Tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội. Do đó, việc áp dụng các cách tăng chiều cao tuổi dậy thì trong thời điểm này là vô cùng cần thiết. Hãy cùng Pharmacity khám phá những mẹo phát triển chiều cao hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Sự phát triển chiều cao trong giai đoạn dậy thì
Giai đoạn dậy thì của trẻ thường bắt đầu từ 10-14 tuổi ở nữ và từ 12-16 tuổi ở nam. Trong thời gian này, trẻ sẽ trải qua những thay đổi lớn về mặt tâm sinh lý và đặc biệt là sự phát triển rõ rệt về chiều cao.
Khi bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ có thể tăng từ 10-12cm mỗi năm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng hay tình trạng sức khỏe mà tốc độ phát triển chiều cao ở mỗi trẻ là khác nhau.
Sau khi kết thúc tuổi dậy thì, việc phát triển chiều cao của trẻ sẽ chậm lại và ngừng hẳn. Do đó, nếu bỏ qua thời điểm vàng này, trẻ sẽ rất khó có thể tăng chiều cao ở tuổi trưởng thành.
Gợi ý 8+ cách tăng chiều cao tuổi dậy thì hiệu quả
Dưới đây là các cách tăng chiều cao tuổi dậy thì mà ba mẹ nên khuyến khích trẻ áp dụng để có một chiều cao mơ ước.
Chú trọng chế độ dinh dưỡng khoa học
Một trong những cách tăng chiều cao ở tuổi dậy thì cho cả nam và nữ là xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối và lành mạnh. Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, trẻ cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết bao gồm 4 nhóm chính: chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, trẻ cũng cần chú trọng đến những dưỡng chất tốt cho sự phát triển chiều cao như Kẽm, Mangan, Phốt pho và đặc biệt là Protein. Một số thực phẩm giúp tăng chiều cao có thể kể đến như:
- Rau củ và trái cây giàu vitamin A, D, B1, B2, C như dưa hấu, xoài, chanh dây, đu đủ, bắp cải, súp lơ, khoai lang,…
- Thực phẩm giàu Protein có trong cá, thịt gà, trứng, thịt bò,…
- Thực phẩm chứa nhiều Canxi và Vitamin E bao gồm sữa chua, phô mai, sữa tươi,…
Cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong giai đoạn dậy thì
Tập luyện thể thao thường xuyên
Thường xuyên vận động thể chất góp phần kích thích cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng, từ đó hỗ trợ sự phát triển chiều cao tối đa. Mỗi ngày, trẻ nên dành khoảng 30 phút đến 1 giờ để tập luyện thể dục thể thao.
Có rất nhiều bộ môn thể thao có thể giúp tăng chiều cao hiệu quả trong tuổi dậy thì mà bạn có thể khuyến khích trẻ thử như bóng rổ, bơi lội, chạy bộ và hít xà đơn. Đặc biệt, yoga là một phương pháp tăng chiều cao rất hiệu quả nhờ vào các tư thế giúp kéo dài hệ xương khớp.
Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên
Ngủ đủ giấc
Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đầy đủ có tác động lớn đến sự tăng trưởng của cơ thể, đặc biệt là đối với chiều cao của trẻ trong độ tuổi dậy thì. Bởi vì khi ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng có lợi sự việc phát triển chiều cao.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng cách tăng chiều cao tuổi dậy thì hiệu quả là cần đảm bảo ngủ đủ giấc (từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày), ngủ sớm trước 22h và duy trì tư thế ngủ đúng.
Uống nhiều nước
Uống đủ nước không chỉ giúp thanh lọc cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa mà còn cung cấp năng lượng cho các hoạt động của xương khớp. Đồng thời, nó cũng giúp tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng để giúp phát triển chiều cao.
Trẻ từ 10 tuổi trở lên nên uống khoảng 2 – 2,.5 lít nước mỗi ngày, tương đương với lượng nước cần thiết của người lớn.
Chú ý đến tư thế
Bất kỳ tư thế nào như đi, đứng, ngồi hay nằm của trẻ đều có thể có tác động không tốt đến xương khớp, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Để ngăn ngừa các tình trạng đau lưng, đau cổ do sai tư thế, bạn cần chú ý như sau:
- Khi đi bộ: Đảm bảo lưng và đầu thẳng, vai thả lỏng, tránh mang quá nhiều đồ nặng.
- Khi đứng: Đôi chân đặt rộng bằng vai, đứng thẳng, tay buông lỏng, không để tay vào túi quần.
- Khi ngồi: Lưng thẳng, không tựa quá nhiều và tránh bắt chéo chân.. Điều chỉnh độ cao ghế cho chân đặt song song với sàn.
- Khi nằm: Sử dụng một chiếc đệm phù hợp để hỗ trợ lưng và cổ. Tư thế ngủ tốt nhất nên là nằm ngửa.
Luôn giữ cho tư thế ngồi đi đứng đúng cách để tránh ảnh hưởng đến xương sống
Kiểm soát cân nặng
Béo phì là yếu tố hàng đầu dẫn đến việc trẻ bị thấp bé hơn so với các bạn đồng trang lứa. Nếu cân nặng quá lớn sẽ tạo áp lực lớn, gây cản trở đến quá trình phát triển của xương.
Do đó, ba mẹ cần chú ý duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ dinh dưỡng cân đối và sinh hoạt lành mạnh cho trẻ vào độ tuổi dậy thì. Điều này không chỉ giúp cải thiện chiều cao mà còn ngăn ngừa các biến chứng do béo phì gây ra.
Tắm nắng
Tắm nắng là một trong những cách tăng chiều cao tuổi dậy thì hiệu quả được khuyến nghị. Thiếu vitamin D có thể làm giảm hấp thu Canxi trong cơ thể, từ đó gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và chậm phát triển ở trẻ trong độ tuổi dậy thì.
Thời điểm thích hợp để tắm nắng là từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Lưu ý không nên tắm nắng vào các thời điểm khác trong ngày vì lượng tia UV cao trong ánh nắng có thể gây hại cho da.
Tránh xa các chất gây cản trở phát triển chiều cao
Các loại thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, thức uống có gas hoặc các chất kích thích đều có thể cản trở sự hấp thu Canxi vào xương, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chiều cao. Vì vậy, ba mẹ cần giáo dục trẻ cần hạn chế ăn uống những loại thực phẩm này.
Một số lưu ý cần biết trong giai đoạn phát triển chiều cao
Bên cạnh các biện pháp cải thiện chiều cao nhanh chóng, trong giai đoạn dậy thì của trẻ ba mẹ cũng nên chú ý đến các vấn đề sau:
- Việc cải thiện chiều cao là một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ từ phía phụ huynh và trẻ.
- Áp dụng đa dạng các cách tăng chiều cao tuổi dậy thì như ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập luyện thể dục để đạt được kết quả tốt nhất.
- Thường xuyên lắng nghe và tương tác với con để cùng thống nhất thực hiện theo chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
- Mỗi trẻ đều có sự phát triển khác nhau, vì vậy ba mẹ cần tránh đặt quá nhiều áp lực và mong đợi vào trẻ.
- Tránh cho trẻ mặc quần áo quá chật để không ảnh hưởng đến lưu thông máu và chất lượng giấc ngủ.
- Cho trẻ đang trong giai đoạn dậy thì đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra và nhận được lời khuyên tốt nhất.
Việc áp dụng cách tăng chiều cao tuổi dậy thì trên đây góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển toàn diện cho trẻ. Do đó, ba mẹ cần kiên nhẫn hỗ trợ và chăm sóc để giúp trẻ phát triển tối ưu nhất trong giai đoạn quan trọng này.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.