Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm có diễn tiến phức tạp và thường bùng phát mạnh vào mùa xuân. Virus gây bệnh thường sẽ phát triển và lây lan nhanh chóng khi độ ẩm không khí tăng cao. Việc hiểu rõ về bệnh thủy đậu sẽ giúp bạn đưa ra biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn bệnh từ giai đoạn sớm khi mới phát hiện. Vậy mùa thủy đậu vào tháng mấy?
Tìm hiểu về các dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Tác nhân chính gây ra bệnh thủy đậu (Chicken Pox) là virus Varicella Zoster (VZV). Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và thường xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Kể từ năm 1970, các nhà khoa học đã nghiên cứu đã phát triển thành công vắc xin ngừa thủy đậu khiến số lượng ca mắc bệnh trên toàn cầu đã giảm đi đáng kể.

Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, biếng ăn và xuất hiện các nốt phát ban, mụn nước có chứa dịch lỏng gây ngứa ngáy, khó chịu. Ban đầu, mụn nước sẽ xuất hiện ở mặt, lưng và nhanh chóng lan khắp cơ thể. Mặc dù bệnh khá lành tính nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng. Chẳng hạn như viêm não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu có thể gặp phải một số biến chứng khác như zona thần kinh, viêm hạch lympho, viêm cơ tim, viêm tai giữa, viêm niêm mạc miệng, viêm mạch máu và viêm thanh quản do các nốt mụn nước mọc ở cổ.
Mùa thủy đậu vào tháng mấy?
Thủy đậu là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Theo thống kê, có đến 90% trường hợp mắc bệnh thủy đậu nằm trong khoảng từ 2 đến 7 tuổi.

Tại Việt Nam, bệnh thủy đậu thường xảy ra quanh năm và chủ yếu tăng cao vào mùa xuân. Vậy mùa thủy đậu vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 và đặc biệt tăng mạnh vào tháng 3, tháng 4. Vào thời điểm này, độ ẩm trong không khí tăng khá cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan trong cộng đồng.
Bệnh thủy đậu thường lây truyền qua đường nào?
Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng thông qua 3 con đường lây nhiễm chính bao gồm:
- Lây qua giọt bắn từ đường hô hấp: Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm virus VZV khi vô tình hít phải những giọt bắn từ người bệnh khi trò chuyện, hắt hơi hoặc sổ mũi. Nhóm trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị lây nhiễm do sức đề kháng yếu, trong khi mùa thủy đậu rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 cũng là thời gian đi học, phải tiếp xúc với nhiều người.
- Lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết trên vùng da tổn thương: Đây được coi là con đường lây lan nhanh và phổ biến nhất. Người khỏe mạnh có thể bị nhiễm virus khi vô tình đụng chạm, sờ vào nốt mụn nước bị vỡ, vết loét, vùng da tổn thương của người bệnh.
- Lây qua đồ vật cá nhân dùng chung: Việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, khăn tắm, điện thoại, laptop,… cũng làm cho người khỏe mạnh có nguy cơ lây nhiễm virus thủy đậu.
Cần làm gì trong mùa thủy đậu? Nếu bị bệnh thủy đậu phải làm sao?
Sau khi tìm hiểu mùa thủy đậu vào tháng mấy, bạn có thể chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả trong trong mùa thủy đậu bùng phát qua một số lưu ý sau:
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
Bệnh thủy đậu có thể lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết trên vùng da tổn thương. Vì vậy sau khi nhiễm virus, người bệnh cần phải tự cách ly 7 – 10 ngày trong môi trường thoáng khí và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh để tránh nguy cơ lây lan bệnh.

