Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua các giọt bắn nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Cúm mùa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em nhỏ, người già và người có bệnh lý nền.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus cúm gây ra
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cúm mùa gây ra hơn 9-45 triệu ca mắc mới mỗi năm, với hơn 61.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, năm 2019 ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm trong đó có khoảng 10 trường hợp tử vong do bệnh cúm mùa.
Nhiều người cho rằng cúm mùa là bệnh cảm thông thường, tuy nhiên đây lại là 2 bệnh khác nhau. Khác với cảm, cúm mùa có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa thường gây nên bởi virus A, B, C, trong đó thường gặp nhất ở người là chủng cúm A và B. Cúm có thể lây lan thành đại dịch và trên lịch sử thế giới đã ghi nhận các đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, trong khi đó tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng cúm mới rất cao có thể lên tới 90% ở người lớn và trẻ em. Bệnh cúm có thể diễn tiến nghiêm trọng ở người già, trẻ em, người mắc các bệnh nền mạn tính như tim mạch, huyết áp, COPD, các bệnh về thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa
Virus Influenza là nguyên nhân chính gây nên bệnh cúm mùa, tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ cho tới nguy kịch. Đối với trường hợp nặng bệnh cúm có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng làm gia tăng nguy cơ mắc cúm mùa:
- Thời tiết: Thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm không khí thấp cũng là điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập và gây bệnh cúm mùa ở người
- Do mắc các bệnh lý nền: Người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, suy gan, hen suyễn,… thường có hệ miễn dịch kém dễ tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập và gây bệnh.
- Đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người đang điều trị các loại thuốc kéo dài (ví dụ như bệnh nhân HIV/ AIDS),…
Bệnh cúm mùa thường kéo dài bao lâu?
Cúm mùa thường lưu hành quanh năm nhưng thường tập trung vào một thời điểm nhất định tùy thuộc theo khu vực địa lý. Nhiều nghiên cứu cho rằng virus cúm lây lan trong không khí một cách dễ dàng, đặc biệt là ở điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thấp. Vì vậy, dịch cúm mùa có xu hướng lan rộng vào mùa đông và mùa xuân, các chuyên gia cảnh báo đỉnh điểm của mùa cúm tại Việt Nam có thể rơi vào tháng 3-4 hoặc 9-10 hàng năm và thường tạm lắng vào mùa hè. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan.
Phương pháp điều trị cúm mùa
Bệnh cúm thông thường có thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người bệnh có thể điều trị các triệu chứng của cúm mùa bằng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đối với bệnh nhân cúm mùa không thuộc nhóm nguy cơ cao cần được điều trị triệu chứng thì không cần dùng thuốc. Bệnh nhân chỉ cần tập trung điều trị làm giảm các triệu chứng, lưu ý người bệnh nên ở nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
- Đối với các bệnh nhân bị cúm nặng hoặc có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng cần được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Các loại thuốc kháng virus có tác dụng làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng của cúm. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, thuốc kháng virus có hiệu quả tốt nhất nếu bắt đầu sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên khi mắc. Tuy nhiên, vẫn có thể sử dụng thuốc ở thời điểm muộn hơn, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý mãn tính.
Lưu ý, với trường hợp các triệu chứng của cảm cúm kéo dài (thường quá một tuần), người bệnh sốt cao mặc dù đã sử dụng các loại thuốc hạ sốt, ho nhiều, tức ngực,… cần tới cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Mắc bệnh cúm mùa nên uống thuốc gì?
Chăm sóc người bệnh cúm mùa
Người mắc cúm có thể sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng bị cúm mùa. Tùy thuộc vào tình trạng mà bác sĩ sẽ áp dụng các loại thuốc khác nhau. Một số loại thuốc được sử dụng như:
- Sử dụng thuốc Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen) để làm giảm triệu chứng sốt, đau họng, đau đầu,…
- Sử dụng nhóm thuốc co mạch như Oxymetazoline, Xylometazoline, Naphazolin,… để nhỏ mũi giúp làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Lưu ý, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của y bác sĩ bởi mỗi loại thuốc sẽ phù hợp với độ tuổi khác nhau và tình trạng khác nhau.
- Nếu như người bệnh xuất hiện các triệu chứng ho nhẹ không đáng kể thì không cần dùng thuốc bởi triệu chứng này sẽ giúp tống các dị vật ở đường thở ra ngoài. Trường hợp ho khan có thể dùng Dextromethorphan, codein,… Nếu như ho khan kèm theo sổ mũi, ngạt mũi người bệnh cần dùng phối hợp với một số thuốc như Atussin, Rhumenol,…
Cách phòng bệnh cúm mùa
Tiêm phòng được coi là phương pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả nhất. Vắc xin ngừa cúm có khả năng tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm có thể đạt tới 97%. Phụ nữ có thai, trẻ em từ 6 tháng tuổi, người già, người có bệnh mạn tính là đối tượng cần được tiêm phòng cúm hàng năm bởi đây là nhóm nguy cơ mắc cúm cao và có khả năng bị biến chứng nặng hơn so với những người khác. Nhân viên y tế là nhóm chăm sóc những người có nguy cơ cao, do đó cũng cần tiêm phòng cúm hàng năm.
Ngoài vắc xin, người dân cần chủ động thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân; che miệng khi hắt hơi; rửa tay đúng cách, đặc biệt là trước và sau ăn; vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Giữ ấm cơ thể vào mùa đông và sử dụng khẩu trang khi đi đường.
- Xây dựng chế độ ăn uống và thể dục thể thao lành mạnh, phù hợp với thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ bệnh.
- Tránh dùng tay chạm vào mắt, miệng, mũi bởi đây là con đường chính gây giúp virus xâm nhập vào cơ thể.
- Luôn giữ không gian sạch sẽ, làm sạch các bề mặt có khả năng chứa virus cúm.
- Duy trì nhiệt độ phòng trên 20oC và giữ độ ẩm đạt ít nhất 50%.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.