Bệnh thương hàn ở trẻ em – nỗi ám ảnh trong quá khứ. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính với diễn biến bệnh phức tạp gây ra nhiều biến chứng, thậm chí tử vong. Căn bệnh này trước đây đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người do gặp nhiều khó khăn về y khoa trong quá trình điều trị. Tuy nhiên với cơ sở vật chất thời điểm hiện tại đã không còn là mối lo ngại, Nhưng đối với các đối tượng nhiễm bệnh là trẻ em thì khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng. Căn bệnh này có nguy hiểm với các bé hay không? Nguyên nhân mắc bệnh thương hàn là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết để hiểu sâu hơn về căn bệnh này và cách phòng ngừa bệnh thương hàn ở trẻ em.
Bệnh thương hàn ở trẻ em
Bệnh thương hàn ở trẻ em là căn bệnh nhiễm trùng trong máu, nhiễm độc toàn thân lây qua đường tiêu hóa có thể gây ra những tổn thương ở những cơ quan quan trọng.
Tác nhân gây ra bệnh thương hàn là Salmonella typhi. Phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn có trong cơ thể có thể ủ bệnh trung bình từ 8 – 14 ngày.
Bệnh thương hàn sẽ tiến triển qua từng giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: Trẻ đã mang mầm bệnh nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1-2 tuần
- Giai đoạn khởi phát: Trẻ sẽ có những triệu chứng điển hình như sốt (39-41 độ C), mệt mỏi, biếng ăn, không vui chơi, buồn ói. Thường diễn biến trong giai đoạn này sẽ kéo dài 1 tuần.
- Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, kéo dài khoảng 2 tuần, độc tố của vi khuẩn làm ảnh hưởng đến các hệ cơ quan như thần kinh. Trẻ sẽ bắt đầu đau đầu, mệt mỏi, thậm chí trường hợp nặng hơn dễ li bì, hôn mê. Hệ tiêu hóa kém, chướng bụng, đi ngoài nhiều. Phát ban, xuất hiện những nốt ban nhỏ ở ngực, bụng, mạn sườn sau đó lan ra toàn thân. Trong một số trường hợp sẽ làm tổn thương đến những cơ quan khác như túi mật, hệ tim mạch. Ngoài ra, bệnh nhi thương hàn còn có thể gặp bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Mạch chậm so với nhiệt độ của người bệnh thương hàn trong giai đoạn này được gọi là mạch và nhiệt độ phân ly.
- Giai đoạn lui bệnh: Trẻ hạ sốt và giảm các triệu chứng đường tiêu hóa, cảm thấy thèm ăn hơn. Giai đoạn này của bệnh thương hàn thường kéo dài trong khoảng 1 tuần.
Bệnh thương hàn phải được điều trị càng sớm càng tốt bằng kháng sinh tại bệnh viện. Nếu không điều trị kịp thời gây ra các biến chứng đặc biệt ở đường tiêu hóa như thủng ruột, viêm dạ dày ruột. Ngoài ra, có thể gây nhiễm khuẩn máu, nếu không xử trí sẽ lây lan qua các cơ quan khác như gan, thận, tim,.. Lúc này trẻ có nguy cơ tử vong với những bệnh cảnh nặng nề hơn như trụy tim mạch hoặc sốc nhiễm trùng.
Nguyên nhân mắc bệnh thương hàn ở trẻ em
Nguồn truyền bệnh
Nguồn truyền nhiễm bệnh quan trọng của bệnh thương hàn đến từ người bệnh, trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Hệ miễn dịch của trẻ em vô cùng non nớt, đây là đối tượng rất dễ mắc phải bệnh thương hàn. Đa số người đã khỏi bệnh vẫn mang vi khuẩn Salmonella typhi trong người và vẫn tiếp tục đào thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần thậm chí 2 – 3 tháng.
Phương thức lây bệnh
- Bệnh thương hàn có thể lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với người bệnh, đồ dùng của người bệnh bị nhiễm vi khuẩn.
- Người mắc bệnh thương hàn do uống nước hoặc ăn những loại thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, sữa… Vi khuẩn thương hàn có khả năng sinh sôi trong sữa và các chế phẩm, mà không làm thay đổi tính chất hay mùi vị.
- Ở những môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh cũng là một yếu tố thuận lợi để căn bệnh này phát triển.
Cách phòng ngừa thương hàn ở trẻ em
- Nguồn lây từ thực phẩm:
- Cần ăn chín uống sôi, chọn lựa sữa có chỉ số tạp trùng thấp để khả năng bị nhiễm khuẩn thấp hơn.
- Kiểm tra kỹ nguồn nước trước khi sử dụng.
- Thực phẩm hàng ngày phải luôn tươi mới, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và trên hết là đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn.
Sốt thương hàn hiện nay đã có vacxin, việc tiêm vacxin phòng ngừa thương hàn còn được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rộng rãi. Trẻ em nên tiêm ngừa vaccin thương hàn, vacxin sẽ phát huy tác dụng sau 3 tuần. Tuy nhiên tính sinh miễn dịch, tạo ra sức đề kháng cho căn bệnh này không bền vững, do đó nên chích ngừa nhắc lại mỗi 3 năm nếu trẻ thường xuyên theo cha mẹ đi xa.
Mặc dù bệnh thương hàn hiện nay đã được khống chế nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đặc biệt là trẻ em. Để bảo vệ trẻ tốt hơn, nên đưa trẻ đi tiêm phòng vacxin và có chế độ ăn uống đảm bảo cho sức khỏe của trẻ.