Đái tháo đường thai kỳ là một trong những bệnh lý có thể gặp phải khi mang thai, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và thai nhi. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị suy hô hấp, hạ đường máu, hạ calci máu, tăng bilirubin máu, bệnh đa hồng cầu và tăng độ nhớt máu. Nếu chẳng may bị tình trạng này, bạn cần được điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe có thể xảy đến cho mình và thai nhi. Vậy đái tháo đường thai kỳ là gì và cách điều trị như thế nào, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ các thông tin cần thiết cho bạn.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai – cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé – tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin).
Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ:
- Bị thừa cân – béo phì trước khi mang thai
- Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ
- Có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Hiện tượng này được gọi là tiền đái tháo đường
- Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước
- Trên 35 tuổi
- Từng sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg
- Từng bị thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non
- Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ
Rất hiếm khi đái tháo đường khi mang thai gây ra triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ nếu có xuất hiện dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ gồm:
- Tiểu nhiều lần trong ngày
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Khát nước liên tục
- Ngủ ngáy
- Tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị
Các phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ hiệu quả
Mục tiêu đường huyết cần đạt cho điều trị đái tháo đường thai kỳ theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA):
- Đường huyết đói ≤ 95 mg/dL (5,3mmol/L)
- Đường huyết 1 giờ sau ăn ≤ 140mg/dL (7,8 mmol/L)
- Đường huyết 2 giờ sau ăn ≤ 120 mg/dL (6,7 mmol/L)
- Mục tiêu HbA1c < 6,5 % cho người đái tháo đường mang thai, hạn chế dị tật bẩm sinh.
- Trong một số trường hợp có biến cố hạ đường huyết mức HbA1c có thể < 7%
Các biện pháp kiểm soát đường huyết
- Kiểm soát chế độ ăn
- Mục tiêu bữa ăn tránh khẩu phần lớn, thích hợp 6 bữa ăn trong ngày 3 chính, 3 bữa ăn phụ.
- Carbohydrate < 50% trong khẩu phần ăn, ưu tiên dùng các thực phẩm có lượng đường thấp, tăng cường protein và chất béo trong bữa ăn.
- Vận động thể lực
- Tập luyện vừa phải: nên bơi, đi bộ sau ăn 20-30 phút, tránh quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, chạy.
- Khi tập lưu ý nhịp tim ko vượt quá 140 lần/phút, và cũng không nên để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài quá 20 phút.
- Không nên tập khi có phù nhiều, huyết áp không kiểm soát được, khi đường máu quá cao hoặc quá thấp.
Lưu ý: Vận động có chống chỉ định với các trường hợp dọa sinh non, vỡ ối sớm, hở eo tử cung xuất huyết âm đạo 3 tháng cuối thai kỳ, rau tiền đạo và tiền sản giật.
- Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết
-
-
- Insulin được khuyến cáo trong điều trị đái tháo đường thai kỳ.
- Các insulin được chọn lựa: Insulin human và một số loại Analog insulin aspart, insulin lispro, insulin Detemir.
-
Theo dõi đường huyết trong thai kỳ và sau khi sinh
- Theo tiêu chuẩn chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường của ADA năm 2023, việc theo dõi glucose liên tục (Continuous Glucose Monitoring – CGM) có thể giúp đạt nồng độ HbA1c mục tiêu cho bệnh nhân đái tháo đường và phụ nữ đang mang thai cần sử dụng thêm thiết bị theo dõi glucose trước và sau bữa ăn. Gần đây, FDA đã phê duyệt việc sử dụng thiết bị theo dõi glucose liên tục G7 CGM cho phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 hoặc đái tháo đường thai kỳ.
- Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cần kiểm tra lượng đường trong máu nhiều lần mỗi ngày. Việc tự theo dõi rất quan trọng vì trong quá trình mang thai, nhau thai tiết ra nhiều hormone kháng lại insulin, có thể làm tăng lượng đường trong máu. Liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn cách tự theo dõi lượng đường trong máu.
Theo dõi sau khi sinh
- Đa số tình trạng đề kháng insulin sẽ giảm đi nhanh chóng ngay sau sinh. Do đó, sản phụ thường không cần tiếp tục dùng thuốc hay phải giảm ½ liều đang dùng.
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ hạ đường huyết sau sinh nhiều hơn các trẻ khác. Vì vậy, trẻ cần được cho bú mẹ sớm, bú nhiều lần trong ngày. Mẹ cần lưu ý các dấu hiệu gợi ý tình trạng hạ đường huyết như : trẻ lạnh, li bì, khóc thét, tím tái…
- Mẹ nên nhớ tái khám lại ở mốc 6-12 tuần sau sinh để thực hiện lại test 75g đường trong 2 giờ, nhằm phát hiện sớm tình trạng đái tháo đường type 2 để nhận được các điều trị thích hợp.
Hiện chưa có cách nào để ngăn ngừa 100% bệnh đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, những thói quen lành mạnh như ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, bắt đầu mang thai với cân nặng khỏe mạnh và chỉ tăng cân theo khuyến nghị trong suốt thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ và bệnh đái tháo đường tuýp 2 sau khi sinh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.