Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng là tình trạng nhiễm trùng có dịch mủ ở vùng hậu môn trực tràng. Tùy vào vị trí tồn tại của dịch mủ, áp-xe hậu môn trực tràng được phân thành nhiều loại khác nhau. Xử trí áp xe hậu môn trực tràng thường kết hợp điều trị nội ngoại khoa. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Áp-xe vùng hậu môn trực tràng là một bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Nhiễm trùng thường bắt nguồn từ sự tắc nghẽn khe tuyến ống hậu môn, làm tích tụ mủ quanh vùng hậu môn trực tràng dẫn đến áp-xe vùng hậu môn trực tràng.
Nếu không được điều trị kịp thời, áp-xe sẽ lan rộng quanh vùng hậu môn trực tràng, nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, tử vong.
Áp-xe cạnh hậu môn là áp xe đơn giản, áp-xe quanh vùng trực tràng phức tạp hơn, dễ gây nhiều biến chứng và khó điều trị hơn.
Triệu chứng bệnh áp-xe vùng hậu môn – trực tràng
Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng gây ra các triệu chứng sau:
- Sưng tấy đỏ gây đau vùng da xung quanh hậu môn trực tràng.
- Mệt mỏi, sốt, kèm theo cảm giác ớn lạnh.
- Đau nhức kéo dài khu vực hậu môn, đặc biệt là khi vận động hoặc ngồi.
- Táo bón, khối áp xe gây đau khi đại tiện.
- Nặng có thể chảy dịch mủ màu vàng đặc.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân, nhưng các nguyên nhân chính gây ra áp-xe vùng hậu môn – trực tràng là:
- Nguyên nhân nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn như lao, lỵ, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, vi khuẩn đường ruột… phát triển và gây viêm vùng hậu môn trực tràng. Một số yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển có thể kể đến như vệ sinh hậu môn kém, viêm hậu môn, viêm nang lông vùng hậu môn, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn…
- Sau phẫu thuật hoặc thủ thuật vùng hậu môn trực tràng: Người từng phải thực hiện tiểu phẫu hay phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn như nội soi đại tràng, đặt sonde tiểu… có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm và dẫn đến áp-xe hậu môn trực tràng.
- Dùng thuốc điều trị tại chỗ: Một số thuốc điều trị tại chỗ bệnh lý hậu môn trực tràng được dùng trong thời gian dài hoặc không đúng cách có thể gây kích thích, viêm nhiễm các tổ chức ở vùng hậu môn trực tràng.
- Quan hệ tình dục đường hậu môn: Quan hệ tình dục đường hậu môn trực tràng làm tổn thương và xâm hại các mô xung quanh hậu môn, trực tràng, gây nhiễm trùng.
Đối tượng nguy cơ
Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng thường dễ xảy ra ở các đối tượng nằm trong các nhóm nguy cơ sau:
- Nam giới (nam giới có nguy cơ mắc bệnh áp-xe hậu môn cao gấp 2 lần nữ giới).
- Người mắc các bệnh lý sau: bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm ruột, tiểu đường, táo bón, tiêu chảy.
- Hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng do nhiễm HIV/AIDS.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Sử dụng thuốc Prednisone hoặc các Steroid khác.
- Người đã từng hoặc đang trong quá trình hóa trị.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Thói quen hút thuốc.
- Đái tháo đường.
Chẩn đoán
Chẩn đoán áp xe vùng hậu môn – trực tràng trước tiên cần khai thác triệu chứng lâm sàng và thăm khám kỹ vùng hậu môn trực tràng. Các triệu chứng hướng đến chẩn đoán bao gồm:
- Đau vùng hậu môn trực tràng nhất là đau khi ngồi xuống
- Chảy mủ, rò dịch mủ từ ổ viêm hoặc đi ngoài ra nhiều mủ
- Thăm khám tại chỗ phát hiện khối viêm, sưng to, nóng đỏ, ấn vào đau nhiều
- Thăm trực tràng thấy đau và có mủ theo găng
- Triệu chứng toàn thân có sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
Ngoài ra, cần chỉ định một số xét nghiệm để phát hiện các bệnh lý kèm theo hoặc phân biệt với một số bệnh lý khác như:
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch niệu đạo, dịch âm đạo (ở nữ) để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Soi đại tràng, trực tràng giúp chẩn đoán các bệnh viêm đại tràng, hay ung thư đại, trực tràng
- Ngoài ra có thể chỉ định người bệnh siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung giúp chẩn đoán chính xác nhất
Phòng ngừa bệnh
Áp xe vùng hậu môn – trực tràng gây đau đớn, khó chịu và thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết, bao gồm:
- Chủ động kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sử dụng bao cao su khi quan hệ, hạn chế tối đa việc quan hệ qua đường hậu môn…)
- Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ.
- Điều trị các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến áp xe vùng hậu môn như: bệnh Crohn, táo bón, viêm loét đại tràng…
- Thay tã thường xuyên để phòng ngừa bệnh áp xe hậu môn ở trẻ sơ sinh.
Điều trị áp xe vùng hậu môn – trực tràng như thế nào?
Phương pháp điều trị đơn giản và phổ biến nhất đối với áp xe hậu môn là hút mủ ra khỏi vùng bị nhiễm trùng. Cụ thể, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê, sau đó tiến hành hút để làm giảm đau nhức, khó chịu và làm lành các mô.
Nếu áp xe có kích thước lớn, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật gây mê. Sau dẫn lưu, vết thương sẽ để hở và không cần khâu. Trong trường hợp người bệnh đang bị tiểu đường hoặc suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ có thể yêu cầu ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi nhiễm trùng (nếu có). Ngoài ra, một số điều trị sau dẫn lưu bao gồm:
- Dùng thuốc kháng sinh đối với trường hợp người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc nhiễm trùng lan rộng.
- Dùng thuốc nhuận tràng hoặc bổ sung chất xơ để tránh táo bón.
- Tắm nước ấm để giảm sưng.
- Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng tái phát.
- Tình trạng áp xe hậu môn hình móng ngựa, trên cơ nâng, lan qua lỗ bịt, hoại tử Fournier cần bệnh viện và phẫu thuật viên có kinh nghiệm điều trị.
- Thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục và giảm căng thẳng có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị.
Trên đây là một số chia sẻ về Áp-xe vùng hậu môn – trực tràng. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn và gia đình
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.