Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder – ASPD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần gặp khi một người luôn thể hiện sự không quan tâm đến việc đúng hay sai, bỏ qua quyền và cảm xúc của người khác. Những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có xu hướng cố tình làm cho người khác tức giận hoặc buồn bã, thao túng tâm lý, đối xử khắc nghiệt hoặc thờ ơ tàn nhẫn với người khác. Họ hiếm khi hoặc sẽ không cảm thấy hối hận về hành vi của mình.
Những đối tượng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm. Họ có thể nói dối, cư xử bạo lực hoặc bốc đồng, thường có vấn đề với việc sử dụng ma túy và rượu.
Các triệu chứng ASPD khó chẩn đoán được từ thời thơ ấu mà rối loạn nhân cách thường bắt đầu trở nên rõ ràng trong giai đoạn muộn ở độ tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn đầu ở độ tuổi người lớn, và các đặc tính và các triệu chứng của chúng khác nhau đáng kể về mức độ kéo dài của chúng. Nhiều trường hợp cần thời gian để giải quyết.. Rối loạn có xu hướng kéo dài suốt đời và phá vỡ các khía cạnh quan hệ gia đình, trường học và công việc.
Tỷ lệ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội hiện nay
Dựa trên các tiêu chí DSM-IV đối với chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội – ASPD, các nghiên cứu dịch tễ học gần đây báo cáo tỷ lệ mắc bệnh là 2-3% trong dân số nói chung với ước tính khoảng 3% ở nam giới và 1% ở nữ giới. Đặc biệt, ở đối tượng là các tù nhân, nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ mắc ASPD là 47% ở nam giới và 21% ở nữ giới.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Nam giới: Nghiên cứu cho thấy nam giới có nguy cơ mắc ASPD cao hơn nữ giới. Các yếu tố như hormone, văn hóa xã hội và mô hình hành vi có thể góp phần vào sự khác biệt này.
- Tiền sử gia đình: Người có cha mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn nhân cách, có nguy cơ cao hơn mắc ASPD. Điều này cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng.
- Đối tượng bị rối loạn hành vi: đây là một tình trạng hay gặp ở trẻ em, hầu hết trẻ em bị rối loạn hành vi sẽ không phát triển thành ASPD, nhưng rối loạn hành vi là một yếu tố nguy cơ phát triển ASPD. Các triệu chứng chung của rối loạn hành vi bao gồm: gây hấn đối với người hoặc động vật, xu hướng bạo lực, đánh nhau, phá hủy tài sản, lừa dối, trộm cắp hoặc vi phạm quy tắc nghiêm trọng khác…
- Đối tượng nghiện rượu, ma túy: Tỷ lệ hiện mắc ASPD ở bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu dao động từ 16% đến 49%
- Đối tượng gặp các vấn đề về tài chính, giáo dục: chẳng hạn như vô gia cư, hậu quả của việc không có khả năng trả tiền thuê nhà, duy trì công việc và rối loạn sử dụng chất kích thích ở nhóm người này cũng liên quan tới sự phát triển ASPD
- Các đối tượng có các tình trạng rối loạn tâm trạng và lo âu, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)…
Nguyên nhân gây bệnh
Sự phát triển của ASPD là đa yếu tố. Nghiên cứu về nguyên nhân của ASPD còn hạn chế và các nghiên cứu chất lượng cao đặc biệt điều tra nguyên nhân của nó rất khan hiếm. Một số yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của ASPD, bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy có yếu tố di truyền trong sự phát triển của ASPD. Nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh, nguy cơ các thành viên khác cũng mắc sẽ cao hơn. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc ASPD cao hơn ở các cặp song sinh
- Yếu tố sinh học: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cấu trúc và chức năng của não có thể bị ảnh hưởng trong ASPD. Các vùng não liên quan đến cảm xúc và kiểm soát hành vi, như hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán, có thể hoạt động không bình thường.
- Các trải nghiệm thời thơ ấu: Bị lạm dụng tình dục; bị bỏ bê, thiếu quan tâm từ gia đình; cuộc sống gia đình không hạnh phúc, gia đình có xu hướng bạo lực
- Ảnh hưởng từ môi trường: Điều kiện kinh tế xã hội, kinh nghiệm sống sẽ hình thành tính cách cá nhân để đáp ứng với các kích thích bên trong và bên ngoài thay đổi liên tục
Tuy nhiên, ý nghĩa lâm sàng của các nguyên nhân này là không rõ ràng.
Phòng chống rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Một số lưu ý để phòng chống rối loạn nhân cách chống đối xã hội được liệt kê như sau:
- Đầu tiên, ở đối tượng trẻ nhỏ, hãy để trẻ được sống và phát triển trong môi trường thân thiện, nhận được sự yêu thương và quan tâm từ gia đình, nhà trường. Phát hiện sớm những tín hiệu cho thấy nguy cơ cao của rối loạn nhân cách, ngăn chặn hoặc giảm thiểu sự phát triển của nó.
- Quản lý ASPD bằng các liệu pháp tâm lý, đặc biệt là các phương pháp tiếp cận hành vi nhận thức nhằm giảm thiểu hành vi và suy nghĩ không lành mạnh. Xây dựng môi trường an toàn và hỗ trợ rất quan trọng để khuyến khích bệnh nhân bày tỏ sự căng thẳng tâm lý, các triệu chứng mà họ đang phải đối mặt.
- Bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi ASPD thường xuất hiện do bệnh tâm thần cùng tồn tại. Điều trị bắt đầu bằng cách điều trị căn bệnh đó.
- Cần giám sát chặt chẽ các đối tượng ASPD vì họ có nguy cơ tử vong cao hơn do hành vi tự tử, giết người, tai nạn
- Thuốc có thể điều trị triệu chứng cụ thể hoặc tình trạng bệnh đi kèm, nhưng không có phương pháp điều trị rõ ràng, đặc hiệu cho ASPD
- Kiểm soát lạm dụng chất kích thích: Việc kiểm soát và giảm thiểu lạm dụng các chất kích thích như rượu, ma túy là một biện pháp quan trọng trong phòng chống ASPD. Cần có các chương trình giáo dục và hỗ trợ cho những người có nguy cơ lạm dụng các chất này.
- Hỗ trợ tâm lý và xã hội: Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và xã hội cho những người có nguy cơ cao hoặc đã có dấu hiệu mắc ASPD. Các chương trình hỗ trợ tâm lý, tư vấn, và các hoạt động xã hội tích cực có thể giúp họ điều chỉnh hành vi và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.
Kết luận
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một tình trạng tâm thần phức tạp, ảnh hưởng đến cả người mắc và xã hội. Việc nhận diện sớm và áp dụng các biện pháp phòng chống hiệu quả là rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh. Gia đình, nhà trường và xã hội cần cùng chung tay trong việc giáo dục, hỗ trợ và can thiệp sớm cho những người có nguy cơ cao. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ và liên tục, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường sống lành mạnh, hỗ trợ cho mọi người và ngăn chặn sự phát triển của rối loạn nhân cách chống đối xã hội.