Năm 2011 trên toàn quốc ghi nhận trên 7.200 ca mắc Rubella tại 59 tỉnh/thành phố, tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trên thực tế số mắc này còn cao hơn nhiều lần do nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ không đến các cơ sở y tế. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nắm được những thông tin bổ ích về bệnh rubella cũng như những biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Rubella và cách lây truyền của bệnh
Bệnh này do virus Rubella gây nên. Virus truyền từ người sang người khi có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng của người nhiễm bệnh. Đây là bệnh có tính lây nhiễm cao và rất dễ lây truyền cho người khác.
Một người đang mắc bệnh có thể truyền virus cho những người khác từ 1 tuần trước khi bắt đầu phát ban, cho đến 1 tuần sau khi hết phát ban bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm, khả năng lây nhiễm cao nhất là khi đang người bệnh phát ban. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng có thể truyền virus cho con thông qua nhau thai và gây dị tật bẩm sinh nặng nề cho bào thai (hội chứng Rubella bẩm sinh). Vì vậy, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý tránh để trẻ tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh.
Triệu chứng của bệnh Rubella ở trẻ
Thông thường, trẻ sẽ có thời gian ủ bệnh, tức là từ lúc tiếp xúc với virus gây bệnh cho đến lúc bắt đầu có triệu chứng là khoảng 2-3 tuần (12-23 ngày, trung bình 18 ngày). Ba mẹ cần lưu ý các triệu chứng này để biết cần làm gì khi trẻ bị sốt Rubella:
- Sốt: Trẻ thường sốt nhẹ, có thể bị ho sổ mũi, viêm kết mạc nhưng nhẹ hơn sởi. Ngoài ra, trẻ cũng có thể xuất hiện các hạch sưng to vùng cổ, sau tai hoặc dưới gáy (có thể kéo dài vài tuần). Các cơn sốt do Rubella gây ra thường kéo dài khoảng 3-4 ngày. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.
- Phát ban đỏ: vết hoặc nốt màu đỏ, dạng phẳng hoặc gồ lên mặt da, thường bắt đầu ở mặt và lan dần xuống phần dưới cơ thể, có thể xảy ra cùng lúc hoặc 1-5 ngày sau khi trẻ bắt đầu sốt, ban thường kéo dài 3-5 ngày, một số trường hợp không phát ban.
- Các triệu chứng khác của bệnh thường đi kèm là mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu. Trẻ có thể biếng ăn, hay quấy khóc, tiêu chảy nhẹ, mí mắt sưng nhẹ…
- Lưu ý là có 25-50% trường hợp nhiễm Rubella nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng gì.
Ba mẹ cần làm gì khi trẻ mắc bệnh rubella?
- Chú ý thường xuyên theo dõi nhiệt độ, cho uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38 độ C và đưa trẻ đi khám bác sĩ trong trường hợp sốt quá cao.
- Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, mềm (cháo, súp, sữa…) và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa.
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C nhằm đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.
- Hạn chế trẻ chạy nhảy, đùa giỡn. Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ bằng nước ấm mỗi ngày.
- Cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ và cách ly trẻ lành với trẻ bị rubella, tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai (đặc biệt là phụ nữ mang thai những tháng đầu của thai kỳ) nhằm tránh lây cho họ.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh rubella, biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm chủng. Do đó, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin ngừa rubella.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh Rubella ở trẻ em. Hi vọng, bài viết sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.