Basedow (Graves) là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây ra tình trạng cường giáp hay tuyến giáp hoạt động quá mức. Điều trị bệnh Basedow không phức tạp, nhưng nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn các thông tin cần biết về bệnh Basedow.
Bệnh Basedow là gì?
Bệnh Basedow còn được gọi là bệnh Graves hay bướu giáp lan tỏa nhiễm độc. Đây là một rối loạn tự miễn dịch dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá mức, gây phì đại tuyến giáp và đôi khi là các vấn đề về mắt.
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và gây dư thừa hormone tuyến giáp dẫn đến một loạt các triệu chứng. Cường giáp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp.
Triệu chứng
Hầu hết các triệu chứng của bệnh basedow được nhận biết dễ dàng qua 2 nhóm bệnh lớn tại tuyến giáp và ngoài tuyến giáp.
Tại tuyến giáp:
Xuất hiện một số triệu chứng như:
- Bướu giáp: Hầu hết những ai mắc phải basedow đều có bướu giáp xuất hiện với tần suất lớn. Chúng lan tỏa, có kích thước đều nhau với cấu trúc mềm, một số có thể hơi cứng. Khi bướu lớn có nguy cơ chèn ép nhiều các cơ quan vùng lân cận.
- Tim mạch: Rối loạn nhịp tim khi vận động hoặc khi nghỉ ngơi, kèm với đó là các cảm giác hồi hộp. Những biến chứng nặng hơn có thể là phù phổi, suy tim, gan to, hai chi dưới phù to.
- Thần kinh cơ: Biểu hiện điển hình nhất là ở hai bàn tay, run rẩy kèm với đó là yếu cơ. Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện cáu gắt, khó chịu, hay bực tức, bất an, nói nhiều hơn bình thường, khó tập trung và thậm chí là mất ngủ. Rối loạn vận mạch ngoại vi, mặt khi đỏ khi tái, tăng tiết nhiều mồ hôi, lòng bàn tay, chân ẩm.
- Tăng chuyển hóa: Người mắc bệnh basedow thường bị rối loạn thân nhiệt, thay đổi thất thường nhưng luôn có cảm giác nóng, uống nước nhiều hơn, giảm cân nhanh.
- Rối loạn chuyển hóa: Gây loãng xương, một số biến chứng có thể gặp ở phụ nữ lớn tuổi sau mãn kinh như xẹp đốt sống, xương loãng tự nhiên, viêm quanh các khớp,…
- Tiêu hóa: Ăn nhiều nhưng cơ thể khó hấp thu hết do đó vẫn giảm cân, khó mập. Hay xuất hiện tiêu chảy, ói mửa,…
- Rối loạn sinh lý: Triệu chứng tiêu biểu là rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra bệnh còn được biểu hiện qua da, tóc như rối loạn sắc tố da, da vàng, tóc khô và rụng nhiều hơn.
Ngoài tuyến giáp:
- Tổn thương ở mắt: Lồi mắt là triệu chứng hình thấy rõ nhất ở bệnh basedow được tồn tại dưới hai dạng lồi mắt thật và lồi mắt giả.
- Phù niêm: Xuất hiện ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối. Vùng da tổn thương dày lên có đường giới hạn rõ ràng. Da có màu hồng bóng, lỗ chân lông hiện rõ hơn, tiết mồ hôi nhiều. Triệu chứng này đôi khi có khả năng lan tỏa dần từ các chi dưới đến bàn chân.
- Các đầu ngón tay và ngón chân ở người bệnh basedow bị biến dạng, sưng to, thậm chí là tiêu móng.
Bên cạnh một số biểu hiện được thể hiện rõ ràng trên, bệnh còn mang một số triệu chứng tự miễn khác như: suy vỏ tuyến thượng thận, tiểu đường, nhược cơ năng,…
Nguyên nhân
Bệnh Basedow thường có nguyên nhân là do những rối loạn trong hệ thống tự miễn dịch chống lại các mô tự thân của cơ thể, ở đây là nhu mô tuyến giáp, mặc dù lý do chính xác tại sao điều này xảy ra vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh basedow và một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh là:
- Tiền căn gia đình: Có khả năng một gen hoặc nhiều gen di truyền từ cha mẹ có thể khiến một người dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh basedow hơn nam giới.
- Tuổi tác: Bệnh basedow thường phát hiện ở những người dưới 40 tuổi.
- Có các rối loạn tự miễn dịch đi kèm khác: Những người có các rối loạn khác của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc viêm khớp dạng thấp, có nguy cơ gia tăng khả năng mắc bệnh.
- Căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất. Có các bệnh lý hay căng thẳng trong cuộc sống có thể đóng vai trò là nguyên nhân khởi phát bệnh basedow, nhất là ở những người đã có yếu tố di truyền.
- Mang thai: Mang thai hoặc sinh con gần đây có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tự miễn.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh basedow.
Đối tượng nguy cơ
- Bệnh Basedow có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, nhưng nó phổ biến hơn ở người lớn từ 20-50 tuổi. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phụ nữ có nguy cơ cao hơn nhiều so với nam giới, gấp 7-8 lần.
- Nguy cơ bị Basedow cao hơn nếu trong gia đình có người bị tình trạng này.
