Bạo lực ngôn từ là hành vi sử dụng ngôn từ hoặc lời nói quá giới hạn để đe dọa, xúc phạm người khác. Bạo lực ngôn từ không để lại hậu quả về mặt thể xác. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của hình thức bạo hành này lại vô cùng nghiêm trọng đối với tâm lý. Cùng tìm hiểu hậu quả của bạo lực ngôn từ ở trường học qua bài viết dưới đây.
Bạo lực ngôn từ là gì?
Bạo lực ngôn từ (verbal abuse) là hành vi sử dụng ngôn từ hoặc lời nói quá giới hạn, thể hiện khi nói hoặc viết nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị của người khác. Hành động này vô tình gây tổn hại sâu sắc về mặt tâm lý của người tiếp nhận. Không chỉ vậy, bạo lực ngôn từ còn gây ra cảm giác thiếu an toàn, mất lòng tin, vùi dập quan điểm và lòng tự trọng của người khác.
- Phạm vi: Nhà trường, ngoài xã hội, diễn đàn, internet…
- Đối tượng: giữa học sinh- học sinh, giáo viên – học sinh, đồng nghiệp – đồng nghiệp,…
- Hình thức: Ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết.
- Phân loại: hành vi có chủ định và hành vi không chủ định.
- Hành vi có chủ định: là hành vi của người cố tình dùng ngôn ngữ để tấn công, công kích cá nhân, tổ chức khác.
- Hành vi không chủ định: là hành vi của những người do kém hiểu biết hoặc vô tình, cẩu thả mà sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn vô tình làm tổn thương người khác, gây ảnh hưởng thanh danh, uy tín của cá nhân, tập thể.
Hiện tượng bạo lực ngôn từ không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn trong các trường đại học,THPT, THCS, kể cả học sinh tiểu học. Những học sinh tẩy chay, xúc phạm, chửi bới bạn học của mình. Giáo viên chỉ trích học sinh một cách tiêu cực. Cứ ngỡ môi trường giáo dục là nơi rèn giũa tâm tính của con trẻ, chẳng thể ngờ đó cũng là nơi làm tổn thương chúng. Bạo lực ngôn từ tường học cũng là một trong các hình thức bạo lực học đường.
Các hình thức của bạo lực ngôn từ trường học:
- Đặt biệt danh xấu cho người khác: Đối tượng bạo hành sẽ chú ý đến những đặc điểm xấu của người khác để cố tình đặt một biệt danh nào đó cho họ. Nếu biệt danh này khiến cho bạn cảm thấy tự ti với chính mình và mọi người xung quanh thì có thể bạn đang bị bạo hành lời nói.
- Luôn tìm mọi cách để khiến người khác cảm thấy ngượng ngùng: Những người bạo hành lời nói thường có xu hướng sử dụng những ngôn ngữ mỉa mai, châm biếm, chế nhạo về cách ăn mặc, vóc dáng, ngoại hình, sở thích của người khác nhằm mục đích hạ thấp và làm cho người đó cảm thấy xấu hổ. Hành động này có thể xảy ra ở những nơi riêng tư hoặc kể cả những chỗ đông người.
- Trêu ghẹo: Thông thường những đối tượng này sẽ có sở thích trêu đùa, chọc phá người khác bằng những câu nói mà họ cho rằng vui nhộn, hài hước. Tuy nhiên, nếu những từ ngữ mà họ sử dụng không thể khiến cho đối phương cảm thấy vui vẻ, thoải mái thì đó có thể gọi là bạo lực lời nói.
- Luôn chỉ trích: Cho dù là ở chỗ riêng tư hay là nơi công sở, đông người thì những lời nói chỉ trích không mang tính xây dựng cũng có thể khiến cho người khác cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành lời nói mà nhiều người hay gặp phải.
- Thường xuyên lớn tiếng: La hét, nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng những từ ngữ, lời nói không lịch sự, thô lỗ để trò chuyện cùng người khác cũng là một hành vi bạo lực bằng lời nói.
- Đe dọa: Hình thức đe dọa dù chỉ bằng lời nói, ngôn ngữ cũng có thể được xem là hành vi bạo hành nghiêm trọng. Những lời nói mang tính chất đe dọa, khủng bố, tra tấn sẽ làm người khác cảm thấy lo lắng, sợ hãi, dễ dàng bị kiểm soát.
Nguyên nhân bạo lực ngôn từ ở trường học
- Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý: Trong độ tuổi nhạy cảm này trẻ dễ bị kích động, trầm cảm, luôn muốn chứng tỏ bản thân mình.Chỉ cần sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo, do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử, sự non nớt trong kỹ năng sống, sự sai lệch trong quan điểm, chuẩn mực sống… sẽ dẫn đến nhận thức sai trong ngôn ngữ nói và viết, cách ứng xử, giao tiếp với mọi người.
- Môi trường gia đình: nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự lắng nghe, tôn trọng con cái. Họ thường xuyên bận rộn, thời gian gần gũi con cái không nhiều. Khi con mình gặp uất ức ở bên ngoài, một số người còn “đổ dầu vào lửa”, trách mắng ngược lại chúng. Phải hứng chịu sự đối xử thiếu công bằng như vậy, những đứa trẻ non nớt vốn đã có tâm trạng hỗn loạn lại thêm một lần nữa bị đả kích và trở nên mất niềm tin vào cuộc sống.
- Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng chống bạo lực ngôn ngữ và giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong trường học chưa được tổ chức một cách đồng bộ, chưa đưa vào các chuyên đề giáo dục riêng.
- Học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng liên quan đến bạo lực ngôn ngữ nên học sinh chưa ý thức được rằng mình cần phải làm gì khi rơi vào hoàn cảnh đó hoặc khi chứng kiến bạn bè bị bạo lực ngôn từ. Chính những học sinh “không biết nên phản ứng thế nào” đã vô tình dung túng cho hành vi bắt nạt, gián tiếp đẩy bạn mình vào bước đường cùng.
Hậu quả bạo lực ngôn từ ở trường học
- Nạn nhân thường xuyên bị tổn thương tinh thần.
- Có những suy nghĩ tiêu cực và thậm chí sẽ hành hạ bản thân của mình.
- Cảm thấy bất an, nhạy cảm, sợ hãi để ý quá mức đến những điều xung quanh (dù chúng không làm hại đến bản thân).
- Càng hạn chế hơn việc giao tiếp với mọi người.
- Luôn cho rằng bản thân yếu kém, tự ti và không có mục tiêu nỗ lực trong cuộc sống.
- Tự chê bai bản thân bằng những câu nói rất tiêu cực.
- Có thể tự đánh mất cảm xúc của bản thân, vui buồn lẫn lộn.
- Thường sẽ không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của bản thân.
- Tinh thần sa sút, trầm cảm hoặc trầm trọng hơn là tự sát.