Bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral Artery Disease – PAD) là tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn các động mạch, thường gặp ở chi dưới, dẫn đến giảm lưu lượng máu. Bệnh thường do xơ vữa động mạch, một quá trình tích tụ mảng bám trong lòng động mạch, gây cản trở dòng máu. PAD có thể gây ra các triệu chứng như đau cách hồi (claudication) khi đi bộ hoặc đau khi nghỉ ngơi trong các trường hợp nặng.
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là một tình trạng phổ biến trong đó các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cơ quan thường là cánh tay hoặc chân.
Bệnh động mạch ngoại biên thường là dấu hiệu của sự tích tụ chất béo trong động mạch (xơ vữa động mạch). Tỉnh trạng xơ vữa động mạch gây hẹp các động mạch có thể làm giảm lưu lượng máu ở chân và đôi khi là cánh tay.
PAD nhẹ có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể gây các cơn đau cách hồi.
PAD nặng có thể gây đau khi nghỉ ngơi đi kèm loạn dưỡng da, tím tái, thiếu máu nuôi gây loét và hoại tử.
Phân loại động mạch ngoại biên
Có 2 loại động mạch chức năng hơi khác nhau nhưng đều có vai trò chung là mang máu giàu oxy từ tim đến nuôi cơ quan.
- Động mạch đàn hồi: Kích thước lớn hơn, loại này nằm gần tim, cấu tạo có nhiều mô đàn hồi, ví dụ như động mạch chủ bụng, động mạch phổi…
- Động mạch cơ: những động mạch nhỏ hơn, cấu tạo thành động mạch nhiều cơ trơn hơn, giúp điều chỉnh lưu lượng máu đến các cơ quan.Ví dụ: Động mạch đùi, động mạch quay, động mạch cánh tay…
Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch ngoại biên
Nguyên nhân bệnh động mạch ngoại biên xảy ra chủ yếu là sự xơ vữa mạch máu. Mảng xơ vữa hình thành bởi sự tích tụ chelosterol xấu trên thành động mạch từ đó làm giảm lưu lượng máu qua các động mạch.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch trên khắp cơ thể. Khi nó xảy ra trong các động mạch cung cấp máu cho các chi, nó gây ra bệnh động mạch ngoại biên.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Viêm mạch máu
- Chấn thương cánh tay hoặc chân
- Thay đổi cơ bắp hoặc dây chằng
- Tiếp xúc với bức xạ
Hút thuốc hoặc mắc bệnh tiểu đường làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh động mạch ngoại biên. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc PAD sớm hơn 10 năm so với người bình thường. Ở bệnh nhân tiểu đường, lớp nội mạc mạch máu cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng cholesterol vào thành mạch.
Những thứ khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên bao gồm:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hoặc đột quỵ
- Huyết áp cao: Áp lực trong thành mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng các chất mỡ vào thành mạch.
- Cholesterol cao
- Nồng độ cao của một axit amin gọi là homocysteine, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành
- Người cao tuổi, đặc biệt là sau 65 (hoặc sau 50 nếu bạn có các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch)
- Béo phì (chỉ số cơ thể BMI > 30)
- Lối sống ít vận động: Hoạt thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nó cũng làm tăng độ dài quãng đường mà người bị bệnh động mạch ngoại biên có thể đi mà không bị đau chân. Chương trình tập luyện thể lực có giám sát là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên.
Bệnh động mạch ngoại biên còn là một chỉ báo quan trọng có thể bạn đang mắc các bệnh tim mạch khác đi kèm nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Kết luận
Bệnh động mạch ngoại biên là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về bệnh, nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn duy trì một cuộc sống khỏe mạnh. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết để có những biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.