Trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt là hiện tượng sinh lý khá bình thường, tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra kéo dài khiến em bé khó chịu, quấy khóc, đôi khi còn gây ra những biến chứng nguy hiểm cho mắt có thể khiến cho nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy việc đổ ghèn thường xuyên ở trẻ có nguy hiểm không? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục vấn đề này qua bài viết sau nhé.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt
Có rất nhiều lý do khiến trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt, dưới đây là các nguyên nhân phổ biến khiến mắt trẻ bị ghèn.
Trẻ bị tắc tuyến lệ
Tắc tuyến lệ là một tình trạng phổ biến xảy ra ở khoảng 10% trẻ sơ sinh, thường được nhận biết thông qua việc mắt của bé liên tục chảy nước mặc dù bé không quấy khóc.
Đặc biệt, vào mỗi sáng sau khi thức dậy, mắt của bé thường có nhiều dịch vàng dính quanh mí mắt. Tuy nhiên, tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh thường sẽ tự khỏi sau một vài tháng.
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là một tình trạng xảy ra thông thường
Có dị vật bên trong mắt trẻ
Một trong những nguyên nhân đáng lo ngại làm trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt đó chính là do dị vật. Những vật nhỏ như cát, bụi bẩn hoặc thậm chí là những sợi lông từ thú cưng hay lông mi có thể dễ dàng bám vào mi mắt của bé.
Nếu những dị vật này không được loại bỏ kịp thời, cơ thể sẽ tự động phản ứng bằng cách tiết ra ghèn và mủ, gây ra nguy cơ nhiễm trùng mắt ở trẻ sơ sinh.
Viêm kết mạc do virus
Mắt trẻ thường xuyên đổ ghèn cũng có thể là dấu hiệu của trường hợp nhiễm trùng mắt do virus. Triệu chứng của bệnh này thường bao gồm phần lòng trắng của mắt bị đỏ, mắt trẻ chảy nước nhiều và có ghèn nhầy lỏng.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể cảm thấy ngứa hoặc đau mắt và đôi khi có thể phát sốt. Nếu bé có các triệu chứng trên, bạn nên đưa bé đến thăm bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được kiểm tra và điều trị đúng cách.
Viêm kết mạc do vi khuẩn
Ngoài ra, đây cũng có thể là một trường hợp của viêm kết mạc do vi khuẩn, một bệnh nhiễm trùng mắt khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Triệu chứng thường gặp là mắt trẻ sơ sinh đổ ghèn và có mủ và sau khi bé ngủ dậy, hai mí mắt dính vào nhau.
Hiện tượng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Một số loại viêm kết mạc do vi khuẩn bao gồm viêm kết mạc do vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae) và viêm kết mạc thể vùi (do vi khuẩn Chlamydia).
Tình trạng viêm kết mạc mắt có thể gây nhiễm trùng và đau sưng ở mắt trẻ
Dịch nước ối và máu chảy vào mắt bé lúc sinh
Nếu trẻ vừa mới sinh ra đã gặp phải tình trạng mắt đổ ghèn, có thể là do trong quá trình sinh, mắt của bé bị dính dịch nước ối và máu của mẹ. Đây là một hiện tượng nhiễm trùng mắt thông thường tuy nhiên cũng cần vệ sinh đúng cách.
Mắt bé bị bẩn do vệ sinh mắt sai cách
Trẻ sơ sinh thường có thói quen đưa tay lên mắt hoặc tay của người chăm sóc trẻ không đảm bảo vệ sinh trước khi chạm vào mắt của bé, dẫn đến nguy cơ mắt đổ ghèn.
Nếu việc vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh không được thực hiện đúng cách, đặc biệt là khi không làm sạch tay hoặc các dụng cụ vệ sinh kỹ càng, tình trạng mắt đổ ghèn có thể xuất hiện.
Cách vệ sinh mắt đúng cách khi trẻ sơ sinh đổ ghèn
Khi phát hiện trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt, việc vệ sinh cho mắt bé thật sạch là rất quan trọng để tránh tình trạng ghèn khô lại làm bé khó chịu thậm chí có thể gây nhiễm trùng mắt bé.
Dưới đây là các bước vệ sinh đúng cách cho mắt trẻ sơ sinh bị tình trạng ghèn:
- Rửa tay thật sạch bằng nước và xà phòng.
- Lau khô mắt của bé bằng khăn sạch hoặc băng gạc, mỗi bên mắt dùng 1 khăn riêng.
- Làm ướt khăn bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Không nên dùng bông gòn vì có thể làm vương các sợi bông vào mắt bé.
- Nhẹ nhàng lau một mắt cho bé từ khóe mắt ra đuôi mắt (từ trong ra ngoài). Sử dụng khăn mới để lau mắt còn lại.
- Không chạm vào mắt hoặc lau bên trong mí mắt vì bạn có thể làm tổn thương mắt của bé.
- Bỏ khăn vào thùng rác và rửa tay lại sạch sẽ.
Đây chỉ là cách vệ sinh thông thường trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đổ ghèn mắt mức độ nhẹ và có thể tự theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng trở nên nặng hơn, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
Hướng dẫn các bước vệ sinh mắt đúng cách cho trẻ sơ sinh
Biện pháp phòng tránh tình trạng trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt
Để ngăn chặn nguy cơ mắt trẻ sơ sinh bị ghèn, ba mẹ có thể thực hiện theo các biện pháp đơn giản sau:
- Vệ sinh mắt sạch sẽ cho bé mỗi ngày 2 đến 3 lần bằng nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn, giữ cho mắt bé luôn sạch và khỏe mạnh.
- Trước khi rửa mặt và vệ sinh mắt cho bé, các bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ.
- Rửa mặt cho trẻ sơ sinh bằng nước đun sôi để nguội vào sáng và tối.
- Hạn chế bé sơ sinh ra ngoài nếu không thực sự cần thiết để tránh gió, nắng cùng bụi bẩn.
- Khăn mặt của bé cần giặt sạch sẽ và phơi ngoài nắng, không dùng chung để lau các bộ phận khác.
- Không nên cho bé tiếp xúc với động vật, đặc biệt là chó mèo vì chúng có thể mang theo vi khuẩn và gây kích ứng cho mắt của bé.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn có hại cho bé và cả gia đình.
Qua bài viết này, Pharmacity đã chia sẻ cho bạn những nguyên nhân làm trẻ sơ sinh đổ ghèn 1 bên mắt cũng như biện pháp ngăn chặn và điều trị. Bằng cách thực hiện cách vệ sinh mắt đúng cách và theo dõi sát sao tình trạng mắt của bé, có thể giúp giảm nguy cơ mắt bị nhiễm trùng và các vấn đề khác liên quan đến mắt ở trẻ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.