Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện âm thầm và tiến triển chậm, bao gồm khát nước nhiều, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, và vết thương khó lành. Nhận biết sớm các triệu chứng này giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh mạn tính phổ biến trên toàn thế giới, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Qua bài này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Tiểu đường tuýp 2 là một loại bệnh mà cơ thể thường có đủ insulin, nhưng không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc insulin không hoạt động đúng cách. Bệnh thường phát triển ở người trưởng thành, đặc biệt là ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi (trên 40 tuổi).
Để hiểu rõ hơn, insulin là hormone giúp di chuyển glucose từ máu vào các tế bào trong cơ thể, nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng. Tuy nhiên, ở người mắc tiểu đường tuýp 2, tế bào trong cơ thể không phản ứng với insulin như bình thường. Ở các giai đoạn tiến triển của bệnh, cơ thể cũng có thể không sản xuất đủ insulin. Khi cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc không sản xuất đủ insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2
Tuyến tụy đảm nhận vai trò tạo ra hormone insulin. Insulin giúp các tế bào chuyển chất bột đường (glucose) từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo thành năng lượng.
Thế nhưng, ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 này, dù cơ thể tạo ra insulin nhưng các tế bào lại không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Để tránh lượng đường bị tồn đọng trong máu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để giải quyết glucose đang “tồn kho” để đưa vào tế bào. Đến một thời điểm, khi tuyến tụy không thể sản xuất số lượng insulin đều đặn được nữa thì glucose không được tạo thành năng lượng sẽ tích tụ trong máu và gây bệnh. Dưới đây là những yếu tố thúc đẩy và kết hợp để tạo ra nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2:
- Yếu tố di truyền, tiền sử gia đình
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: chế độ ăn uống tăng tinh bột, giảm chất xơ gây dư thừa năng lượng, ít vận động thể chất
- Tuổi tác cao trên 40 tuổi
- Huyết áp cao
- Stress, căng thẳng
- Người bị chứng béo phì, thừa cân, lối sống thiếu hoạt động có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2
- Người từng bị đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ cao
- Người có rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, hay tăng acid uric, đái tháo đường đều có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2
Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra từ từ. Có thể phải mất nhiều năm mới phát hiện được bệnh, đa phần bệnh thường được phát hiện tình cờ, có thể khi bệnh nhân đi thăm khám khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường bao gồm:
- Ăn nhiều
- Uống nhiều (hay khát nước)
- Tiểu nhiều (do đường trong nước tiểu cao, gây lợi niệu thẩm thấu)
- Gầy nhiều (gầy sút cân): bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường có thể trạng béo, nhưng khi có triệu chứng tăng đường huyết không kiểm soát, hoặc tiểu đường mới phát hiện, có thể có giai đoạn sụt cân không rõ lý do.
Triệu chứng khi có biến chứng
Biến chứng cấp tính
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu: là biến chứng cấp tính, thường gặp ở tiểu đường tuýp 2 (tuýp 1 hay gặp nhiễm toan ceton). Biểu hiện yếu, mệt mỏi, khát nước, khô da, chuột rút, mạch nhanh, tụt huyết áp (dấu hiệu mất nước), rối loạn ý thức (lơ mơ, ngủ gà, hôn mê). Tình trạng này tiến triển từ từ trong vài ngày đến vài tuần. Biến chứng này cần phải điều trị cấp cứu.
Biến chứng mạn tính
- Nhìn mờ (do biến chứng võng mạc, đục thủy tinh thể)
- Đau ngực thường không điển hình (do biến chứng mạch vành)
- Tê bì dị cảm ở bàn chân (biến chứng thần kinh)
- Loét, nhiễm trùng bàn chân
- Đầy bụng, chậm tiêu, nuốt khó (biến chứng thần kinh tự động gây liệt dạ dày, thực quản)
- Đau cách hồi chi dưới (đau khi đi lại, đỡ khi nghỉ, do biến chứng mạch máu). Ngoài đau chân còn có, teo cơ, da khô, chi lạnh, mạch bắt yếu. Nặng hơn có thể gây ra hoại tử khô các ngón chân, nguy cơ phải tháo ngón, cắt cụt.
Chẩn đoán sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu nhất của bệnh tiểu đường tuýp 2. Cách tốt nhất để phát hiện bệnh tiểu đường sớm là kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.