Viêm họng là một trong những bệnh về tai mũi họng hay gặp nhất ở nước ta. Do viêm họng rất phổ biến nên hầu hết trẻ em chỉ được đưa tới bệnh viện thăm khám khi viêm họng gây ho, sốt nhiều ngày hoặc biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi; người lớn thì chỉ tự điều trị bằng các phương pháp dân gian tại nhà. Chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời.
Tổng quan về bệnh viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc vùng hầu họng. Triệu chứng đặc trưng là cảm giác đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần, mà không để lại biến chứng gì. Đối với những trường hợp nặng, bệnh có thể gây viêm amidan. Bệnh có thể tồn tại ở dạng cấp tính hay mãn tính. Viêm họng xảy ra ở mọi đối tượng kể cả trẻ em hay người trưởng thành.
Nguyên nhân gây viêm họng thường gặp do tác động của vi khuẩn, virus hoặc do các yếu tố khác. Cụ thể:
- Virus: Theo điều tra y tế, 80% các ca họng bị tổn thương, viêm nhiễm là do virus. Những virus thường gây bệnh là: Cảm cúm, Adenovirus, Rhinovirus, sởi, ho gà…
- Vi khuẩn: Liên cầu, tụ cầu, phế cầu… đặc biệt là liên cầu tan huyết nhóm A. Liên cầu khuẩn gây viêm họng ở trẻ em chiếm 40% các ca bệnh.
- Do bệnh lý khác như: viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày, cảm lạnh, cảm cúm… cũng là tác nhân gây bệnh.
- Dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, hóa chất… có thể ảnh hưởng, kích thích và gây viêm đối với lớp niêm mạc họng .
- Khói bụi và chất kích thích: Khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc trong không khí xâm nhập vào họng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tích tụ và gây viêm.
- Không khí quá khô: Môi trường thiếu ẩm sẽ làm khô họng. Tình trạng khô họng kéo dài sẽ khiến họng bị ngứa, rát và tổn thương.
- Chấn thương ở họng do căng cơ họng quá nhiều có thể khiến dây thanh quản bị tổn thương. Do vậy những người phải nói nhiều, nói với âm lượng lớn dễ bị viêm họng hơn người bình thường.
Các triệu chứng của viêm họng cũng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, có thể gặp các dấu hiệu sau:
- Đau hoặc cảm giác ngứa trong cổ họng, đau trầm trọng hơn khi nuốt hoặc nói
- Khó nuốt
- Đau, sưng hạch ở cổ hoặc hàm
- Amidan sưng, đỏ
- Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan
- Giọng nói khàn hoặc nghẹt
Nhiễm trùng gây đau họng có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng khác, gồm:
- Sốt
- Ho
- Sổ mũi, hắt xì
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu
- Buồn nôn, nôn.
Viêm họng gây đau rát, khó chịu
Cách điều trị viêm họng tại nhà
Có thể áp dụng một vài phương pháp dưới đây để làm giảm triệu chứng khó chịu họng tức thời, nhất là những trường hợp viêm nhẹ, viêm do nhiễm virus:
- Súc miệng bằng nước muối ấm: có thể giúp làm dịu cổ họng ngứa ngáy. Muối kéo chất nhờn ra khỏi mô sưng, viêm và giúp giảm cảm giác khó chịu. Chỉ cần pha nửa thìa cà phê muối vào khoảng 250ml nước ấm và súc miệng nhiều lần trong ngày.
- Uống đủ nước: Khi bị mất nước, cơ thể không sản xuất đủ nước bọt và chất nhầy, khiến cổ họng bị khô, không được trơn tự nhiên; điều này càng làm nặng hơn tình trạng sưng tấy và viêm nhiễm.
Áp dụng 1 số mẹo dân gian bằng cách sử dụng những nguyên liệu có sẵn tại nhà như:
- Chữa đau họng bằng mật ong: Mật ong có tính kháng viêm, kháng khuẩn tốt. Đồng thời nguyên liệu này giúp làm dịu họng nhanh chóng. Người bệnh có thể dùng mật ong nguyên chất pha với nước ấm uống vào mỗi sáng hoặc ngậm mật ong chanh đào để trị viêm đau họng.
Mật ong hỗ trợ giảm đau họng hiệu quả
- Chữa viêm họng bằng tỏi: Dùng tép tỏi đã bóc sạch vỏ đập dập rồi hấp cách thủy cùng với mật ong khoảng 20 phút. Ăn cả nước và cái mỗi ngày 3 lần trước khi dùng bữa 15 phút giúp chữa viêm hiệu quả.
- Chữa viêm họng bằng lá tía tô: Lá này thường được sử dụng để nấu cháo hoặc hấp cách thủy cùng hoa đu đủ đực, hoa khế và đường phèn.
Dùng các loại thuốc không kê đơn:
- Viên ngậm trị đau họng: thường có chứa bạc hà hay một số tinh dầu khác giúp làm tê nhẹ các mô trong cổ họng, giảm bớt đau và bỏng rát.
- Siro ho: giúp cổ họng được bôi trơn, tuy nhiên hiệu quả làm dịu cơn đau họng sẽ không được lâu và hiệu quả như viên ngậm.
- Thuốc xịt: một số loại thuốc xịt họng có chứa thành phần từ thảo dược.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) không kê đơn như Ibuprofen hoặc Naproxen,…có thể làm giảm đau, giảm viêm và sưng tấy trong cổ họng.
- Tạo ẩm cho không khí: Hít thở trong không khí ẩm sẽ giúp làm dịu các mô sưng tấy trong mũi và cổ họng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm
- Xông hơi: Cho nước rất nóng chảy vào bồn rửa mặt hoặc nồi nước nóng. Trùm khăn lên đầu và ngả người vào bồn hoặc nồi nước để hít thở hơi nước. Tiếp tục hít thở sâu trong vài phút và lặp lại nếu cần để giảm đau họng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đối với trẻ nhỏ, cơn đau họng của con bạn lâu hơn một ngày thì bạn nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. Đặc biệt hãy đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế nếu có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng như:
- Khó thở
- Khó nuốt
- Chảy nước dãi bất thường, có thể cho thấy không có khả năng nuốt
Đối với người lớn, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau họng và bất kỳ vấn đề nào liên quan sau đây:
- Đau họng dữ dội hoặc kéo dài hơn một tuần
- Khó nuốt
- Khó thở
- Khó mở miệng
- Đau khớp
- Đau tai
- Phát ban
- Sốt cao hơn 38,5 độ C
- Máu trong nước bọt hoặc đờm của bạn
- Đau họng thường xuyên tái phát
- Một cục u trong cổ của bạn
- Khàn giọng kéo dài hơn hai tuần
- Sưng ở cổ hoặc mặt
Tóm lại, bệnh viêm họng có thể điều trị tại nhà với trường hợp nhẹ; trường hợp cơn đau họng của bạn không thuyên giảm mà trở nên tồi tệ hơn hoặc bạn đang bị sốt thì hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.