niệu đạo không đặc hiệu, tiết mủ nhầy (ở bệnh nhân có loét chợt trong niệu đạo), viêm trực tràng (trên đối tượng người đồng giới có quan hệ tình dục đường hậu môn).
- Viêm bạch mạch thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh hột xoài. Ở nam giới, viêm bạch mạch thành dải như dây thừng ở thân dương vật, khi lan rộng tạo hình ảnh hột xoài. Nếu các hột xoài vỡ, sẽ hình thành đường ngầm, lỗ rò niệu đạo khiến dương vật nam giới xơ hóa, sẹo biến dạng. Ngoài ra, tình trạng viêm bạch mạch có thể gây phù nề tại chỗ và các vùng xung quanh (giả phimosis ở nam, phù nề sinh dục ở nữ, viêm bạch mạch hàm dưới, hạch cổ nếu tổn thương ở miệng, họng).
Giai đoạn thứ phát
- Ở giai đoạn thứ phát này, nam giới thường xuất hiện hội chứng bẹn (inguinal syndrome), với biểu hiện sưng phù nề hạch bẹn sau khi nhiễm bệnh từ 10-30 ngày, nhưng cũng có khi tới 4-6 tháng. Đây là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đi khám bệnh. Hội chứng bẹn gặp ở 20-30% bệnh nhân nữ.
- Khoảng 2/3 các ca mắc bệnh hột xoài có sưng hạch bẹn một bên. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện các đám cứng, đau nhẹ; sau 1-2 tuần lễ, các tổn thương này sẽ to dần lên. Một số bệnh nhân có thể sốt cao, viêm gan, viêm khớp, viêm phổi mà không có sưng hạch hay viêm tại chỗ do vi khuẩn lan tỏa khắp cơ thể. Khi làm xét nghiệm, bạch cầu, máu lắng có thể tăng, chức năng gan bị rối loạn.
- Sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, bệnh nhân sẽ thấy hạch sưng to nhanh và đau vùng bẹn. Ban đầu, bề mặt da có màu đỏ, hạch mềm, dính với tổ chức; sau da vùng tổn thương chuyển xám, hạch sắp vỡ tạo nên hình ảnh “quả bóng xanh”. Khi hạch vỡ sẽ tiết ra mủ màu vàng xanh đặc sánh; đồng thời hình thành các lỗ dò (như gương sen), đường hầm thông nhau và các vết sẹo này thường lành muộn, co rúm lại vùng bẹn. Sưng hạch tái phát có thể gặp ở 20% bệnh nhân hột xoài không điều trị.
- Hạch sưng trong bệnh hột xoài đa phần là đám cứng vùng bẹn, không vỡ mủ, tiến triển chậm; tuy nhiên, 1/3 bệnh nhân có hạch mềm lùng nhùng, vỡ mủ. Dấu hiệu rãnh bẹn là dấu hiệu đặc trưng của bệnh hột xoài, do hạch đùi sưng to và ngăn cách với hạch bẹn bởi dây chằng Poupart. Tuy nhiên, triệu chứng này chỉ gặp ở 20% trường hợp. Cần chẩn đoán phân biệt tình trạng viêm hạch hố chậu, hạch thắt lưng với viêm ruột thừa, áp xe vòi trứng, buồng trứng.
Nguyên nhân bệnh hột xoài
Vi khuẩn Chlamydia trachomatis type L1, L2 và L3 là căn nguyên gây bệnh hột xoài. Sau khi vi khuẩn xâm nhập qua các sang chấn vào da và niêm mạc, sẽ gây tình trạng viêm hạch bẹn hóa mủ, viêm trực tràng mạn tính,… có thể diễn biến vài tuần đến vài tháng. Sau khi khỏi bệnh, tổ chức bị bệnh có thể xơ hóa, tổ chức bạch mạch bị phá hủy và làm tắc mạch bạch huyết gây tình trạng phù voi, xơ cứng thành mảng lớn. Kháng thể kháng Chlamydia có thể phát hiện được sau khi mắc bệnh 7-14 ngày, test Frei và kháng thể huyết thanh đặc hiệu LGV-Chlamydia dương tính. Đặc biệt, kháng thể huyết thanh đặc hiệu LGV-Chlamydia có thể tồn tại trong tổ chức 10-20 năm và có thể gây tình trạng nhiễm trùng lan rộng nếu bệnh không được điều trị.
Khi bổ hạch bị bệnh thấy bên trong có máu đỏ, có những vùng bị nhũn và các ổ mủ màu xám hay xám xanh. Tổn thương nguyên thủy thường là một u hạt bao quanh một mạch máu nhỏ. Lúc đầu, hạch gồm các đơn nhân lớn, sau đó xuất hiện các bạch cầu đa nhân.
Đối tượng nguy cơ bệnh hột xoài
Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do đó các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm nhiễm HIV, mắc bệnh loét sinh dục, tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ hậu môn không an toàn,… Đặc biệt, bệnh có xu hướng tăng trên nhóm đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nam.
