Giai đoạn dậy thì là giai đoạn mà cơ thể có nhiều thay đổi về hormone khiến tuyến dầu nhờn ở da hoạt động mạnh hơn – kết hợp với vi khuẩn gây mụn sinh ra khi lỗ chân lông bị bít tắc làm tăng nguy cơ nổi mụn.Vậy cách trị mụn hiệu quả nhất ở tuổi dậy thì như thế nào? Hãy cùng Pharmacity giải đáp vấn đề này nhé!
Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì?
Nguyên nhân chính gây mụn tuổi dậy thì là do những thay đổi về nội tiết tố, song song đó là các yếu tố khác như chăm sóc da, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, tinh thần căng thẳng, stress quá mức….
- Thay đổi nội tiết tố
Giai đoạn tuổi dậy thì,hormone sinh dục sẽ gia tăng gây kích thích hoạt động của các tuyến dầu nhờn trên da, khiến da sản sinh quá mức bã nhờn; lâu ngày dẫn tới tình trạng bít tắc lỗ chân lông cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn phát triển.
- Vệ sinh da mặt kém
Rửa mặt không đúng cách, rửa mặt bằng nước hoặc dùng sữa rửa mặt không phù hợp với da.Thường xuyên dùng tay sờ lên mặt hoặc tự ý nặn mụn.Sử dụng nhiều loại kem trị mụn hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học
Ăn uống thiếu chất, thường xuyên ăn đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm giàu carbohydrate…. thì cơ thể sẽ tích tụ nhiều chất béo và đường trong cơ thể. Điều này sẽ làm tăng lượng dầu trên da và gây ra mụn.
Ngoài các yếu tố trên, các tác nhân khác như tâm trạng thường xuyên căng thẳng, chế độ sinh hoạt kém lành mạnh như uống ít nước, hay thức khuya cũng khiến tình trạng mụn trở nên phức tạp hơn.
Các loại mụn tuổi dậy thì thường gặp
Mụn không viêm
- Mụn đầu trắng: Vi khuẩn, tế bào chết hoặc các chất bã nhờn không được đào thải nên tích tụ lại ở lỗ chân lông gây bít tắc tạo nên đầu mụn màu trắng. Mụn đầu trắng không nhô cao lên bề mặt da nhưng sờ vào sẽ thấy cứng và gồ ghề hơn bình thường.
- Mụn đầu đen: Lỗ chân lông cũng bị bít tắc bởi tế bào chết, dầu thừa hay vi khuẩn nhưng khác với mụn đầu trắng; ở đây lỗ chân lông sẽ mở kết hợp với việc nhân mụn bị oxy hóa nên chuyển thành màu đen.
Mụn viêm
- Mụn sần (mụn đỏ): Khi mụn bị viêm và vi khuẩn tấn công sẽ khiến da ửng đỏ, trong khi phần đầu mụn sưng to, khi dùng tay chạm nhẹ sẽ thấy đau, hay nhạy cảm với tác động bên ngoài như nặn mụn. Nếu mụn sần xuất hiện nhiều ở tuổi dậy thì thì đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mụn trứng cá không còn ở mức nhẹ mà đang ở mức trung bình đến nặng.
- Mụn mủ: Mụn mủ có hình dạng bên ngoài khá giống với mụn đầu trắng, điểm khác biệt là mụn mủ có vòng tròn nhỏ màu đỏ quanh chân mụn, loại mụn này không có nhân mụn cứng, thay vào đó là dịch mủ có màu vàng hoặc trắng.Dạng mụn này sẽ gây cảm giác đau nhức. Không nên tự ý nặn mụn mủ để tránh làm bị vỡ ra làm mụn bị viêm nặng hơn, gây nguy cơ lây lan sang vùng lân cận hoặc để lại sẹo sâu.
- Mụn bọc: Mụn bọc có đặc điểm là lộ rõ, sưng to và chứa mủ vàng ở bên trong. Với mụn bọc, hành động nặn thông thường bằng tay sẽ không loại bỏ triệt để nhân mụn và dễ gây đau nhức, sưng tấy đỏ nặng và khả năng tái phát lại rất cao. Mụn bọc vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến sẹo lõm nếu không điều trị hoặc điều trị sai phương pháp
Phương pháp giảm mụn ở tuổi dậy thì hiệu quả
Điều trị mụn tuổi dậy thì cần đúng cách với các phương pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất tổn thương da.
Giữ da mặt sạch sẽ và tuyệt đối không nặn mụn
- Da bị mụn cần phải sạch, hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn để không bị viêm nhiễm. Chú ý không được nặn mụn, sờ tay lên mụn.
- Nên chọn sữa rửa mặt dịu nhẹ, chuyên trị mụn để vệ sinh da mặt hàng ngày. Khi rửa mặt, nên dùng tay massage nhẹ nhàng, không chà xát để tránh làm tổn thương da.
- Nặn mụn bằng dụng cụ không hợp vệ sinh hoặc bằng tay sẽ khiến mụn lây lan và dễ bị sưng viêm.
Sử dụng thuốc trị mụn phù hợp
- Thuốc bôi chứa Acid salicylic : Acid salicylic có khả năng ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, giúp nang lông thông thoáng hơn cũng như kiểm soát những tác nhân như da chết/ bã nhờn
- Thuốc bôi chứa Acid azelaic: Giúp làm sạch lỗ chân lông, gom còi mụn và hạn chế nguy cơ mụn tái phát (thành phần này chỉ có tác dụng tốt với những trường hợp mụn tuổi dậy thì từ nhẹ tới vừa)
- Thuốc bôi có thành phần Benzoyl peroxide: Loại thuốc này có công dụng diệt khuẩn và làm bong lớp sừng nên thường được sử dụng để điều trị các loại mụn như mụn đầu đen/ đầu trắng, mụn bọc, mụn viêm,…
- Kháng sinh dạng bôi hoặc uống (Clindamycin): kháng sinh có công dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn, giảm tổn thương da do viêm – điều trị mụn trứng cá mức độ vừa tới nặng
- Thuốc bôi chứa Retinoid: Là một chất dẫn xuất từ vitamin A, Retinol được dùng trị mụn ở tuổi dậy thì, có tác dụng giảm dầu thừa, thông thoáng nang lông giúp kiểm soát và giảm mụn.
- Thuốc tránh thai hoặc hỗ trợ cân bằng hormone: Thuốc phát huy trị mụn hiệu quả do tác động lên hormone điều trị mụn nội tiết. Hormone tổng hợp trong viên thuốc ngừa thai ức chế cơ thể sản xuất androgen. Từ đó, tuyến bã nhờn ít bị kích thích hơn và giảm tiết dầu.
Chăm sóc các đốt mụn đúng cách
- Đối với mụn đầu đen, dù có nặn mụn thì vẫn xuất hiện trở lại. Phương pháp tốt nhất là đến gặp bác sĩ để được tư vấn và trị mụn trong điều kiện vệ sinh tốt nhất.
- Đối với mụn viêm, khi mụn tự vỡ, hãy dùng khăn giấy hoặc nước sạch vệ sinh đốt mụn. Sau đó, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để đốt mụn không bị thâm.
Nếu sau một thời gian mà tình trạng mụn không thuyên giảm, hoặc gặp phải tình trạng mụn bọc, mụn mủ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị bằng các phương pháp triệt để hơn để tránh tình trạng viêm diễn tiến nặng.