Bạo lực gia đình đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Trẻ em sống trong các gia đình cha mẹ thường xuyên dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần. Cùng tìm hiểu ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với trẻ em ở bài viết dưới đây.
Dấu hiệu tâm lý ở trẻ em khi bị bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là gì?
Bạo lực gia đình là những hành vi mang tính bạo lực xảy ra giữa những người thân trong gia đình, gây ra sự tổn thương về thể chất, tinh thần và nhân phẩm cho nạn nhân và những thành viên khác.
Bạo lực gia đình có thể được thực hiện bởi bất kỳ thành viên nào trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng…
Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của sự lạm dụng, bạo lực, bất kể tuổi tác, chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, giai cấp hay tín ngưỡng.
Bạo lực với phụ nữ và bạo lực với trẻ em trong gia đình là hai trường hợp phổ biến và thường xuyên xảy ra. Trong đó, bạo lực với trẻ em được coi như một hình thức ngược đãi trẻ em, bởi trẻ tiếp xúc và chứng kiến cảnh bạo lực giữa cha mẹ, chịu sự trừng phạt của người lớn, đồng thời còn có những nguy cơ như bỏ giam, tra tấn, xâm hại tình dục, tâm lý.
Những dấu hiệu tổn thương tâm lý ở trẻ em khi bị bạo lực gia đình:
- Trẻ em thường xuyên gặp phải những cơn ác mộng
- Chậm phát triển thể chất.
- Tỏ ra nhút nhát hoặc hung hăng quá mức ,tự ti, mặc cảm và có lòng tự trọng thấp.
- Có những hành vi như: đái dầm, mút tay
- Mất đi sự hồn nhiên, vô tư, không thể vui chơi và học tập một cách lành mạnh.
- Thường có xu hướng sống khép kín và ít giao tiếp.
- Có xu hướng bắt chước các hành vi bạo lực của người lớn
- Học tập: giảm sút, thiếu động lực học tập
- Có những hành vi lệch chuẩn, gây hấn, tâm lý chán nản, phá phách và chống đối xã hội .
- Trẻ khi lớn lên sẽ không có niềm tin vào tình yêu, hôn nhân và có thể lặp lại cách giáo dục sai lệch đối với con cái của mình.
- Dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm
Lâu dần, trẻ bị bạo hành nhưng không được giải thoát và điều trị tâm lý kịp thời có thể bỏ học, phát sinh nhiều bệnh tâm thần nguy hiểm như: trầm cảm, rối loạn lo âu… Nguy hiểm hơn còn là bệnh chống đối xã hội, tâm lý biến thái, ưa bạo lực, tự sát…
Các vấn đề tâm lý mà trẻ em bị bạo lực gia đình có thể gặp phải
Bất cứ những hành vi bạo hành gia đình nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi bạo hành trong cách cư xử của bố mẹ cũng gây tác hại to lớn, làm tổn thương tâm thần ở trẻ em, đôi khi kéo dài suốt cả cuộc đời. Các vấn đề tâm lý mà trẻ em bị bạo lực gia đình có thể gặp phải như sau :
Lo lắng
Bạo lực gia đình khiến trẻ cảm thấy cực kỳ không an toàn. Những đứa trẻ này phải sống trong cảnh “nín thở” khi hành vi bạo hành tương tự được lặp đi lặp lại trong tương lai.
Đối với trẻ mẫu giáo thì chứng kiến mẹ bị bố bạo hành, chúng có thể hình thành một số thói quen trong vô thức như mút ngón tay cái, đái dầm, khóc nhiều và thường xuyên rên rỉ.
Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể phát triển các đặc điểm chống đối xã hội và có thể đấu tranh với cảm giác tội lỗi khi chứng kiến hành vi bạo hành. Bộ óc còn quá non nớt của đứa trẻ sẽ không thể phân định được đâu là đúng, đâu là sai. Chúng có thể tự đổ lỗi cho mình vì đã không làm được gì để ngăn chặn hành động bạo lực gia đình đó. Niềm tin sai lầm này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tự trọng của trẻ.
Dẫn tới chấn thương tâm lý
Bạo lực gia đình là một trong những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu nghiêm trọng nhất đối với trẻ.
