Tiểu đường là một bệnh lý về chuyển hóa có tỉ lệ mắc cao. Bệnh không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có thể mắc phải. Chế độ ăn, sinh hoạt và dùng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Đặc biệt đối với trẻ em, ngoài việc xây dựng chế độ ăn uống sinh hoạt còn cần sự giám sát, hỗ trợ từ người lớn.
Triệu chứng tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em
Tiểu đường tuýp 2 ngày càng phổ biến ở trẻ em đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên. Các triệu chứng tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em không phải lúc nào cũng rõ ràng và có thể mất một thời gian dài để bệnh phát triển. Đôi khi, bệnh không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh khác có biểu hiện tương tự.
Các triệu chứng có thể gặp như:
– Khát nhiều, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều: lượng đường trong máu cao buộc thận phải thích nghi bằng cách tăng thải đường qua đường tiểu khiến trẻ đi tiểu nhiều do vậy cũng sẽ khát nhiều và uống nhiều để đảm bảo lượng nước tuần hoàn.
– Đói nhiều, ăn nhiều, sụt cân, mệt mỏi: Do lượng đường không được sử dụng hiệu quả để sản sinh năng lượng nên trẻ đói nhiều, ăn nhiều nhưng lại không thể hấp thu tốt nên bị sụt cân nhanh (có thể sụt cân vài tuần đến vài tháng sau khi mắc bệnh) và mệt mỏi, uể oải.
– Các triệu chứng khác như: Nhìn mờ, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân, vết thương không lành, dễ nhiễm trùng, nhiễm nấm có thể đã là các biến chứng tiểu đường tuýp 2 gây ra ở trẻ.
Hai biểu hiện khá phổ biến ở trẻ là mệt nhiều và thay đổi cảm xúc do cơ thể không được khoẻ. Tuy nhiên để chẩn đoán được chính xác nhất, trẻ cần được thăm khám chuyên khoa tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 2
Về nguyên tắc, chế độ điều trị tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em và người lớn là như nhau. Tuy nhiên, do các vấn đề đặc thù về tâm lý và nhận thức mà việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng ở trẻ mắc tiểu đường tuýp 2 cần đi kèm với sự giám sát, đồng hành và giáo dục tốt của gia đình.
Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 do số lượng trẻ thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh. Do đó, kiểm soát cân nặng là một trong những điều kiện quan trọng trong cả phòng và điều trị bệnh. Cân nặng cần được giám sát, điều chỉnh thông qua cả chế độ ăn và tập luyện.
+ Đối với chế độ ăn:
– Tinh bột, đường: Các chất bột đường này sẽ chuyển hóa thành đường trong máu nhanh hơn những loại thực phẩm khác, dễ gây tăng đường huyết khó kiểm soát. Nên chọn ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, gạo hữu cơ giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ.
– Đạm và chất béo: dù không tác động trực tiếp lên mức đường trong máu nhưng dễ gây tích lũy, gây tăng cân béo phì, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn và dễ mắc các bệnh khác như rối loạn lipid, tăng huyết áp. Các thực phẩm chứa đạm nên được chọn là các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ; các loại hạt đậu/ cây họ đậu
– Sữa: là thực phẩm quan trọng bổ sung dưỡng chất đặc biệt là canxi cho sự phát triển ở trẻ. Tuy nhiên, đối với trẻ tiểu đường nên ưu tiên các loại sữa/ sữa chua/phô mai tách béo, ít đường.
– Chất xơ: bổ sung chất xơ hiệu quả từ rau củ. Nên ưu tiên các loại rau xanh vừa giàu chất xơ lại nhiều đạm và vi chất như các loại rau lá xanh: cải bó xôi, cải xoăn, bông cải trắng, dưa leo, măng tây; Tránh các loại rau củ nhiều tinh bột như khoai tây, ngô, củ cải đường.
Để kiểm soát mức đường huyết, lượng đường, đạm, chất béo trong khẩu phần ăn, kể cả bữa chính lẫn phụ đều cần được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt ở trẻ em, người lớn cần giám sát việc ăn vặt với các thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều chất béo; các loại bánh, kẹo nhiều đường mà hầu như mọi đứa trẻ đều yêu thích. Ngoài ra cần có sự thay đổi, đa dạng các loại thực phẩm để trẻ dễ ăn, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng cần thiết tránh việc mất cân đối các chất.
+ Đối với chế độ tập luyện:
Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các câu lạc bộ, môn thể thao như bơi lội, bóng đá, cầu lông, chạy bộ,… vừa giúp trẻ kiểm soát bệnh hiệu quả, tăng cường sức khỏe vừa giúp kết nối, giao lưu với nhiều bạn bè. Tuy nhiên cần lưu ý, nên cho trẻ ăn một bữa ăn nhẹ trước khi tập thể dục để giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu xuống thấp.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 2
Chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ là một việc không dễ dàng, đặc biệt là khi trẻ có mắc một căn bệnh nào đó như tiểu đường tuýp 2. Vai trò của bố mẹ và gia đình vì thế mà càng quan trọng hơn. Chế độ ăn và tập luyện hợp lý sẽ giúp trẻ mắc tiểu đường kiểm soát bệnh hiệu quả, không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống.
Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 2, cha mẹ và người thân cũng cần lưu ý thêm như:
– Hướng dẫn và tập cho trẻ cách tự đo đường huyết
– Luôn nhắc nhở trẻ tự ý thức về căn bệnh của mình: chế độ ăn, luyện tập, các triệu chứng xảy ra khi hạ đường huyết,… để trẻ chủ động trong chăm sóc chính mình.
– Nếu trẻ đi xa, người nhà cũng cần phải trao đổi với người quản lý để lưu ý về chế độ ăn của trẻ.
– Theo dõi, kiểm tra thường xuyên đường huyết cũng như thăm khám định kỳ cho trẻ để có những điều chỉnh thích hợp.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.