Nếu như trước đây, cụm từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường,… đã quá quen thuộc thì bây giờ, vấn đề “bạo lực ngôn từ” cũng gây sát thương không kém. Hiện tượng bạo lực ngôn từ không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn trong các trường đại học, THPT, THCS, kể cả học sinh tiểu học. Bạo lực ngôn từ không để lại hậu quả về mặt thể xác. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của hình thức bạo hành này lại vô cùng nghiêm trọng đối với tâm lý. Vậy con bị bạo lực ngôn từ trường học, bố mẹ nên làm gì? Cùng Pharmacity tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân bạo lực ngôn từ ở trường học
Bạo lực ngôn từ (verbal abuse) là hành vi sử dụng ngôn từ hoặc lời nói quá giới hạn, thể hiện khi nói hoặc viết nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị của người khác. Hành động này vô tình gây tổn hại sâu sắc về mặt tâm lý của người tiếp nhận. Không chỉ vậy, bạo lực ngôn từ còn gây ra cảm giác thiếu an toàn, mất lòng tin, vùi dập quan điểm và lòng tự trọng của người khác.
Nguyên nhân bạo lực ngôn từ ở trường học
- Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý: Trong độ tuổi nhạy cảm này trẻ dễ bị kích động, trầm cảm, luôn muốn chứng tỏ bản thân mình. Chỉ cần sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo, do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử, sự non nớt trong kỹ năng sống, sự sai lệch trong quan điểm, chuẩn mực sống… sẽ dẫn đến nhận thức sai trong ngôn ngữ nói và viết, cách ứng xử, giao tiếp với mọi người.
- Môi trường gia đình: nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự lắng nghe, tôn trọng con cái. Họ thường xuyên bận rộn, thời gian gần gũi con cái không nhiều. Khi con mình gặp uất ức ở bên ngoài, một số người còn “đổ dầu vào lửa”, trách mắng ngược lại chúng. Phải hứng chịu sự đối xử thiếu công bằng như vậy, những đứa trẻ non nớt vốn đã có tâm trạng hỗn loạn lại thêm một lần nữa bị đả kích và trở nên mất niềm tin vào cuộc sống
- Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng chống bạo lực ngôn ngữ và giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong trường học chưa được tổ chức một cách đồng bộ, chưa đưa vào các chuyên đề giáo dục riêng.
- Học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng liên quan đến bạo lực ngôn ngữ nên học sinh chưa ý thức được rằng mình cần phải làm gì khi rơi vào hoàn cảnh đó hoặc khi chứng kiến bạn bè bị bạo lực ngôn từ. Chính những học sinh “không biết nên phản ứng thế nào” đã vô tình dung túng cho hành vi bắt nạt, gián tiếp đẩy bạn mình vào bước đường cùng.
Con bị bạo lực ngôn từ trường học, bố mẹ nên làm gì?
- Kiểm soát cảm xúc của bạn
Khi biết con mình bị bắt nạt ở trường, cha mẹ nào cũng sẽ rất bức xúc và mất bình tĩnh. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên thuận với bản năng của người làm cha mẹ là thương con, lo lắng cho con và sốt sắng muốn bảo vệ con.
Tuy nhiên, hãy tỉnh táo, cố gắng kiềm chế cảm xúc của bạn lại và suy xét cẩn thận để đưa ra những biện pháp thích hợp giúp đỡ con.
- Cố gắng và kiên nhẫn nói chuyện với con
Hãy nói chuyện với con trên tinh thần là bạn, tâm sự một cách nhẹ nhàng. Lúc này, con có thể đang trong trạng thái hoảng loạn, vì vậy bạn cần tỏ ra mình là một người bạn đáng tin cậy của con, sẵn sàng bảo vệ và ở bên cạnh con. Đồng thời động viên và khích lệ con.
Tránh la mắng, tỏ cảm xúc tức giận làm trẻ càng sợ hãi và thu mình lại hơn. Từ từ gợi mở, chờ đợi… kiên nhẫn để con kể câu chuyện một cách cụ thể. Sự lắng nghe của bạn cũng là cách bạn đang đang tôn trọng trẻ và lắng nghe được cảm nhận của trẻ với vấn đề này như thế nào.
-
Tìm hiểu cụ thể các hành vi bắt nạt, trêu chọc
Sau khi tinh thần của con đã ổn định, bố mẹ nên trò chuyện một cách bình tĩnh để nắm bắt được các hành vi bắt nạt, trêu chọc mà con phải trải qua. Tuy nhiên, cần để trẻ thoải mái, tránh hỏi dồn dập khiến trẻ hoảng loạn và không kiểm soát được cảm xúc. Khi hỏi về vấn đề này, phụ huynh nên nhấn mạnh về việc tin tưởng con cái và sẽ luôn ở bên cạnh để bảo vệ con. Có như vậy, trẻ mới thoải mái giãi bày những suy nghĩ và kể lại những sự việc đã phải đối mặt.
-
Khuyến khích con nói ra sự thật
Thực tế cho thấy nhiều trẻ không dám tố cáo kẻ bắt nạt vì sợ trả thù, thậm chí không dám nói lại với cha mẹ. Để chấm dứt tình trạng này, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cởi mở với con, quan tâm đến những bất thường về tâm lý con, từ đó giúp trẻ dễ dàng giãi bày mọi lo lắng của mình với cha mẹ.
