Khám thai luôn là một bước không thể thiếu trong suốt quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày. Khám thai kỳ giúp mẹ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé. Đồng thời, bác sĩ sẽ phát hiện được những điều bất thường của bé khi còn thai nhi. Từ đó, mẹ sẽ biết được tình trạng của mẹ và bé để có những sự chuẩn bị tốt nhất.
Tại sao nên đi khám thai định kỳ?
Trong quá trình mang thai, sức khỏe của người mẹ có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này. Người phụ nữ cần có thêm những thông tin, kiến thức cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi; hay những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi để có thể phòng tránh. Vì vậy, khám thai định kỳ là điều nên làm.
Khám thai định kỳ sẽ giúp cho người mẹ cũng như bác sĩ biết được thai nhi trong giai đoạn thai nghén có phát triển bình thường hay dị tật gì hay không, có nguy cơ bệnh tật xuất hiện trong thời kỳ mang thai hay không (cao huyết áp, tiểu đường…), chế độ dinh dưỡng đã hợp lý chưa, cần bổ sung những khoáng chất gì..
Ngoài ra, người mẹ cần có thêm những thông tin, kiến thức cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi; hay những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi để có thể phòng tránh.Việc khám thai sẽ giúp thai phụ chủ động trong việc theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe của mẹ, nắm được những giai đoạn phát triển của trẻ, phát hiện sớm bệnh lý di truyền, dị tật, xử lí kịp thời những biến chứng khi mang thai, tạo cơ sở cho trẻ ra đời an toàn, khỏe mạnh.
Các mốc khám thai định kỳ quan trọng
Các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần ghi nhớ chính là:
- Lần đầu tiên: Vào thời điểm sau khi biết có thai.
- Lần thứ 2: Đến tuần thứ 12, mốc khám thai quan trọng để bác sĩ đo độ dày da gáy và xác định một số dị tật bẩm sinh sớm (thoát vị rốn, khe hở thành bụng, thai vô sọ).
- Lần thứ 3: Vào tuần thứ 16 của thai kỳ, mốc khám thai này có thể kiểm tra sự phát triển của con yêu một cách toàn diện. Các bác sĩ đã có thể xác định giới tính của thai nhi vào thời điểm này. Những thông số trên siêu âm cũng đồng thời giúp đánh giá xét nghiệm sàng lọc trước sinh và có thể phát hiện thêm những dị tật thai nhi mà những tuần trước đó chưa có biểu hiện.
- Lần thứ 4: Khám thai định kỳ vào tuần thứ 22 nhằm kiểm tra, siêu âm hình thái quan trọng nhất, giúp phát hiện hầu hết các bất thường hình thái thai và xét nghiệm nước tiểu.
- Lần thứ 5: Vào tuần thứ 26, với mốc khám thai này, siêu âm thai giúp phát hiện ra bất thường của cả 2 mẹ con và đây cũng là thời điểm tiêm phòng uốn ván.
- Lần thứ 6: Tuần thứ 32, các mẹ bầu cần khám thai định kỳ, theo dõi, siêu âm để đánh giá trọng lượng thai, xét nghiệm nước tiểu, máu loại trừ đái đường thai nghén và tiêm phòng uốn ván mũi 2.
- Lần thứ 7: Vào tuần thứ 36, lần khám thai định kỳ này mẹ sẽ được kiểm tra kỹ tình hình thai nhi, xét nghiệm dịch âm đạo, dự đoán về cân nặng của thai nhi và dự định về phương pháp sinh, ngôi thai, tình trạng nhau thai…. Các thông số của lần khám này được dùng để sử dụng khi mẹ nhập viện, chuẩn bị sinh.
Những lưu ý khi đi khám thai
Trước khi bước vào phòng khám thai, mẹ bầu cần chú ý những điều sau:
- Chuẩn bị sẵn tinh thần, giữ sự thoải mái nhất có thể.
- Mẹ nên ăn uống đầy đủ trước khi đi khám thai.
- Trước khi vào siêu âm, mẹ nên uống nhiều nước, nhịn tiểu căng để khi siêu âm, bác sĩ có thể quan sát thai nhi rõ hơn.
- Mẹ nên mặc váy bầu suông để đi lại, siêu âm, khám thai thuận tiện. Mẹ tránh đi giày cao gót, mặc đồ bó sát, vướng víu.
- Mẹ cần chuẩn bị trước những câu hỏi cần hỏi trước khi đến gặp bác sĩ. Nếu muốn hỏi các loại thuốc, thực phẩm chức năng có thể sử dụng được không thì mẹ nên mang theo.
- Khi có những dấu hiệu bất thường, mẹ nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra mà không cần đến lịch khám
Hi vọng qua bài viết trên, mẹ sẽ có những thông tin cần thiết cho việc khám thai đúng lúc để không bỏ lỡ những thông tin cũng như cơ hội điều trị quan trọng.