Đau lưng là tình trạng sức khỏe phổ biến gặp ở nhiều người, ở độ tuổi nào cũng có thể bị đau lưng.
Thực trạng đau lưng hiện nay
Vùng thắt lưng vốn được xem như bản lề của cột sống, mọi tư thế vận động, xoay chuyển, mang vác và cả quá trình lão hóa đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng này. Đau lưng cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở lứa tuổi 30-60.
Ngoài ra chứng đau cột sống thắt lưng hay còn gọi là đau lưng vùng thấp, là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông (ở một bên hoặc cả hai bên), đây cũng là một hội chứng xương khớp hay gặp nhất. Có đến khoảng 65-80% người ở độ tuổi trưởng thành có đau cột sống thắt lưng cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời và khoảng 10% số này bị chuyển thành đau đau cột sống thắt lưng mạn tính. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng bởi khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau đớn, mệt mỏi.
Ảnh hưởng do đau lưng đến sinh hoạt
Người bệnh nào đã từng mắc chứng bệnh đau lưng cấp tính hay mạn tính, âm ỉ hay dữ dội đều phải thừa nhận rằng căn bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày. Người bị đau lưng thường gặp khó khăn trong hầu hết các chuyển động, bị giới hạn thực hiện những công việc tay chân. Để tránh đau nhức họ thường phải di chuyển cẩn thận, theo đó những hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng diễn ra từ từ, chậm chạp.
Những cơn đau thắt lưng vào ban đêm thường gây khó ngủ, về lâu dài sẽ dẫn đến mất tập trung, trí nhớ kém. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cho thấy, những người bị đau lưng mạn tính thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gấp 4 lần so với người bình thường. Họ thường cảm thấy chán nản, vô vọng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cân nặng không ổn định, mất niềm vui hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng này diễn ra mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần.
Một nghiên cứu khác cũng cho biết, chứng đau lưng tác động đáng kể đến đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng. Vợ hoặc chồng bị đau lưng thường có xu hướng tránh quan hệ tình dục, điều này gián tiếp làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai.
Nếu chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, cơn đau lưng có thể còn kèm theo những biến chứng nguy hiểm khác như: Yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hoặc mất cảm giác hai chân, mất khả năng vận động, hoặc nặng hơn là những chèn ép vào hệ thần kinh gây rối loạn kiểm soát đi tiểu. Lúc này, thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị cao cũng là gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình.
Một số bài tập thể dục giúp giảm đau lưng
Bài tập mèo – bò:
- Tác dụng: Giúp tăng cường sự linh hoạt của cột sống, giảm căng cứng cơ bắp và cải thiện tư thế.
- Cách thực hiện:
- Bắt đầu bằng tư thế bò với hai tay đặt dưới vai, hai đầu gối đặt dưới hông.
- Hít vào, cong lưng xuống dưới, đẩy ngực lên cao, ngẩng đầu lên và nhìn về phía trước (tư thế mèo).
- Thở ra, uốn cong lưng lên cao, hóp bụng vào, cúi đầu xuống và áp cằm vào ngực (tư thế bò).
- Lặp lại động tác 10-15 lần.
Bài tập nâng cao chân:
- Tác dụng: Giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bụng và cơ lưng dưới, giảm áp lực lên cột sống.
- Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt bên hông.
- Hít vào, đồng thời nâng cao hai chân vuông góc với sàn.
- Giữ nguyên tư thế trong vài giây, sau đó thở ra và hạ chân xuống.
- Lặp lại động tác 10-15 lần.
Bài tập gập người:
- Tác dụng: Giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bụng và cơ lưng trên, cải thiện tư thế.
- Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, hai đầu gối gập lại, đặt bàn chân phẳng trên sàn.
- Hai tay đặt sau đầu.
- Hít vào, đồng thời gập bụng, nâng thân người lên khỏi sàn.
- Giữ nguyên tư thế trong vài giây, sau đó thở ra và hạ người xuống.
- Lặp lại động tác 10-15 lần.
Điều trị đau lưng hiệu quả
Sử dụng thuốc
Tùy theo từng trường hợp cụ thể và tính chất cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)
- Thuốc giảm đau tại chỗ
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc có chứa opioid
- Thuốc chống trầm cảm (Một số loại thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh là có khả năng làm giảm đau lưng mạn tính)
Vật lý trị liệu
Bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập nhằm tăng tính linh hoạt của cơ lưng và cơ bụng, đồng thời cải thiện tư thế trong sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Kiên trì thực hiện thường xuyên những bài tập này có thể giúp người bệnh ngăn ngừa cơn đau tái phát. Ngoài ra, chuyên viên vật lý trị liệu cũng sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh chuyển động khi bạn bị đau lưng. Điều này sẽ giúp tránh phát sinh những triệu chứng đau khi người bệnh tiếp tục hoạt động.
Phẫu thuật
Trong nhiều trường hợp chấn thương gãy xẹp đốt sống (L1 đến L5) hay thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng hay khi những phương pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ phải cân nhắc rất kỹ về chỉ định này. Vì phẫu thuật cột sống rất phức tạp, có khả năng xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương thần kinh hay xơ hóa, yếu cơ, xuất huyết, bại liệt, thậm chí là tử vong.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.