Cho trẻ nhiều cơ hội để nói lên những suy nghĩ của mình, đặc biệt khi bạn cảm nhận con luôn lo lắng, sợ hãi mỗi khi đến trường. Sau đó, bạn hãy đến gặp giám thị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để cảnh báo các khó khăn của trẻ và đề nghị họ giúp đỡ.
-
Trao đổi với giáo viên
Tùy vào từng hoàn cảnh mà bạn cũng có thể trao đổi vấn đề này với nhà trường, thầy cô chủ nhiệm để họ lưu ý tới tình trạng con mình. Nếu trẻ bị bạn xấu bắt nạt ở trường, các giáo viên có thể can thiệp và giúp đỡ trẻ kịp thời.
Hoặc bạn cũng có thể gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ bắt nạt con mình để tìm hiểu, nói chuyện nhằm giúp hai gia đình cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp. Tránh vội vàng, suy nghĩ đến việc chuyển lớp, chuyển trường… cho con vì như vậy cũng không phải là cách giải quyết cái gốc của vấn đề.
-
Khuyến khích con tự tin, đối diện với thực tế
Để tránh con bạn bị bắt nạt, cha mẹ hãy giúp con mình tự tin hơn trong môi trường học tập tại trường lớp. Khuyến khích con kết bạn, hòa đồng với các bạn trong lớp, trong trường để trẻ không cảm thấy bị cô độc.
Hơn nữa, giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc luôn đi cùng bạn bè tăng khả năng an toàn, giảm bớt cơ hội bị bạo lực hay trêu chọc… Khuyến khích con chia sẻ tâm sự thông qua công việc giúp đỡ người thân, bạn bè. Đồng thời cổ vũ con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, bổ ích giúp trẻ nhận thức và ứng biến tốt với nhiều tình huống.
-
Luôn giám sát con
Để con khôn lớn trưởng thành cần sự chăm sóc, bảo bọc cũng như sự giám sát thường xuyên của cha mẹ. Nếu cha mẹ buông lỏng con cái, trẻ dễ bị cám dỗ vào các thói hư tật xấu, bị bạn bè xấu lôi kéo, không định hướng được tương lai của mình. Đi đôi với đó các bậc phụ huynh cũng nên dạy cho con cách ứng xử phù hợp với các tình huống bạo lực. Giải thích cho con hiểu đó là những việc làm sai trái, thiếu văn hóa con nên tránh tiếp xúc với những bạn có hành vi bạo lực như vậy.
Cách ứng phó với bạo lực ngôn từ ở trường học
Đối với học sinh, sinh viên
- Tích cực rèn luyện kỹ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép, chan hòa, vui vẻ, hoà đồng.
- Chấp hành tốt nội quy trường lớp tránh xa bạo lực nói chung và bạo lực ngôn từ nói riêng.
- Học cách kiềm chế cảm xúc, hạn chế đăng tải những thông tin tiêu cực về bản thân và người khác lên mạng xã hội.
- Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và rèn bản tính hướng thiện trong con người.
Đối với nhà trường
- Tích cực hoàn thiện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên thông qua việc lồng ghép các bài học cuộc sống vào bài giảng.
- Tổ chức các hoạt động sân trường, tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho người học giúp phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.
- Có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc phù hợp với những người gây ra bạo lực ngôn từ và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với các nạn nhân của các vụ bạo lực tránh những hệ lụy đáng tiếc.
- Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực ngôn từ học đương đối với giáo viên, học sinh, sinh viên.
- Xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, đưa các khẩu hiệu “Chăm ngoan, đoàn kết, kính thầy, mến bạn” , “Tiên học lễ hậu học văn” đi vào thực tiễn.
Đối với giáo viên
- Thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình học sinh, sinh viên trong lớp mình chủ nhiệm, phối hợp với gia đình, nhà trường để theo dõi đến tình hình của các em.
- Có biện pháp ngăn cản giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ bạo lực ngôn từ đối với học sinh, sinh viên trong lớp chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy.
- Tích cực tổ chức hoạt động sân trường, hoạt động tập thể nhằm tăng tình cảm gắn bó tập thể trong trường lớp.
- Tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng, lành mạnh.
- Giáo viên cũng nên đối xử công bằng với các em. Khi nhận thấy các em học sinh, sinh viên có dấu hiệu bạo lực ngôn từ thì phải để ý trao đổi với gia đình để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp.
- Trong việc xử lý, giáo viên cần có cách nhìn bao dung, khách quan để có phương án xử lý thích hợp.
Đối với gia đình
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình với nhà trường và xã hội. Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái, luôn nắm bắt tình hình học tập của con.
- Các bậc phụ huynh phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống cho con cái, đồng thời dành nhiều thời gian ở bên con, quan tâm con.
- Khi con có vấn đề xích mích với bạn bè, gia đình cần giữ bình tĩnh, đồng hành cùng con, lắng nghe ý kiến của con trước khi phán xét hay đưa ra lời khuyên nào, phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con.
Từ những vết thương do bạo lực học đường mang lại, cần ý thức được tác hại của vấn nạn này, đồng thời chung tay tuyên truyền, kêu gọi mọi người tẩy chay bạo lực ra khỏi phạm vi học đường. Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Mầm non chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường lành mạnh, bình đẳng, đầy tình thương. Và môi trường đó sẽ không có bóng dáng của bạo lực ngôn từ hay bạo lực học đường.