Mặc dù có thể không trực tiếp bị bạo hành về thể xác, song những tổn thương mà bạo lực gia đình gây ra cũng đủ để tác động nặng nề đến bộ não đang phát triển của trẻ. Những thay đổi này có thể gây ra những cơn ác mộng, thay đổi thói quen giấc ngủ, khiến trẻ thường xuyên cáu kính, tức giận, khó tập trung và có thể dẫn tới các hành vi tự hủy hoại bản thân.
Sức khỏe thể chất
Căng thẳng về tinh thần là kết quả phổ biến của việc chứng kiến bạo lực gia đình. Tuy nhiên những hậu quả đôi khi còn thể hiện rõ ràng đối với sức khỏe thể chất của trẻ.
Trẻ em ở tuổi đi học có thể bị đau đầu và đau bụng khi phải liên tục đối phó với tình trạng căng thẳng khi ở nhà. Mặt khác, các hành vi bạo hành trong gia đình cũng phần nào ảnh hưởng đến mức độ quan tâm, chăm sóc của ba mẹ đến đứa trẻ. Do đó mà sức khỏe thể chất của chúng cũng bị ảnh hưởng.
Đối với trẻ sơ sinh, các hành vi quát nạt, bạo lực bằng lời nói có thể khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi và khóc quấy. Việc khóc trong nhiều giờ liên tục khiến trẻ kiệt sức và đôi khi có triệu chứng buồn nôn, nôn mửa,…
Hành vi bạo lực
Khi thanh thiếu niên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, họ có xu hướng hành động để phản ứng lại tình huống đó. Họ có thể trực tiếp tấn công ngược lại người cha của mình khi thấy mẹ bị bạo hành. Không dừng lại ở đó, họ có thể phát triển các hành vi sai trái như đánh nhau, trốn học, tham gia vào các hoạt động tình dục mạo hiểm hoặc lao vào con đường ma túy, thuốc lá và bia rượu.
Lạm dụng thể chất
Trong rất nhiều trường hợp, trẻ em sống trong cảnh có mẹ bị bố bạo hành cũng có khả năng trở thành nạn nhân cũng chính đối xử này. Chính họ cũng sẽ bị bạo hành bằng vũ lực, lời nói và điều này sẽ để lại những hệ lụy lâu dài.
Rối loạn lo âu
Căng thẳng và lo lắng là hệ lụy ngắn hạn phổ biến ở trẻ phải thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu các hành vi đó cứ lặp đi lặp lại liên tục? Đó chính là tình trạng căng thẳng mãn tính và nó có thể phát triển thành một bệnh lý rối loạn tâm thần phổ biến là rối loạn lo âu.
Khi lớn lên, họ thường xuyên phải đối mặt với cảm giác thiếu an toàn, lo lắng quá mức về một vấn đề nào đó. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe thể chất như tim đập nhanh, rối loạn giấc ngủ cũng sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu cho họ.
Trầm cảm
Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm phổ biến nhất. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng để trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần. Chúng được học cách đối phó với những tình huống căng thẳng từ chính những người gần nhất xung quanh mình.
Nhưng khi đứa trẻ đó phải lớn lên trong một môi trường độc hại, có lòng tự trọng thấp thì sẽ dần hình thành nên những suy nghĩ và cách đối phó sai lệch với căng thẳng. Chính những yếu tố này đã góp phần lớn vào sự hình thành một bệnh lý nghiêm trọng là trầm cảm.
Lặp lại các hành vi bạo lực tương tự
Cảm giác đau đớn và thống khổ khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình không phải lúc nào cũng đảm bảo rằng trẻ em sẽ chọn một con đường khác cho mình sau này. Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc sớm với bạo lực, lạm dụng lại tạo tiền đề cho trẻ em đi theo chính con đường đó khi trưởng thành.
Trong những trường hợp này, trẻ em nam có thể bạo hành bạn gái sau khi chứng kiến cha chúng làm điều tương tự. Trẻ em gái lớn lên trong bạo lực gia đình cũng có nhiều khả năng cũng trở thành nạn nhân của bạo hành khi trưởng thành.
Phương pháp hỗ trợ và điều trị cho trẻ em bị bạo lực gia đình
Phương pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình
- Nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình.
- Đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
- Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
- Tổ chức truyền thông tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em. Phải khẳng định mạnh mẽ bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em, không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.
- Phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em.
Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ vượt qua những khó khăn?
- Tránh cho trẻ chứng kiến những trận “đấu khẩu”. Nhiều cặp vợ chồng không hài lòng về người bạn đời của mình cũng không nên chỉ trích nhau trước mặt con. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, cần biết chọn không gian và thời gian thích hợp để cả hai cùng tranh luận, có thể chọn phương pháp “đóng cửa bảo nhau” hoặc lựa lúc con vắng mặt để nói.
- Cha mẹ cũng cần biết kiềm chế bản thân để tránh gây tổn thương cho con từ những lời nói, hành vi nóng nảy của mình.
- Việc xây dựng cho con những suy nghĩ tốt đẹp về hình ảnh người cha, người mẹ là điều rất cần thiết. Đứa trẻ nào cũng muốn xem bố mẹ là hình mẫu lý tưởng của mình, người mình có thể tự hào và tôn trọng, yêu thương, đừng vì những phút nóng giận của người lớn mà vô tình cướp đi quyền ấy của trẻ. Tuyệt đối không nói xấu người vợ hoặc chồng của mình với con cái.
- Nếu trẻ đã phải chứng kiến hành vi bạo lực của cha mẹ thì cha mẹ nên cố gắng hàn gắn lại và giúp con xóa bỏ nỗi sợ hãi ám ảnh này. Tuyệt đối là không để hành vi này tái diễn.
- Khi cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện bạo lực thì tuyệt đối không đánh mắng trẻ mà cần xem xét lại xem có phải hành vi đó là xuất phát từ việc trẻ chứng kiến hành vi bạo hành từ cha mẹ không hay là trẻ học tập ở đâu? Nếu thấy hành vi đó là do cha mẹ thì cha mẹ nên thẳng thắn nhận lỗi với trẻ là hành vi bạo hành của cha mẹ là sai và nhắc nhở trẻ không nên làm theo những cái sai đó, nếu do trẻ bắt chước người khác hoặc phim ảnh thì cha mẹ nên phân tích cho trẻ thấy đó là hành vi sai và cần phải thay đổi.
Điều trị cho trẻ em bị bạo lực gia đình
- “Cách ly” trẻ khỏi những tác nhân, hoàn cảnh nguy hiểm
Với trường hợp cha mẹ “vô tình” bạo hành tinh thần hay thể xác trẻ, ví dụ như chửi mắng, đòn roi, gây áp lực thái quá, bác sĩ tâm lý mong muốn trò chuyện với chính cha mẹ. Trên tinh thần tin tưởng cha mẹ vẫn yêu con nhưng giáo dục, kỳ vọng sai cách, chuyên gia tâm lý sẽ cảnh báo cho cha mẹ những hệ lụy nguy hiểm và hướng chăm sóc trẻ đúng cách.
Với trường hợp trẻ bị bạo hành nghiêm trọng hoặc xâm hại tình dục, quan trọng nhất chính đổi môi trường và cách ly trẻ với những đối tượng trên.
- Có người bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần
Trẻ bị tâm lý cần một chỗ dựa tinh thần mới để hướng dẫn và vượt qua. Bên cạnh chăm sóc, người đó cần thấu hiểu vết thương của trẻ, trò chuyện thường xuyên và hướng dẫn trẻ cách cư xử đúng mực, tạo dựng lòng tin cho trẻ để trẻ hiểu rằng còn rất nhiều người tốt đáng tin trên đời.
- Tạo hoạt động xã hội và môi trường phù hợp cho trẻ tái hòa nhập
Những em bé bị bạo hành sẽ có tâm lý hướng nội, thu mình, sợ hãi xã hội. Không nên ép và vứt trẻ ra một môi trường lạ lẫm để tự xử lý. Thay vào đó hãy lắng nghe mong muốn và cho trẻ thích ứng dần dần với một nhóm người đáng tin ví dụ như cho trẻ theo một nhóm học đàn, học vẽ… theo sở thích của con.
- Khám tâm lý và điều trị
Những trường hợp bé bị trầm cảm nặng, rối loạn âu lo, mất ngủ, stress thì bắt buộc đưa trẻ đi khám. Bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bằng thuốc cho trẻ, kết hợp tư vấn tâm lý và tập luyện phục hồi tinh thần.