Một số nghiên cứu cho rằng các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị Basedow:
- Có thai gần đây
- Mắc một bệnh tự miễn khác (Đái tháo đường type 1, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm khớp dạng thấp…)
- Căng thẳng nghiêm trọng (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn – PTSD)
- Tiêu thụ nhiều iod
- Sử dụng một số loại thuốc
- Tổn thương tuyến giáp
- Những người hút thuốc lá khi mắc bệnh Basedow sẽ có nguy cơ cao bị các vấn đề về mắt và tình trạng mắt cũng nghiêm trọng hơn ngay cả khi đã điều trị cường giáp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh Basedow chủ yếu dựa vào lâm sàng. Bác sĩ nội tiết sẽ xem xét các triệu chứng, các bướu ở cổ (nếu có). Kết hợp kết quả xét nghiệm các chức năng tuyến giáp, hormone tuyến giáp (T4 và T3) trong máu tăng cao; trong một số trường hợp, chỉ có mức T3 tăng lên.
Nồng độ TSH giảm rất thấp, thậm chí dưới giới hạn phát hiện. Khi nghi ngờ bệnh Basedow, người ta quan sát thấy các kháng thể dương tính (anti thyroglobulin, anti microsomal, TSI).
Khám sức khỏe tổng thể:
Một số triệu chứng bác sĩ có thể nhận ra khi khám sức khỏe tổng quát. Những biểu hiện bao gồm nhịp tim nhanh, run, thay đổi da, phản xạ mạnh, tuyến giáp to.
Xét nghiệm máu:
Xét nghiệm hormon tuyến giáp bao gồm TSH, FT4, nên cân nhắc xét nghiệm FT3, T3 khi kết quả FT4 bình thường nhưng biểu hiện cường giáp rõ.
Xét nghiệm các kháng thể kháng tuyến giáp như kháng thể thụ thể thyrotropin (TSH receptor antibodies – TRAb) và globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (Thyroid Stimulating Immunoglobulin – TSI) sẽ thấy tăng cao. Các kháng thể này được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với một cơ thể lạ hoặc mối đe dọa trong cơ thể.
Xạ hình tuyến giáp bằng chất đồng vị phóng xạ (I123 (tốt nhất) hoặc I131 hoặc Technitium).
Kỹ thuật này giúp đo sự hấp thụ iốt của tuyến giáp (còn được gọi là xét nghiệm RAIU). Xét nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng chất đánh dấu phóng xạ và đầu dò đặc biệt để đo lượng i ốt mà tuyến giáp có thể hấp thụ từ máu.
- Nên thực hiện kỹ thuật này khi nghi ngờ Basedow nhưng không có bướu giáp hoặc không có các triệu chứng về mắt.
- Trong Basedow: Tuyến giáp to và tăng bắt chất phóng xạ. Cổ điển với I131 sẽ có dấu hiệu góc thoát.
Siêu âm tuyến giáp và siêu âm doppler màu tuyến giáp:
Đôi khi cần làm để đánh giá mức độ tăng tưới máu, các nhân giáp.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh Basedow là bệnh lý liên quan trực tiếp tới rối loạn tự miễn chưa rõ nguyên nhân, vì vậy người bệnh đã bị Basedow cần có một số biện pháp để làm giảm nguy cơ tái phát của bệnh:
- Quan trọng nhất vẫn là người bệnh cần nâng cao sức khỏe và thể trạng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng và điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể
- Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái và suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng mệt mỏi
- Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá
- Đeo kính bảo vệ mắt khỏi bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày
- Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod
- Điều trị bệnh dứt điểm trước khi mang thai vì thai sản là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm
- Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn
Điều trị như thế nào?
Đây là tình trạng tự miễn dịch tiềm ẩn không thể chữa khỏi, nhưng bệnh Basedow có thể điều trị và kiểm soát được. Mục tiêu điều trị bệnh Basedow là kiểm soát triệu chứng cường giáp, đưa tuyến giáp về bình giáp và phòng ngừa các biến chứng.
Mỗi phương pháp điều trị có ưu và nhược điểm riêng. Việc áp dụng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp ưu tiên hơn để điều trị basedow.
Các phương pháp điều trị bệnh Basedow bao gồm:
- Thuốc: Thuốc chẹn beta giúp điều trị các triệu chứng như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, lo lắng. Thuốc kháng giáp làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp, là phương pháp điều trị lâu dài hoặc sử dụng trước phẫu thuật, trước liệu pháp iod phóng xạ.
- Điều trị bằng iod đồng vị phóng xạ: Uống iod đồng vị phóng xạ 131 kết hợp điều trị nội khoa hoặc trong trường hợp chống chỉ định phẫu thuật. Iod phóng xạ sẽ phá hủy tuyến giáp trong nhiều tháng đến nhiều năm.
- Phẫu thuật cắt tuyến giáp: Được chỉ định trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Trước khi phẫu thuật cần điều trị bằng thuốc kháng giáp để ổn định cường giáp.
Với phương pháp điều trị bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật, sau đó sẽ phải tái khám thường xuyên và cần dùng hormone tuyến giáp bổ sung trong suốt cuộc đời.
Các tình trạng mắt do Basedow gây ra thường có thể cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc, xạ trị hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên ở người được điều trị bằng iod phóng xạ hoặc người hút thuốc, các vấn đề về mắt có thể trầm trọng hơn.
Bệnh Basedow thường dễ chẩn đoán và có những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả. Người bệnh có thể không khỏi bệnh hoàn toàn và thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng nhưng việc điều trị thích hợp có thể giúp người bệnh sống vui vẻ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.