Bệnh nhồi máu não là một dạng của đột quỵ và cần được can thiệp y tế kịp thời, sớm nhất có thể tại thời điểm khởi phát bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Bài viết sau đây, sẽ giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm này.
Tổng quan chung
Nhồi máu não là gì?
Nhồi máu não là loại đột quỵ xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não, khác với xuất huyết não bắt nguồn từ tình trạng chảy máu não.
Nhồi máu não chiếm từ 70-80% các trường hợp đột quỵ nhưng có thể chữa khỏi trong khi bệnh nhân bị xuất huyết não dễ tử vong hoặc tàn phế.
Đột quỵ nhồi máu não là quá trình mà động mạch não bị hẹp hoặc tắc khiến lưu lượng tuần hoàn tại vùng não do động mạch đó phân bố giảm trầm trọng gây hoại tử, chức năng vùng não đó bị rối loạn và biểu hiện các triệu chứng về thần kinh tương ứng với vùng não bị tổn thương.
Triệu chứng
Các triệu chứng bệnh nhồi máu não khá đa dạng. Tùy thuộc vào khu vực máu não bị tắc nghẽn mà các biểu hiện của bệnh lý cũng sẽ khác nhau. Một vài triệu chứng phổ biến của bệnh lý có thể kể đến như sau:
- Liệt mặt: Hầu hết các trường hợp bị nhồi máu não sẽ bị liệt một nửa dưới ở một bên mặt. Các biểu hiện dễ nhận thấy như bị méo miệng, nhân trung bị lệch. Cũng có những trường hợp bị liệt hoàn toàn một nửa mặt.
- Một bên tay, chân hay một nửa người bị yếu hoặc liệt: Tay của bệnh nhân khá yếu và thường không giữa được quá lâu khi vươn thẳng ra trước. Cũng có những trường hợp bị liệt hoàn toàn với biểu hiện chính là không thể cử động.
- Nói khó: Có thể biểu hiện qua các dạng như, rối loạn ngôn ngữ diễn tả, rối loạn ngôn ngữ cảm nhận hoặc rối loạn phát âm.
Đây được xem là 3 triệu chứng phổ biến nhất đối với các trường hợp bị nhồi máu não. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác như:
- Giảm hoặc mất cảm giác một nửa cơ thể.
- Nuốt khó, gây đau ở cổ họng.
- Chóng mặt, buồn nôn và nôn.
- Bị thất điều và khó khăn trong vấn đề đi lại.
- Bị mù một bên mắt hoặc mù vỏ não.
- Đau đầu liên tục.
- Co giật.
- Hôn mê.
- Đại tiểu tiện không tự chủ,…
Nguyên nhân
Nguyên nhân thường gặp của nhồi máu não là:
- Xơ vữa mạch máu lớn chiếm 50%, trong đó các mạch máu lớn ngoài sọ chiếm 45%, mạch máu lớn trong sọ chiếm 5%.
- Nguyên nhân từ tim gây cục huyết khối như bệnh hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim… tạo cục máu đông đi đến não chiếm 20%.
- Tắc các mạch máu nhỏ trong não, thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chiếm 25%.
- Bệnh động mạch không xơ vữa chiếm tỷ lệ < 5%.
- Bệnh về máu như bệnh lý đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh của mạch máu… chiếm < 5%.
Đối tượng nguy cơ
Người có nguy cơ cao bị nhồi máu não cấp thường là:
- Người mắc những bệnh làm gia tăng khả năng hình thành huyết khối bất thường hoặc bệnh làm tổn thương lớp lót trong của động mạch não như: bệnh tim, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường và chứng rối loạn đông máu
- Người hút thuốc lá, nghiện rượu bia
- Người có tiền sử bị béo phì, ít vận động, cholesterol cao, stress cũng dễ dẫn tới nhồi máu não kể cả với người trẻ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán nhồi máu não cần dựa vào cả triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm hỗ trợ:
- Triệu chứng lâm sàng: thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng điển hình như: đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, liệt nửa người, rối loạn ý thức hoặc rối loạn vận động
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner): trong giai đoạn tối cấp (3-6 giờ) của nhồi máu não, các thay đổi trên hình ảnh chụp cắt lớp não rất kín đáo, có thể thấy những hình ảnh sớm như: mất ranh giới chất xám, mờ rãnh cuộn não, hẹp khe Sylvius, mất dải băng thùy đảo, hẹp não thất và bể đáy, tăng tỷ trọng các mạch máu trong khu vực đa giác Willis do cục máu đông đặc biệt giữa động mạch não giữa. Khi đã hình thành ổ nhồi máu não thì CT scanner sẽ cho hình ảnh giảm tỷ trọng ở vùng vỏ não, vùng dưới vỏ hoặc vùng chất trắng hoặc chất xám trong sâu theo vùng chi phối tưới máu của động mạch
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): ổ nhồi máu não giảm nhẹ tín hiệu trên ảnh T1W, tăng tín hiệu trên ảnh T2W ở giai đoạn cấp. Tiêm thuốc đối cản quang thấy ổ tổn thương ngấm thuốc.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh nhồi máu não, cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ bằng cách:
- Xây dựng một lối sống lành mạnh, tích cực, nói không với thuốc lá, chất kích thích, rượu bia.
- Duy trì và tuân thủ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Bổ sung nhiều vitamin, chất xơ có lợi từ rau quả, tránh ăn mặn và thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ.
- Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng nhằm giảm thiểu nguy cơ béo phì.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, kịp thời phát hiện và điều trị triệt để các bệnh lý nền như: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, béo phì…
- Lưu ý những dấu hiệu nhận biết đặc trưng của nhồi máu não, nhằm sớm phát hiện và đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Bệnh nhồi máu não có nhiều phương pháp điều trị đặc hiệu với mục tiêu làm tiêu huyết khối, chống tập kết tiểu cầu, hồi phục tế bào não.
Điều trị tiêu huyết khối
Đây là biện pháp điều trị đặc hiệu, đem lại hiệu quả cao cho bệnh nhân nhồi máu não xong không phải áp dụng cho tất cả trường hợp. Bệnh nhân cần làm xét nghiệm kiểm tra đáp ứng và điều trị trong vòng 3 giờ kể từ khi nhồi máu não khởi phát.
Điều trị bằng thuốc Aspirin và chống ngưng tập tiểu cầu
Bệnh nhân nhồi máu não cần được chỉ định dùng Aspirin ngay để tiêu huyết khối, ngoài ra có thể dùng thuốc khác trong trường hợp dị ứng hoặc không dung nạp với Aspirin như: Clopidogrel, ticlopydil, dipyridamol,…
Nếu bệnh nhân nhồi máu não do rung nhĩ, bệnh van tim hoặc nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, cần dùng thêm heparin và thuốc chống đông khác.
Điều trị các bệnh lý nền nếu có
- Nếu tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não, cần điều trị bằng thuốc hạ huyết áp và theo dõi tình trạng nghiêm ngặt.
- Bệnh nhân nhồi máu não bị đái tháo đường cần điều trị để mức đường huyết trở về bình thường, có thể dùng thuốc hạ huyết áp hoặc insulin tùy từng trường hợp.
Bệnh nhồi máu não có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở những người mắc bệnh lý tim mạch, đặc biệt là cao huyết áp, bệnh lý van tim, rung nhĩ,… Tỷ lệ tái phát cao nếu không khắc phục được triệt để nguyên nhân gây nhồi máu não.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.