Tuần thai thứ 18 là một cột mốc quan trọng, bởi đây là giai đoạn bé yêu bắt đầu có những bước phát triển vượt bậc, khi bé đã bắt đầu nhìn và xác định được giới tính. Sau đây, hãy cùng điểm qua các thông tin mà mẹ bầu cần biết và các vấn đề sức khỏe trong giai đoạn thai 18 tuần tuổi.
Tìm hiểu về sự phát triển của thai nhi 18 tuần tuổi
Thai 18 tuần tương đương với giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ hai, đã phát triển đáng kể so với những tháng đầu thai kỳ. Lúc này, bé có kích thước bằng quả lựu, một bước tiến quan trọng trong hành trình chào đời.
Về cân nặng, thai nhi 18 tuần tuổi dao động từ 192 đến 255 gram, tương đương với một chiếc cốc cà phê. Tuy nhiên, đây chỉ là mức trung bình, con số thực tế có thể chênh lệch tùy thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng của mẹ, giới tính thai nhi,…
Chiều dài từ đầu đến mông của thai nhi 18 tuần tuổi đạt khoảng 14,2 cm. Ở giai đoạn này, bé đã hoàn thiện khá đầy đủ các bộ phận cơ thể, bắt đầu cử động linh hoạt hơn và có thể tạo ra những phản ứng với các tác động bên ngoài, bao gồm:
- Vị trí tai hoàn chỉnh: Tai của bé di chuyển đến vị trí chính xác và chìa sang hai bên, tạo nên hình dáng tai hoàn chỉnh như người lớn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để mẹ bắt đầu trò chuyện, hát ru cho bé nghe, bởi thính giác của bé đã phát triển đủ để nhận biết âm thanh.
- Hệ thị giác: Mắt bé hướng về phía trước thay vì nhìn sang hai bên như trước, võng mạc nhạy cảm với ánh sáng, có thể phát hiện khi mẹ chiếu đèn pin vào bụng.
- Hệ thần kinh: Mạng lưới các dây thần kinh được bao phủ bởi myelin, giúp đẩy nhanh tốc độ truyền tín hiệu và hình thành các kết nối phức tạp trong não bộ. Các phần não bộ liên quan đến các giác quan như xúc giác, vị giác, khứu giác, thị giác và thính giác phát triển mạnh mẽ hơn.
- Hệ xương cứng cáp hơn: Xương vẫn còn mềm nhưng đã bắt đầu cứng lại, đặc biệt là ở xương đòn và xương chân. Sự phát triển này là nền tảng cho hệ vận động linh hoạt của bé trong tương lai.
- Dấu vân tay và vân chân: Bé giờ đây đã sở hữu những dấu vân tay và vân chân riêng biệt, độc nhất vô nhị. Những đường vân tinh tế này được hình thành do sự di chuyển của các tế bào da, mang tính di truyền từ bố mẹ.
- Khả năng ngáp, nuốt và mút: Bé đã biết ngáp, nuốt nước ối và thậm chí có thể mút ngón tay. Đây là những phản xạ quan trọng giúp bé luyện tập các kỹ năng cần thiết cho việc bú sữa sau khi sinh.
Cơ thể của mẹ thay đổi như thế nào ở tuần thai thứ 18?
Nhiều mẹ thắc mắc 18 tuần là mấy tháng, thì 18 tuần thai tương đương với 4 tháng rưỡi, tính theo cách tính tháng thai sản thông thường. Ở giai đoạn này, cơ thể mẹ bầu cũng có nhiều nhiều thay đổi khác nhau, trong đó phải kể đến như sau:
- Bụng bầu: Lúc này, bụng bầu của bạn đã lộ rõ hơn do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Kích thước bụng bầu khi thai 18 tuần sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng, chiều cao, vóc dáng và số lần mang thai của mẹ. Tuy nhiên, bạn không nên so sánh kích thước bụng bầu của mình với người khác. Nếu lo lắng về kích thước bụng bầu quá to hoặc quá nhỏ, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
- Đau lưng: Tử cung phát triển khiến trọng tâm cơ thể thay đổi, phần lưng dưới bị kéo về phía trước và bụng bầu to ra dẫn đến tình trạng đau lưng. Ngoài ra, hormone thai kỳ relaxin cũng khiến các dây chằng, bao gồm cả dây chằng gắn xương chậu với cột sống và các khớp, giãn ra, góp phần gây đau lưng. Để giảm đau, mẹ bầu có thể kê cao chân khi ngồi, tắm nước ấm hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Ợ nóng: Ợ nóng là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn và tránh ăn quá no. Sau khi ăn, hãy ngồi thẳng thay vì nằm ngay, kê cao đầu khi ngủ và hạn chế thức ăn cay nóng.
