Chấn thương sọ não là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và diễn biến phức tạp với nhiều mức độ khác nhau, trong đó chấn thương sọ não nặng là chấn thương nguy hiểm nhất. Vậy những ai dễ bị chấn thương sọ não nhất và phòng tránh như thế nào? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
Chấn thương sọ não nặng là gì?
Chấn thương sọ não được định nghĩa là một tác động lên đầu hoặc chấn thương xuyên qua sọ gây phá vỡ chức năng bình thường của não bộ. Chấn thương sọ não có thể xảy ra khi đầu bị va chạm đột ngột và mạnh vào một vật hoặc khi một vật đâm xuyên qua hộp sọ và đi vào mô não.
Triệu chứng của chấn thương sọ não có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương não. Các trường hợp nhẹ có thể gây ra thay đổi ít về tình trạng tâm thần hoặc ý thức. Trong khi các ca nặng có thể gây ra mất ý thức kéo dài, hôn mê, hoặc thậm chí tử vong.
Nguyên nhân chính gây chấn thương sọ não là do:
- Tai nạn giao thông
- Té ngã
- Tai nạn lao động
- Tai nạn bất cẩn trong sinh hoạt hay thể thao
Ảnh hưởng của chấn thương sọ não nặng
Với chấn thương sọ não mức độ nặng, bệnh nhân thường hôn mê sâu, cần phải điều trị tích cực và chăm sóc lâu dài kết hợp phục hồi chức năng.
Ảnh hưởng của chấn thương sọ não rất đa dạng và sẽ ảnh hưởng đến hầu như tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của một bệnh nhân. Bệnh nhân tình trạng càng nặng thì các ảnh hưởng càng rộng và lâu dài đến bệnh nhân. Các ảnh hưởng lâu dài của chấn thương não có thể bao gồm:
- Đau đầu kéo dài
- Mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ
- Buồn nôn
- Khó nói và nghe
- Giảm tốc độ suy nghĩ
- Giảm tập trung, chú ý
- Rối loạn trí nhớ
- Rối loạn thăng bằng
- Hay cáu gắt
- Tăng cảm giác lo âu, phiền muộn
- Suy giảm tình dục, rối loạn nội tiết
- Cảm xúc thay đổi thất thường
Chấn thương sọ não gây ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống
Các đối tượng có nguy cơ mắc chấn thương sọ não
Những người có nguy cơ chấn thương sọ não cao nhất bao gồm:
- Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh đến 4 tuổi
- Thanh niên, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi
- Người lớn từ 60 tuổi trở lên
- Nam giới ở mọi lứa tuổi
Tỉ lệ cao người già bị chấn thương sọ não
Phòng tránh chấn thương sọ não như thế nào?
Một số cách phòng tránh chấn thương sọ não như:
- Thắt dây an toàn và trang bị xe có túi khí. Luôn luôn thắt dây an toàn trong xe. Nếu có trẻ nhỏ trong xe, thì trẻ luôn được ở ghế sau của xe và đảm bảo trẻ được ngồi trong ghế dành riêng cho trẻ em hoặc ghế nâng phù hợp với kích thước và trọng lượng của trẻ.
- Không sử dụng rượu và ma túy khi lái xe.
- Không lái xe khi bị ảnh hưởng của thuốc, kể cả thuốc theo toa có thể làm giảm khả năng lái xe.
- Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, ván trượt, xe máy, xe trượt tuyết hoặc xe địa hình. Ngoài ra, khi tham gia các môn thể thao cũng nên mặc đồ bảo vệ đầu và các phần của cơ thể như chơi bóng chày, trượt tuyết, trượt băng, trượt tuyết hoặc cưỡi ngựa.
Với đối tượng người cao tuổi, cần lưu ý:
- Lắp đặt tay vịn trong phòng tắm
- Đặt tấm thảm không thấm nước trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen
- Lắp đặt tay vịn ở hai bên cầu thang
- Đảm bảo ánh sáng trong nhà
- Giữ cầu thang và sàn nhà không lộn xộn hay có các vật gây dễ trượt chân
- Kiểm tra thị lực thường xuyên
- Tập thể dục thường xuyên
Với đối tượng là trẻ em, cần lưu ý:
- Lắp đặt cổng an toàn ở đầu cầu thang, tránh trẻ nhỏ tự ý chạy/bò lên cầu thang
- Dọn dẹp cầu thang, tránh không có các vật gây dễ trượt chân
- Có tấm bảo vệ ở cửa sổ để ngăn ngừa té ngã
- Đặt tấm thảm không thấm nước trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen
- Không cho trẻ chơi một mình ở ban công mà không có người lớn
Tóm lại, chấn thương sọ não dù nhẹ hay nặng thì cũng có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, thậm chí vĩnh viễn, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và dẫn đến tử vong. Do đó, khi bị va đập ở vùng đầu, không nên chủ quan mà nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.