Vitamin C cần thiết cho sức khỏe của con người, Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng một cách tùy tiện, việc dùng quá liều vitamin C hoặc sử dụng khi không cần thiết có thể gây hại cho sức khỏe. Trong bài viết này, hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những trường hợp cần tránh việc sử dụng vitamin C nhé.
Giới thiệu về vitamin C
Vitamin C là tên của hợp chất hóa học Acid ascorbic – dễ tan trong nước, ít tan trong rượu và dung môi hữu cơ. Vitamin C tương đối bền với nhiệt, tuy nhiên rất dễ bị oxy hóa bởi oxi không khí.
Vitamin C có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, cơ thể chủ yếu hấp thu và sử dụng dưỡng chất này từ đây. Vitamin C tham gia vào rất nhiều hoạt động của cơ thể, có vai trò và chức năng quan trọng với hệ miễn dịch, phòng ngừa lão hóa, tăng cường sức khỏe.
Công dụng của vitamin C đối với cơ thể
Vitamin C mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe, bao gồm:
- Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C là chất kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu, tăng cường hệ miễn dịch và tạo hàng rào biểu mô chống lại các mầm bệnh. Ngoài ra, vitamin C còn có công dụng giúp cơ thể chống lại nguy cơ mắc bệnh cúm, hồi phục chức năng phổi và nhanh lành vết thương hơn.
- Tăng khả năng hấp thụ sắt: Một trong những tác dụng tuyệt vời của vitamin C là tăng khả năng hấp thụ sắt ở cả trẻ em và người lớn. Cụ thể khi sử dụng 100mg vitamin C mỗi ngày có thể giúp cơ thể hấp thụ sắt đến 67%.
- Tránh giảm thị lực: Bổ sung vitamin C, kết hợp cùng vitamin E và beta-carotene sẽ giúp ngăn ngừa bệnh thoái hoá điểm vàng, tránh giảm thị lực khi về già. Đồng thời, bản chất vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại tình trạng mất trí nhớ.
- Chống oxy hóa: Giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do.
- Hỗ trợ đẹp da, khỏe tóc: Vitamin C là thành phần quan trọng để sản xuất collagen – loại Protein có vai trò phát triển các mô liên kết như cơ, da, sụn khớp, dây chằng,… Vì thế, để mái tóc mượt mà, làn da khỏe mạnh, đàn hồi tốt thì cần áp dụng chế độ ăn giàu Vitamin C kéo dài.
- Có nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ lượng vitamin C đầy đủ có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tim, đột quỵ và một số loại ung thư.
Đối tượng nào không nên bổ sung vitamin C?
Các trường hợp nên tránh bổ sung vitamin C như:
- Chống chỉ định bổ sung vitamin C trong các bệnh rối loạn về máu như Thalassemia, thiếu men G6PD, bệnh hồng cầu hình liềm và huyết sắc tố. Tránh dùng chất bổ sung ngay trước hoặc sau khi nong mạch.
- Tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung vitamin C một cách cẩn thận vì thuốc sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
- Vitamin C nên được sử dụng thận trọng trong bệnh thận oxalat hoặc sỏi thận vì quá trình acid hóa bởi acid ascorbic làm tăng khả năng kết tủa của sỏi cysteine, urat và oxalat.
- Người bị rối loạn chuyển hóa sắt: Bệnh nhân mắc các bệnh như hemochromatosis (thừa sắt) nên tránh bổ sung vitamin C vì nó tăng cường hấp thu sắt.
- Người đang dùng thuốc đặc trị: Một số loại thuốc có thể tương tác với vitamin C, làm giảm hiệu quả hoặc gây tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên tránh bổ sung vitamin C liều lượng cao.
Tác dụng phụ của quá liều vitamin C
- Rối loạn tiêu hóa: Tình trạng này thường không xảy ra khi bạn ăn thực phẩm chứa vitamin C mà là do bạn uống vitamin dạng chất bổ sung. Rối loạn tiêu hoá chỉ đến khi bạn sử dụng hơn 2000mg vitamin C cùng một lúc. Các triệu chứng rối loạn tiêu hoá phổ biến nhất khi hấp thụ quá nhiều vitamin C là tiêu chảy và buồn nôn, ợ nóng…
- Dùng vitamin C liều cao có thể gây sỏi thận: Vitamin C dư thừa sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng oxalat, một chất thải của cơ thể. Oxalat thường được bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu, tuy nhiên trong một số trường hợp oxalat có thể liên kết với các khoáng chất và tạo thành tinh thể canxi oxalat gây sỏi thận (sỏi oxalat).
- Có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng: Vitamin C thuộc dạng acid yếu nên khi tiêu thụ quá nhiều vitamin C, đặc biệt trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và tá tràng như kích ứng và viêm loét. Biểu hiện của viêm loét dạ dày tá tràng thường là đau vùng thượng vị, cảm giác nóng rát sau lồng ngực, ợ chua, buồn nôn, nôn,…
- Làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout: Vitamin C có khả năng làm tăng nồng độ acid uric trong máu, khi acid uric tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn đến ứ đọng các tinh thể muối urat tại các khớp gây ra bệnh Gout. Bệnh gout có các triệu chứng như sưng, đau ở các khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái.
- Mất cân bằng dinh dưỡng: Việc bổ sung vitamin C quá mức có thể làm mất cân bằng các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Có thể nói, không riêng gì vitamin C mà tất cả các chất bổ sung khác trước khi sử dụng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vì bổ sung quá nhiều cũng gây nguy hiểm không kém gì thiếu hụt.
Vitamin C là một dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe, với nhiều lợi ích quan trọng. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C cần được thực hiện một cách cẩn thận và đúng liều lượng. Đối với những người có tiền sử bệnh thận, rối loạn chuyển hóa sắt hoặc đang dùng thuốc đặc trị, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Nhớ rằng, một lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng và sự tư vấn từ chuyên gia y tế sẽ giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích của vitamin C mà không gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.