Các bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa
Vào những ngày thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ có thể thay đổi đột ngột trong cùng một ngày, hệ hô hấp của con người trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi mạnh mẽ tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh dễ thâm nhập vào cơ thể, nhất là những người có hệ miễn dịch yếu như người già và trẻ em.
Các bệnh thường gặp nào?
Dưới đây là một số loại bệnh thường gặp vào những ngày thay đổi khí hậu, thời điểm giao mùa.
Bệnh cúm
Virus cúm thường lan truyền dễ dàng hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Điều này khiến cho hệ hô hấp của con người nhạy cảm hơn, gây ra các triệu chứng như: hắt hơi, ho, sổ mũi, nhức đầu,…
Đau nhức xương khớp
Áp suất khí quyển giảm xuống làm các mô nở ra tạo áp lực cho khớp, độ ẩm tăng góp phần gây nên sưng khớp. Đồng thời mạch máu bị co lại khi nhiệt độ giảm xuống khiến máu trong cơ thể lưu thông kém càng làm chân tay đau buốt, tê cứng.
Huyết áp và suy tim
Do thời tiết thay đổi quá đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi. Các mạch máu bị co lại làm tăng huyết áp, dễ xảy ra tai biến hay đột quỵ dẫn đến quá tải hệ thống tim mạch, thúc đẩy tình trạng suy tim hoặc truỵ tim mạch.
Viêm xoang
Độ ẩm không khí xuống thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng,…
Hen suyễn
Bệnh hen suyễn xảy ra quanh năm, nhưng khi thời tiết thay đổi (nóng lạnh đột ngột, mưa, ẩm ướt, nấm mốc phát triển) bệnh hen suyễn hay xuất hiện những cơn kịch phát.. Với người cao tuổi, bệnh sẽ nguy hiểm hơn nhiều do sức đề kháng kém và nhập viện do suy hô hấp.
Dị ứng da
Thời tiết thay đổi là nguyên nhân thường xuấn hiện nhiều bệnh ngoài da, ở bất cứ ai và bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy dị ứng da không gây nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và thẩm mỹ của người bệnh.
Cách phòng chống và chăm sóc khi bị bệnh
Để tránh các bệnh trên và bảo vệ sức khỏe khi giao mùa, mọi người cần làm thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng cường vận động, thể dục thể thao;
- Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nước thường xuyên;
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng;
- Vệ sinh nhà cửa, các bề mặt tiếp xúc;
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo giữ ấm cơ thể;
- Đeo khẩu trang khi tới nơi đông người;
- Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ.
Bổ sung vitamin tăng cường đề kháng phòng bệnh
Ngoài vận động thể dục thể thao, ăn uống đủ chất, giữ cơ thể luôn sạch sẽ, mỗi chúng ta nên cần cung cấp thêm những thực phẩm chứa nhiều vitamin cần thiết, nâng cao đề kháng, phòng bệnh cúm mùa.
Các loại vitamin tăng cường sức đề kháng
Khi cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt thì nguy cơ nhiễm bệnh ít hơn, hoặc nếu mắc bệnh sẽ khỏi nhanh hơn. Vì vậy, bạn nên bổ sung cho cơ thể những loại vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tăng hệ miễn dịch.
- Vitamin A: hỗ trợ hệ miễn dịch; giúp các mô liên kết khác duy trì chức năng như làn da, ruột, phổi, bàng quang và tai trong. Khi thiếu vitamin A, các biểu mô quá sản, sừng hóa, các tuyến giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ giảm đi.
- Vitamin C: chống oxy hóa, ngăn ngừa tổn thương tế bào, chống viêm và điều hòa miễn dịch. Thiếu vitamin C kéo theo sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, mạch máu dễ vỡ, da khô ráp, suy giảm khả năng đề kháng, dễ bị nhiễm trùng.
- Vitamin D: hỗ trợ tăng khả năng kháng virus, vi khuẩn, ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của virus. Cơ thể không được bảo vệ toàn diện, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da, mẩn ngứa,… hoặc có thể tạo điều kiện hình thành ổ viêm bên trong như bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp nếu thiếu vitamin D.
- Vitamin E: có tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, sự phân hóa của các tế bào. Cơ thể không đủ vitamin E sẽ gây ra các tổn thương tế bào võng mạc ở mắt, tế bào máu, nơ ron thần kinh, cơ, dẫn đến các bệnh lý thoái hóa võng mạc, thiếu máu, rối loạn thần kinh và cơ, suy giảm trí nhớ.
Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày
Các để nạp vitamin an toàn nhất là thông qua các bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh việc nạp năng lượng, thực phẩm tự nhiên là một nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể chúng ta.
- Vitamin A có nhiều trong các loại thực phẩm như: khoai lang, cà rốt, gan động vật, rau bina, bí ngô, bông cải xanh,…
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin C chủ yếu là các loại hoa quả, trái cây, rau tươi như: cam, chanh, cà chua, ổi, bông cải trắng, bưởi, kiwi, dâu tây,…
- Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể bạn đã tiếp nhận một lượng vitamin D tự nhiên đáng kể. Ngoài ra, vitamin D còn có trong các loại thực phẩm: gan cá, cá, lòng đỏ trứng, các loại sữa, ngũ cốc…
- Hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, quả bơ, dầu olive, cá hồi, tôm,…là những loại chứa nhiều vitamin E.
Bổ sung thực phẩm chức năng với vitamin và khoáng chất
Mặc dù chỉ cần đáp ứng một hàm lượng nhỏ, nhưng theo một nghiên cứu, chúng ta vẫn thiếu hụt vitamin và chất khoáng dù vẫn ăn uống đầy đủ. Vì vậy, việc sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung là cần thiết.
Hiện nay, trên thị trường cung cấp rất nhiều sản phẩm chức năng giúp mọi người bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, mọi người nên lựa chọn những sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, nên chọn điểm mua đảm bảo chất lượng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tư vấn chuyên môn bài viết: ThS. BS Nguyễn Hiền Minh – Giám đốc Y khoa
Bạn có thể xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh cúm khi thời tiết giao mùa
- Bệnh loãng xương và cách phòng ngừa ở đối tượng trẻ tuổi
- Suy giảm hệ miễn dịch: Dấu hiệu, nguyên nhân và giải pháp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.