Mục đích của việc khám sức khỏe trước khi mang thai
Để có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra những em bé khỏe mạnh, thông minh, bạn cần khám sức khỏe trước khi mang thai. Khám trước khi mang thai bao gồm kiểm tra và chẩn đoán các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến việc có thai, thai kỳ, sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Khám sức khỏe trước khi mang thai có thể giúp bạn đánh giá tình trạng sức khỏe, khả năng sinh sản, tật di truyền hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục và lây sang em bé như viêm gan B, HIV, giang mai, rubella, thủy đậu. Trong đó giang mai, rubella và thủy đậu có thể gây dị tật cho con. Khám sức khỏe để có kế hoạch điều trị hoặc phòng tránh (tiêm vaccine) làm tăng khả năng mang thai và giảm nguy cơ sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh.
Một số tình trạng bệnh lý như thừa cân béo phì, trầm cảm, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn, tuyến giáp… có thể ảnh hưởng đến việc mang thai. Khám sức khỏe trước khi mang thai giúp bạn nhận được tư vấn về các tình trạng bệnh lý và thực hiện thay đổi trong lối sống để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Thời điểm hợp lý để khám sức khỏe
Ngay từ khi có ý định sinh em bé, các cặp vợ chồng nên đi khám sàng lọc càng sớm càng tốt. Để có kết quả khám sức khỏe chính xác, thuận tiện cho người mẹ đi tiêm phòng và có sự chủ động trong thai kỳ thì nên thực hiện khám sàng lọc trước khi mang thai khoảng 3 – 6 tháng.
Một số công việc cần chuẩn bị gồm:
- Giấy tờ khám sức khỏe: Giấy tiêm chủng, giấy khám sức khỏe gần nhất để bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn.
- Lịch sử mang thai: Đối với những phụ nữ đã từng sinh sản trước đây.
- Ghi nhớ tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình để trả lời các câu hỏi của bác sĩ như: Loại vắc-xin từng tiêm, mắc bệnh gì, đã phẫu thuật chưa, bị dị ứng với thành phần gì, lối sống như thế nào, chu kỳ kinh nguyệt, có bệnh di truyền nào,…
- Chuẩn bị trước những câu hỏi để hỏi ý kiến bác sĩ khi đi khám, xét nghiệm trước khi mang thai;
- Tìm hiểu kỹ về những xét nghiệm phải làm để chuẩn bị chu đáo như: Nhịn ăn, nhịn tiểu, thời điểm thăm khám trong chu kỳ kinh nguyệt, việc kiêng quan hệ tình dục, loại trang phục nên mặc, việc ngừng sử dụng các loại thuốc đang dùng,…
Các xét nghiệm cần biết để mẹ sẵn sàng chuẩn bị mang thai
- Khám tổng quát: Hỏi về tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình, thực hiện đo mạch, huyết áp, nghe tim phổi, kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) và khám tổng quát cơ quan sinh dục
- Khám phụ khoa: khám và siêu âm phụ khoa nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi trong quá trình mang thai như polyp cổ tử cung, viêm nhiễm đường sinh dục, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, XN tầm soát ung thư cổ tử cung…
- Làm xét nghiệm tổng quát: chụp X-quang phổi, ECG (điện tâm đồ), Siêu âm ổ bụng tổng quát đánh giá về các tạng trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng,…
- Xét nghiệm máu cơ bản: Xét nghiệm huyết học, xét nghiệm đông máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa máu và xét nghiệm nước tiểu…; xét nghiệm nội tiết giúp phát hiện sớm các bất thường của tuyến giáp…
- Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng tới thai kỳ: HIV, giang mai, viêm gan B, Rubella, Toxoplasma, cytomegalovirus, herpes, lậu, Chlamydia…
- Sàng lọc di truyền nhiễm sắc thể rất cần thiết đối với những trường hợp cặp vợ chồng có:
-
- Người thân trong gia đình bị vô sinh, sảy thai, thai lưu;
- Người thân mắc các dị tật bẩm sinh hoặc các vấn đề về tâm thần như chậm phát triển trí não, tâm thần phân liệt, tự kỷ, trầm cảm…
- Có vấn đề về đường huyết, tăng huyết áp;
- Có người thân bị dị tật hở hàm ếch, chân cong, suy giảm thị lực và khả năng nghe.
- Có người thân mắc hoặc mang gen di truyền các bệnh lý như máu khó đông, tan máu bẩm sinh, u xơ thần kinh …
- Phụ nữ dự định mang thai khi đã lớn tuổi.
- Khám nhũ.
- Khám nha khoa: Đánh giá nguy cơ mắc các bệnh răng miệng vì nếu khi mang thai bị bệnh răng miệng có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.
- Tư vấn tiêm phòng trước mang thai: Rubella, thuỷ đậu, viêm gan…
Khám sức khỏe trước khi mang thai là một bước chuẩn bị quan trọng để đảm bảo thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Việc khám tiền sản giúp phát hiện sớm các vấn đề y tế, từ đó có biện pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời. Bên cạnh đó, tư vấn về lối sống và dinh dưỡng cũng giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình mang thai và sinh con. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, hãy dành thời gian để khám sức khỏe và nhận sự tư vấn từ các chuyên gia y tế.