Phenobarbital là một hoạt chất quan trọng trong nhóm barbiturat, đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ để điều trị các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh, bao gồm co giật và rối loạn ngủ. Bài viết dưới đây sẽ mang lại cái nhìn chi tiết về thuốc Phenobarbital, từ công dụng đến liều lượng, cũng như các hướng dẫn cần thiết cho việc sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.
Thuốc Phenobarbital là gì?
Phenobarbital là thuốc chống động kinh thuộc nhóm barbiturat. Thuốc có tác dụng theo cơ chế cách ngăn chặn sự lan rộng của co giật bằng cách tăng cường tác dụng ức chế synap của axit gamma aminobutyric (GABA) và nâng cao ngưỡng co giật.
Hàm lượng và các dạng bào chế Phenobarbital
Hiện tại trên Phenobarbital có dạng bào chế và hàm lượng đa dạng, để phù hợp với nhiều tối thượng như: Viên nén 15mg, 30mg, 60mg, 100mg; Siro thuốc (15mg/5ml; 20 mg/5 ml); Thuốc tiêm 200mg/ml và viên đặt trực tràng.
Chỉ định
Phenobarbital thường được sử dụng điều trị trong các trường hợp:
- Động kinh (trừ động kinh cơn nhỏ): Động kinh cơn lớn, động kinh rung giật cơ, động kinh cục bộ. Phòng co giật do sốt cao tái phát ở trẻ nhỏ.
- Vàng da sơ sinh, người bệnh mắc chứng tăng bilirubin huyết không liên hợp bẩm sinh, không tan huyết bẩm sinh và người bệnh ứ mật mạn tính trong gan.
Chống chỉ định
Không sử dụng phenobarbital cho các đối tượng:
- Người quá mẫn với phenobarbital.
- Có tiền sử bị suy hô hấp nặng, có khó thở hoặc tắc nghẽn đường thở và rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Bệnh nhân suy gan nặng.
- Phụ nữ có thai và cho con bú
Liều dùng và cách dùng thuốc Phenobarbital
Liều lượng tùy thuộc từng người bệnh. Nồng độ phenobarbital huyết tương 10mcg/ml gây an thần và nồng độ 40mcg/ml gây ngủ ở phần lớn người bệnh. Nồng độ phenobarbital huyết tương lớn hơn 50 mcg/ml có thể gây hôn mê và nồng độ vượt quá 80 mcg/ml có khả năng gây tử vong. Tổng liều dùng hàng ngày không được vượt quá 600 mg.
Thuốc Phenobarbital dùng theo đường uống tham khảo:
- Chống co giật: Người lớn uống 60-250mg/ngày. Trẻ em uống 1-6mg/kg/ngày. Cả hai đối tượng đều có thể uống 1 lần hoặc chia thành liều nhỏ;
- Tác dụng an thần: Người lớn dùng 30-120mg vào ban ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần/ngày. Trẻ em 2mg/kg chia làm 3 lần/ngày;
- Chống tăng sinh bilirubin huyết: Người lớn uống 30-60mg chia 3 lần/ngày. Trẻ sơ sinh 5-10mg/kg/ngày (vài ngày đầu mới sinh). Trẻ em tới 12 tuổi: dùng 1-4mg/kg chia 3 lần/ngày.
Thuốc Phenobarbital dùng theo đường tiêm (tiêm bắp sâu hoặc tĩnh mạch):
- Chống co giật: Người lớn tiêm 100-320mg, lặp lại nếu cần cho tới tổng liều 600mg/24 giờ. Trẻ em tiêm liều đầu 10-20mg/kg, tiêm 1 lần (liều tấn công hoặc liều nạp), sau đó duy trì 1-6mg/kg/ngày;
- Điều trị động kinh: Người lớn tiêm tĩnh mạch 10-20mg/kg (lặp lại nếu cần). Trẻ em tiêm tĩnh mạch chậm 15-20mg/kg trong 10-15 phút;
- Tác dụng an thần: Người lớn tiêm 130-200mg, trẻ em tiêm 1-3mg/kg trong 60-90 phút trước phẫu thuật
Người bệnh cao tuổi và suy nhược có thể bị kích thích, lú lẫn hoặc trầm cảm với liều thông thường, vì vậy phải giảm liều ở những đối tượng này.