- Vết rạn da: Khi mang thai 18 tuần, các mẹ bầu có thể bắt đầu xuất hiện các vết rạn da ở bụng và đùi. Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm có chứa rau má hoặc axit hyaluronic.
- Các triệu chứng khác: Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như chuột rút, đặc biệt là vào ban đêm, chảy máu nướu răng và phù chân.
Lời khuyên dành cho mẹ ở giai đoạn mang thai 18 tuần tuổi
Mờ mắt là triệu chứng phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là vào tuần thứ 18. Nguyên nhân chính là do thay đổi nội tiết tố thai kỳ, dẫn đến tăng lượng dịch trong mắt, khiến mắt bị mờ đi như nhìn qua sương mù, áp lực nội nhãn cũng có thể tăng cao trong giai đoạn này.
Do đó, mẹ bầu hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thị lực, dù là nhẹ. Khám mắt định kỳ theo hướng dẫn và kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Tuần 18 là một mốc quan trọng trong thai kỳ, đây là thời điểm mẹ bầu nên thực hiện các xét nghiệm quan trọng để theo dõi sức khỏe, bao gồm:
- Đo cân nặng và huyết áp.
- Kiểm tra nhịp tim và chỉ số sinh trắc.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Siêu âm thai.
- Xem bàn tay và bàn chân của mẹ bầu có bị sưng hay giãn tĩnh mạch hay không.
- Các triệu chứng thai kỳ mà mẹ bầu đang gặp phải, đặc biệt là những triệu chứng bất thường.
Tổng quan về sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 18
Ở giai đoạn này, mẹ cũng gặp một số vấn đề nhất định về sức khỏe và nên lưu ý những điểm quan trong sau để bảo vệ bản thân và thai nhi:
- Chất độc hại trong hải sản: Mẹ bầu hoàn toàn có thể thưởng thức cá và các loại hải sản khác một cách điều độ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số loại hải sản có thể chứa các chất độc hại như methyl thủy ngân, dioxin, PCBs (thường được sử dụng làm chất làm lạnh) và thuốc trừ sâu ở mức độ thấp. Việc tiêu thụ quá nhiều các chất độc hại này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi sau tuần thứ 18 của thai kỳ.
- Kiệt sức khi thai 18 tuần: Nếu mẹ bầu cảm thấy khó thở hoặc kiệt sức khi đang tập thể dục hoặc làm việc nhà, hãy ngừng hoạt động ngay lập tức. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi trong khi làm việc hoặc tập luyện để tránh quá tải.
- Giảm đau lưng khi mang thai tuần 18:
- Tránh ngồi quá một giờ mà không đứng dậy vận động hoặc nghỉ ngơi, tốt nhất nên di chuyển sau mỗi 30 phút ngồi để giảm thiểu nguy cơ đau lưng.
- Nếu công việc buộc mẹ bầu phải đứng nhiều, hãy sử dụng một chiếc ghế thấp để kê chân, giúp giảm áp lực lên vùng lưng. Khi đứng rửa chén hoặc nấu ăn trên bếp, hãy sử dụng thảm dày để giảm bớt lực tác động lên cơ thể.
- Nếu buộc phải nâng vật nặng, hãy thực hiện động tác thật chậm rãi. Khi nâng, hãy đứng hai chân rộng bằng vai để giữ thăng bằng, sau đó khuỵu gối thay vì cúi gập người. Sử dụng lực từ tay và chân thay vì cơ lưng. Nếu phải xách túi mua sắm nặng, hãy chia thành hai túi và xách ở hai bên tay.
Thai 18 tuần đánh dấu bước phát triển đáng kể khi bé đã hoàn thiện khá đầy đủ các bộ phận cơ thể và bắt đầu phản ứng với các tác động bên ngoài. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mẹ bầu cần chú ý nhất đến các vấn đề sức khỏe của bản thân và thai nhi, đảm bảo quá trình phát triển tốt nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.