Chẩn đoán bệnh hột xoài
Để chẩn đoán bệnh hột xoài cần dựa vào:
- Có yếu tố nguy cơ lây nhiễm 2-3 tuần trước đó
- Biểu hiện lâm sàng: Ban đầu có săng, loét (vết sẩn bị loét); sốt, đau khớp. Ở nam giới, gặp sưng hạch bẹn. Ở phụ nữ hay đối tượng quan hệ tình dục đồng giới có viêm trực tràng, sau đó, có chít hẹp trực tràng.
- Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm: Có thể lấy bệnh phẩm ở vết loét sinh dục, hạch viêm, vùng hậu môn trực tràng để xác định C.trachomatis bằng nuôi cấy, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp hay khuếch đại acid nucleic. Trên các đối tượng quan hệ đồng giới nam có loét hậu môn trực tràng cần được xét nghiệm Chlamydia.
Có thể sử dụng các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh hột xoài
- Phản ứng cố định bổ thể: Kháng thể dương tính và nhạy cảm sớm hơn test Frei, có thể tồn tại nhiều năm; nhưng có thể dương tính chéo với các nhiễm trùng Chlamydia khác. Khi mắc bệnh hột xoài, hoạt tính hiện giá là 1/64.
- Thử nghiệm kháng nguyên Frei: Tiến hành test bằng cách tiêm trong da mặt trước cẳng tay; sau 48 giờ, tiến hành đọc test. Thời gian dương tính của test Frei thường muộn, sau mắc bệnh từ 2-8 tuần và có thể kéo dài ngay cả khi đã điều trị khỏi bệnh.
- Phản ứng miễn dịch huỳnh quang trực tiếp: xét nghiệm này có độ nhạy cao; tuy nhiên còn chưa phổ biến, chỉ có ở các phòng xét nghiệm hiện đại
- Nuôi cấy phân lập vi khuẩn: Thường lấy bệnh phẩm mủ và nuôi cấy trong phôi trứng gà, não chuột, tổ chức tế bào,… để tìm vi khuẩn Chlamydia. Tuy nhiên, tỷ lệ dương tính thường dưới 30%
- PCR hoặc các kỹ thuật xét nghiệm khuếch đại nucleic acid khác (Nucleic acid amplification tests- NAAT): phương pháp này có độ nhạy và đặc hiệu cao; tuy nhiên, chi phí thường đắt và chỉ làm ở các phòng xét nghiệm hiện đại
Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt bệnh hột xoài với các bệnh lý khác có thể gây viêm loét vùng sinh dục, hậu môn trực tràng, sưng hạch vùng bẹn; như: Herpes sinh dục, hạ cam, giang mai (ở giai đoạn tiên phát), các thoát vị bẹn nghẹt, bệnh dịch hạch, lao, bệnh Hodgkin (ở giai đoạn thứ phát) hay các nguyên nhân gây chít hẹp trực tràng như ung thư, chấn thương, nấm actinomycosis, giun chỉ.
Phòng ngừa bệnh hột xoài
- Giảm nguy cơ lây truyền cho người khác: Bệnh nhân cần tránh quan hệ tình dục đến khi hết triệu chứng và hoàn thành đủ phác đồ điều trị. Để giảm nguy cơ tái nhiễm, bệnh nhân cũng cần được hướng dẫn tránh quan hệ cho đến khi bạn tình được điều trị.
- Quản lý bạn tình: Các đối tượng quan hệ tình dục với bệnh nhân cần được tiến hành sàng lọc và điều trị kịp thời. Những người có tiền sử quan hệ tình dục với bệnh nhân mắc bệnh hột xoài trong 60 ngày trước khi khởi phát triệu chứng cần được thăm khám và lấy mẫu xét nghiệm ở niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng phụ thuộc vào từng vị trí quan hệ
Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ mắc bệnh hột xoài và các bệnh lây truyền qua đường tình dục:
- Tìm hiểu đối tượng bạn tình có mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không. Ngoài ra, cần chung thủy một vợ một chồng, tránh quan hệ tình dục với nhiều người để giảm nguy cơ mắc bệnh
- Khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, miệng; việc sử dụng bao cao su đúng cách giúp bảo vệ tránh các bệnh lý lây qua đường tình dục, tránh mang thai ngoài ý muốn.
- Các hành vi tình dục gây rách da, tổn thương bộ phận sinh dục khiến nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục cao hơn. Do đó, cần tránh khi quan hệ tình dục
- Tiêm vắc xin viêm gan B, sùi mào gà và một số các loại virus khác giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm
- Cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán sớm người mắc bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục và có biện pháp dự phòng phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Những phương pháp phổ biến được dùng để điều trị bệnh hột xoài bao gồm:
- Thuốc kháng sinh được dùng để chống nhiễm trùng và phải được uống trong 3 tuần;
- Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen và chườm nóng tại chỗ có thể được dùng điều trị khi các triệu chứng gây khó chịu ít. Người bệnh nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương;
- Ở một số trường hợp, phẫu thuật cần thực hiện để dẫn lưu hạch bạch huyết viêm nhiễm hoặc rạch bỏ áp xe. Các biến chứng có thể xảy ra gồm viêm mãn tính, liệt dương, rối loạn tiểu tiện và đại tiện.
Trên đây là một số chia sẻ về Bệnh hột xoài là gì? Hy vọng, nó sẽ giúp ích cho bạn và gia đình của mình