Thuốc Phenobarbital gây ra những tác dụng phụ nào?
Phenobarbital có thể gây ra một số ADR như sau:
- Trên thần kinh trung ương: phản ứng nghịch thường, ảo giác, bồn chồn, lú lẫn ở người già, trầm cảm, suy giảm nhận thức và trí nhớ, buồn ngủ, hôn mê, tăng hoạt động, rối loạn hành vi ở trẻ, mất điều vận, rung giật nhãn cầu.
- Tim mạch: nhịp chậm, tụt huyết áp, ngất.
- Hô hấp: co thắt thanh quản, suy hô hấp, ngừng thở (đặc biệt khi tiêm tĩnh mạch nhanh), giảm thông khí.
- Gan – mật: viêm gan, ứ mật.
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, táo bón.
- Da: Phản ứng dị ứng trên da (ban sần hoặc ban dạng tinh hồng nhiệt), các phản ứng trên da khác như viêm da tróc vảy, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và hoại tử bị nhiễm độc.
- Toàn thân: Quá mẫn với thuốc chống động kinh (biểu hiện đặc trưng như sốt, mày đay, bệnh hạch bạch huyết, tăng bạch cầu ưa acid, bất thường công thức máu, gan và cơ quan khác có liên quan như thận và phổi có thể đe dọa tính mạng).
Thuốc phenobarbital tương tác với những thuốc nào?
- Các thuốc làm tăng tác dụng của phenobarbital: thuốc chống động kinh (oxcarbazepine, Phenytoin và valproate), Methylphenidat.
- Các thuốc làm giảm tác dụng của phenobarbital: thuốc chống trầm cảm (IMAO, SSRI và chống trầm cảm ba vòng); thuốc chống loạn thần (Clorpromazin và Thioridazin); acid folic; memantine; chế phẩm chứa cỏ St. John.
- Phenobarbital làm tăng chuyển hóa, giảm nồng độ trong máu các thuốc sau: Thuốc chống loạn nhịp (disopyramid và quinidin); Thuốc giảm đau Methadone, Các thuốc chống đông, các thuốc chống trầm cảm (paroxetine, mianserin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng), các thuốc chống động kinh (carbamazepin, lamotrigine, tiagabine, zonisamide, primidone, ethosuximid), các thuốc chống nấm (griseofulvin, ketoconazol hoặc posaconazole, voriconazole), các thuốc chống loạn thần (aripiprazole, haloperidol), các thuốc kháng virus (abacavir, amprenavir, darunavir, lopinavir, indinavir, nelfinavir, saquinavir), thuốc giải lo âu và an thần (lorazepam), các thuốc chẹn kênh calci (felodipin, isradipine, Diltiazem, Verapamil, nimodipin và nifedipin), các thuốc chẹn beta (metoprolol, Timolol và Propranolol), các thuốc gây độc tế bào (etoposide hoặc Irinotecan), thuốc lợi tiểu (eplerenone), các thuốc kháng hormon (gestrinone và tamoxifen), các thuốc tránh thai chứa oestrogen và progesteron, hormon thyroid, các corticosteroid, cyclosporin hoặc Tacrolimus, tibolone, tropisetron, Montelukast, digitoxin, aprepitant, theophylin, vitamin D.
Câu hỏi thường gặp trong quá trình sử dụng phenobarbital
Có nên tự ý sử dụng Phenobarbital cho bé hay không?
Phenobarbital là thuốc kê đơn, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Mua Phenobarbital ở đâu?
Phenobarbital có bán tại các nhà thuốc bệnh viện cũng như các nhà thuốc lớn như Pharmacity.
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng phenobarbital?
Chóng mặt, buồn ngủ, kích thích, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn có thể xảy ra khi cơ thể bạn đáp ứng thuốc. Nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hoặc nặng hơn, bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.