Giữ vệ sinh cơ thể
Trong thời gian khởi phát bệnh, các nốt mụn nước xuất hiện trên da có thể gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nếu không được chăm sóc cẩn thận và vệ sinh da đúng cách làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, nguyên tắc quan trọng khi điều trị bệnh thủy đậu là thường xuyên tắm gội, vệ sinh cơ thể với nước ấm để ngăn chặn sự lây lan của virus từ vùng da này sang vùng da khác.
Vệ sinh môi trường sống
Dọn dẹp và vệ sinh môi trường sống thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh. Ngay cả các vị trí như nắm cửa, lan can, tay nắm cầu thang cũng cần được sát khuẩn. Ngoài ra, các vật dụng cá nhân như quần áo, chăn mền, điện thoại, máy tính, khăn mặt,… cũng cần được làm sạch hàng ngày để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc khiến da bị nhiễm trùng.
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng đề kháng bệnh
Để giúp bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng, người bệnh cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng khoa học và hợp lý. Người bệnh nên ưu tiên ăn những thực phẩm dạng lỏng và dễ tiêu hóa như cháo đậu đỏ ý dĩ, cháo đậu xanh, soup,… Ngoài ra, các loại trái cây giàu vitamin C như bưởi, cam, ổi, chanh, dâu tây, đu đủ, kiwi,… để tăng cường đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu mụn nước xuất hiện trong miệng thì người bệnh cần hạn chế ăn các loại trái cây chua và nhiều vitamin C để tránh gây đau rát, khó chịu.

Ngoài ra, trong thời gian điều trị người bệnh cũng cần kiêng ăn một số thực phẩm như thịt bò, thịt gà, đồ ăn cay nóng, thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ nếp, sữa và chế phẩm từ sữa,…
Đến gặp bác sĩ khi có biểu hiện bất thường
Khi bị thủy đậu, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sốt trong khoảng 2 – 3 ngày. Nhưng nếu bị sốt cao kéo dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm (người lớn là trên 39.5 độ C và trẻ em là 39 độ C). Đi kèm với triệu chứng khó thở, co giật, lừ đừ thì cần được đưa đến các cơ sở y tế để được can thiệp điều trị kịp thời.
Chăm sóc điều trị theo hướng dẫn bác sĩ
Người mắc thủy đậu cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị và không tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả
Trẻ em và người lớn sau khi điều trị khỏi bệnh thủy đậu thì cơ thể sẽ có miễn dịch tự nhiên suốt đời. Hầu như rất hiếm có trường hợp bị nhiễm thủy đậu lần thứ hai. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin ngừa thủy đậu được xem là cách chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả và an toàn nhất, đặc biệt là đới với trẻ em. Vắc xin thủy đậu đã được chứng minh hiệu quả bảo vệ lên đến 95% sau khi tiêm phòng.
Vắc xin thủy đậu được khuyến nghị cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn chưa từng mắc bệnh trước đó. Lịch tiêm cụ thể như sau:
- Trẻ từ 1 tuổi – 12 tuổi: Tiêm 2 mũi thủy đậu, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 3 tháng. Với trẻ dưới 4 tuổi, nên tiêm mũi 1 khi đủ 12 tháng tuổi và mũi 2 khi trẻ được 4 – 6 tuổi.
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi thủy đậu, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng. Đối với phụ nữ, nên hoàn thành 2 mũi tiêm trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.

Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đã có đầy đủ các loại vắc xin thủy đậu thế hệ mới dành cho mọi lứa tuổi. Tất cả các loại vắc xin đều được nhập khẩu trực tiếp từ nhà sản xuất và được bảo quản trong kho lạnh chuẩn GSP Quốc tế, đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi đến tay khách hàng. Cùng đội ngũ y tế tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cũng được đào tạo chuyên môn bài bản và giàu kinh nghiệm chắc chắn sẽ mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Để được tư vấn về lịch tiêm chủng và đăng ký tiêm vắc xin thủy đậu, bạn có thể liên hệ qua tổng đài 1800 6928 hoặc đến trực tiếp Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc để đăng ký vắc xin trực tiếp nhé!
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được cho thắc mắc mùa thủy đậu vào tháng mấy nhé! Nhìn chung, thủy đậu là căn bệnh có khả năng lây lan rất cao trong cộng đồng và bệnh thường bùng phát mạnh từ tháng 2 đến tháng 6. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa từ sớm và tiêm vắc xin đúng lịch sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tối ưu nhất.
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.