Tình trạng lạm dụng tình dục ở trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Nạn nhân bị lạm dụng tình dục có nguy cơ cao đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần. Làm thế nào để nhận diện hành vi lạm dụng tình dục? Bài viết dưới đây nhằm thông tin chi tiết tới người đọc.
Lạm dụng tình dục ở trẻ em là gì?
Lạm dụng tình dục (Sexual Abuse) là hành vi mang tính lạm dụng (lợi dụng) có liên quan đến tình dục của người này đối với người khác. Bất kỳ hành vi tình dục nào được thực hiện mà không được sự đồng ý hoặc hiểu rõ của đối phương đều được xem là lạm dụng tình dục.
Nếu những hành vi lạm dụng tình dục có kèm theo hành vi mang tính chất vũ lực (bạo lực), dù trong thời gian ngắn hay dài đều được xem là bạo lực tình dục. Các hành vi điển hình bao gồm: Chạm vào các vùng nhạy cảm trên cơ thể người khác, ép buộc người khác đụng chạm bộ phận sinh dục của mình, ép buộc người khác quan hệ tình dục, cưỡng hiếp.
Mặt khác, một số hành vi cũng có thể được xem là lạm dụng tình dục dù không có sự đụng chạm cơ thể. Chúng bao gồm:
- Nói chuyện, đùa giỡn về những chủ đề gợi ý tình dục
- Chia sẻ những hình ảnh, tin nhắn, phim khiêu dâm
- Khống chế và ép buộc người khác thủ dâm trước mặt đối tượng
- Phô dâm: Phơi bày bộ phận sinh dục trước mặt người khác.
Tổ chức Phòng chống Lạm dụng tình dục ở Trẻ em – PCA cho biết, lạm dụng tình dục được chia thành hai loại:
- Lạm dụng có hành vi đụng chạm (Touching): Chạm vào bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc ép nạn nhân chạm vào bộ phận sinh dục. Dùng dụng cụ hoặc bất kỳ đồ vật nào để chạm vào bộ phận sinh dục, vào miệng, vào hậu môn của nạn nhân để thỏa mãn.
- Lạm dụng không có hành vi đụng chạm (Non-touching): Chiếu phim khiêu dâm cho nạn nhân xem, chụp ảnh nạn nhân đang trong tư thế gợi dục, ép buộc nạn nhân thực hiện các hành vi tình dục cho đối tượng xem để thỏa mãn, cố ý để lộ bộ phận sinh dục của một người cho nạn nhân xem, quan sát nạn nhân cởi quần áo hoặc sử dụng phòng tắm, khuyến khích nạn nhân xem hoặc nghe các hành vi tình dục trực tiếp hoặc trên video.
Cách nhận biết trẻ bị lạm dụng tình dục
Trẻ có những hành vi bất thường.
Trẻ em bị xâm hại tình dục thường khó có giấc ngủ ngon, hay gặp ác mộng không rõ nguyên nhân. Trong cuộc sống, trẻ thường mất tập trung hoặc trở nên tách biệt.
Ngoài ra, trẻ bị xâm hại dễ giận dữ, sợ hãi hoặc dễ bị kích động khi tranh luận về chủ đề tình dục. Trẻ cũng nhạy cảm hơn khi nhìn thấy sách, tranh, truyện, phim về các hình ảnh tình dục hay bạo lực.
Trong một số trường hợp, trẻ em sẽ sợ hãi đi, gặp một người hoặc tới những địa điểm nhất định. Khi cha mẹ trò chuyện, trẻ sẽ xa lánh và ngại nói ra bí mật của mình. Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có nhiều đồ chơi mới người lạ tặng, thường nhắc đến người lạ bất thường, hay nói về chủ đề tình dục… rất có thể con đã bị xâm hại.
Những dấu vết trên cơ thể
Trẻ bị xâm hại tình dục thường để lại các dấu vết trên cơ thể như: Đau, đổi màu, chảy máu hoặc tiết dịch ở miệng, bộ phận sinh dục, hậu môn. Cha mẹ nên quan sát bộ phận sinh dục, hậu môn của trẻ có bị chảy máu, bầm tím hoặc đau dai dẳng hoặc đau khi đi vệ sinh không.
Ngoài ra, trẻ có thể bị những vết bầm, tím bất thường ở các vị trí kín đáo trên cơ thể như: bắp đùi, bắp tay, bụng, eo, tai…
Một số trẻ bị lạm dụng sẽ không cho cha mẹ tắm, thay quần áo giúp, phản ứng tiêu cực khi người thân chạm vào cơ thể… cha mẹ cần chú ý biểu hiện này để tâm sự, tìm hiểu vấn đề của con.
