Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung dùng để mô tả sự suy giảm trong các chức năng nhận thức, chẳng hạn như trí nhớ, suy nghĩ và ngôn ngữ. Nó đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Sa sút trí tuệ không phải là một bệnh cụ thể, mà là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Bệnh này không chỉ tác động xấu đến thể chất, tâm lý xã hội và kinh tế của người bị sa sút trí tuệ mà còn cả với những người chăm sóc họ.
Mặc dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhiều hơn, song bệnh này lại không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà còn là hậu quả một số yếu tố bệnh tật. Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất và có thể chiếm 60-70% các trường hợp.
Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do béo phì và tăng huyết áp ở tuổi trung niên; huyết áp thấp ở người cao tuổi; đái tháo đường; nhồi máu não đa ổ; tăng mỡ máu; thói quen uống rượu hoặc/và dùng chất kích thích; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ; trầm cảm…
Các biểu hiện có thể do sa sút trí tuệ
Các triệu chứng sa sút trí tuệ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Thay đổi nhận thức
- Mất trí nhớ, thường được ghi nhận bởi người khác
- Khó giao tiếp hoặc tìm từ để giao tiếp
- Suy giảm chức năng thị giác-không gian, chẳng hạn như bị lạc trong khi lái xe
- Khó khăn biện luận hoặc giải quyết vấn đề
- Khó xử lý các nhiệm vụ phức tạp
- Khó khăn với việc lập kế hoạch và tổ chức
- Khó khăn với sự phối hợp chức năng vận động
- Nhầm lẫn và mất phương hướng
- Thay đổi tâm lý
- Thay đổi tính cách
- Phiền muộn
- Lo âu
- Co các hành vi không phù hợp, không như bình thường
- Chứng hoang tưởng
- Kích động
- Ảo giác.
Hay quên có phải đang bị sa sút trí tuệ không?
Nhiều người lo lắng về việc trở nên hay quên. Họ cho rằng hay quên là dấu hiệu đầu tiên của bệnh sa sút trí tuệ. Nhưng không phải tất cả những người có vấn đề về trí nhớ đều mắc bệnh sa sút trí tuệ. Các nguyên nhân khác gây ra vấn đề về trí nhớ có thể bao gồm lão hóa, tình trạng bệnh lý, vấn đề về cảm xúc, suy giảm nhận thức nhẹ hoặc một loại mất trí nhớ khác.
Sự quên lãng có thể là một phần bình thường của quá trình lão hóa.
Khi con người già đi, những thay đổi xảy ra ở tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả não. Kết quả là, một số người có thể nhận thấy rằng họ mất nhiều thời gian hơn để học những điều mới, họ không nhớ thông tin tốt như trước hoặc họ đánh mất những thứ như kính.
Đây thường là dấu hiệu của chứng hay quên nhẹ chứ không phải vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ như bệnh Alzheimer – loại sa sút trí tuệ phổ biến nhất.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.