Cách phòng tránh lạm dụng tình dục ở trẻ
Dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể
Việc đầu tiên bố mẹ cần làm để dạy trẻ phòng chống xâm hại chính là hướng dẫn cho con biết về cơ thể của mình, đặc biệt là vùng kín của trẻ. Bố mẹ nên bắt đầu việc này càng sớm càng tốt, khi trẻ được 3 tuổi cho tới khi trẻ lớn hơn. Với trẻ con nhỏ, bố mẹ chưa cần giải thích quá kỹ mà nên bắt đầu dạy trẻ nhớ tên các bộ phận trên cơ thể. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể dạy chuyên sâu về khu vực vùng kín, hướng dẫn cho trẻ bảo vệ khu vực này cũng như cách vệ sinh cá nhân. Đồng thời, bố mẹ cần căn dặn trẻ rằng không ai được phép nhìn hay sờ chạm vào những bộ phận này, ngoại trừ bố mẹ khi tắm cho trẻ và bác sĩ khi khám bệnh với sự có mặt của bố mẹ.
Dạy trẻ về ranh giới cá nhân
Hãy dạy cho trẻ biết về ranh giới cá nhân và vùng nhạy cảm trên cơ thể. Và điều quan trọng nhất chính là: không ai được phép sờ chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ, và ngược lại, con cũng không được phép đụng chạm vào bộ phận sinh dục của người khác.
Khuyến khích trẻ kể về hoạt động hằng ngày
Trẻ nhỏ còn ngây thơ và ít cảnh giác, thế nên không phải trẻ nào cũng đủ nhận thức để biết được tình huống nào là nguy hiểm. Thế nhưng việc đe dọa trẻ bằng cách đưa ra một loạt ví dụ về xâm hại tình dục sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy khó hiểu và sợ hãi.
Thay vào đó, bố mẹ hãy gần gũi trẻ, thường xuyên tâm sự về các hoạt động hằng ngày của con. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành niềm tin ở bố mẹ và có thói quen tâm sự thoải mái về bất kỳ chủ đề nào trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến cho những lời đe dọa của kẻ xấu trở nên vô ích (kẻ xấu thường dọa và cấm trẻ kể lại chuyện này cho bất cứ ai, khiến người thân của trẻ không nắm được sự việc).
Kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm
Trẻ nhỏ thường có tâm lý ngại từ chối người khác, đặc biệt là với bạn bè hoặc những người hơn tuổi vì sợ bị ghét, sợ bị cô lập và tâm lý non yếu, dễ hoảng sợ khi bị người khác dọa nạt. Tất cả những yếu tố đó khiến trẻ trở thành đối tượng lý tưởng cho kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại. Vì lý do này, bố mẹ nên dạy trẻ cách phản ứng, giao tiếp phù hợp để có thể thoát khỏi các tình huống bất lợi. Bố mẹ có thể đưa ra các tình huống giả định và hỏi xem cách xử lý của trẻ là gì, sau đó hãy hướng dẫn cho con cách xử lý tốt nhất.
Dạy trẻ đề cao cảnh giác cả với những người thân thiết
Hãy cho trẻ biết rằng bất cứ nơi đâu cũng đều có thể xảy ra nguy hiểm: tại sân chơi, ở trường học, công viên,… và bất cứ ai cũng có thể là kẻ xấu như: hàng xóm, họ hàng xa, bạn bè… Vì vậy, con cần cảnh giác với những người có biểu hiện, hành vi không đứng đắn và không tôn trọng con.
Dặn trẻ tuyệt đối không giữ bí mật với bố mẹ khi bị đe doạ
Trẻ nhỏ biết rất rõ kẻ xâm hại mình là ai, thế nhưng kẻ xấu thường đe dọa trẻ với nhiều lý do, khiến cho trẻ sợ, lo lắng và giữ im lặng về chuyện này. Vì vậy, bố mẹ cần làm công tác tư tưởng cho bé, thường xuyên tâm sự và hỏi thăm bé về các hoạt động hằng ngày để tạo niềm tin vững chắc cho con. Đồng thời hãy nhắn nhủ con rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh bảo vệ và giúp đỡ con, không bao giờ trách mắng hay trừng phạt con vì những điều mà con gặp phải. Đặc biệt, nếu con bị người xấu đe dọa, khiến con sợ hãi, hãy nói với bố mẹ để bố mẹ có thể bảo vệ con.
Bên cạnh đó, bố mẹ và trẻ cũng nên tạo ra những ám hiệu riêng để sử dụng trong những tình huống bất an, điều này đặc biệt hiệu quả và khiến trẻ cảm thấy an tâm hơn khi kẻ xấu lại chính là những người thân thuộc với gia đình. Bố mẹ cũng cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ để nắm bắt tình hình, bởi đôi khi trẻ quá khép mình và sẽ không chủ động chia sẻ nếu bị xâm hại. Bố mẹ nên đặc biệt cảnh giác nếu trẻ đột nhiên tỏ ra hoảng sợ khi bị người nào đó chạm vào người, không muốn tiếp xúc và muốn tránh xa những người trước đây trẻ vô cùng yêu mến.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.