Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương vùng vai thường xảy ra do ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chấn thương thể thao. Lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp với các mức độ khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về triệu chứng và các mức độ trật khớp cùng đòn.
Tổng quan chung
Trật khớp cùng đòn là tình trạng chấn thương vùng vai, xảy ra do ngã đập vai xuống nền cứng hoặc chấn thương thể thao. Lực tác động vào phía ngoài xương đòn dẫn đến trật khớp với các mức độ khác nhau. Ở mức độ trung bình và nhẹ làm cho các dây chằng liên quan căng giãn hoặc đứt một phần. Ở mức độ nặng làm cho các dây chằng néo giữ xương đòn xuống dưới bị đứt, đầu ngoài xương đòn bị bật lên, khi đó có thể thấy da phía ngoài nhô lên.
Tùy thuộc theo mức độ tổn thương và độ lệch dây chằng, trật khớp cùng vai đòn được chia thành các mức độ như sau:
- Độ I: Người bệnh bị giãn dây chằng cùng đòn, không có trật khớp;
- Độ II: Người bệnh bị giãn dây chằng quạ đòn, đứt dây chằng cùng đòn;
- Độ III: Người bệnh bị đứt dây chằng quạ đòn và khớp cùng đòn trật hoàn toàn;
- Độ IV: Người bệnh bị trật đầu ngoài xương đòn vào trong, ra sau hoặc xuyên qua cơ thang;
- Độ V: Đầu ngoài xương đòn của người bệnh bị di lệch lên trên rất nhiều;
- Độ VI: Phần xương đòn của người bệnh bị đi lệch xuống dưới mỏm quạ hoặc mỏm cùng vai. Lúc này khoảng gian quạ – đòn thu hẹp so với bên vai lành.
Triệu chứng
Tương tự như các chấn thương trật khớp khác, người bị sai khớp cùng đòn có thể gặp các triệu chứng bao gồm:
- Đau và hạn chế vận động khớp vai: Cơn đau thường xuất hiện ngay sau khi bị chấn thương và có thể lan tỏa ra khắp vai và cánh tay.
- Biến dạng vai: Vai bên chấn thương xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai;
- Dấu hiệu phím đàn: Dễ dàng ấn xương đòn về vị trí ban đầu, nhưng khi bỏ tay ra đầu ngoài xương đòn lại nhô lên;
- Phần vai chấn thương bị sưng, bầm tím, đau đớn: Vùng vai có thể sưng và xuất hiện bầm tím do mạch máu bị tổn thương.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào như nêu trên, người bệnh cần được thăm khám để chẩn đoán chính xác bệnh lý, từ đó điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh những biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
Nguyên nhân
Trật khớp cùng đòn xảy ra do té ngã khiến vai bị va đập. Chấn thương có thể xảy ra trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Chấn thương trực tiếp: Va đập mạnh vào vai, thường xảy ra trong các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, hoặc trong tai nạn giao thông.
- Ngã: Ngã đập vai xuống đất hoặc lên bề mặt cứng.
- Tác động mạnh: Các tác động mạnh từ các hoạt động hàng ngày hoặc lao động nặng cũng có thể gây ra trật khớp .
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao bị trật khớp cùng đòn bao gồm:
- Vận động viên: Đặc biệt là những người chơi các môn thể thao có tính đối kháng cao.
- Người lao động nặng: Những người thường xuyên phải nâng, đẩy hoặc kéo các vật nặng.
- Người già: Xương và khớp của người già yếu hơn, dễ bị tổn thương hơn.
- Người đã từng bị chấn thương vai: Tiền sử chấn thương vai làm tăng nguy cơ bị trật khớp cùng đòn.
Chẩn đoán
Các bác sĩ thường chẩn đoán trật khớp cùng đòn bằng phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể:
Chẩn đoán lâm sàng dựa trên triệu chứng bệnh
Kiểm tra trực tiếp vai để đánh giá mức độ tổn thương.
Chẩn đoán cận lâm sàng – hình ảnh trật khớp cùng đòn
- X quang trật khớp cùng đòn: Chụp X-quang khớp vai trước – sau, chụp nghiêng tư thế hình chữ Y hoặc chụp nghiêng tiếp tuyến với khớp cùng đòn 10 – 15° sẽ giúp chẩn đoán xác định và phân loại trật khớp cùng đòn. Trường hợp trên lâm sàng nghi ngờ trật khớp cùng đòn nhưng hình ảnh trật khớp cùng đòn Xquang thông thường không thấy tổn thương thì sẽ phải chụp lại bằng cách yêu cầu người bệnh cầm vật nặng trên tay để kiểm tra khớp cùng đòn khi không cầm vật nặng, đồng thời so sánh với bên đối diện. Đặc điểm trật khớp cùng đòn trên X-quang: Phù nề phần mềm, khớp cùng đòn bị rộng, bất đối xứng so với bên đối diện.
- CT và MRI: Hiếm khi được chỉ định cho các trường hợp trật khớp cùng vai đòn. Các bác sĩ sẽ chỉ định nếu trên lâm sàng và X-quang hình ảnh khớp cùng đòn không chẩn đoán được hoặc trật khớp đi kèm tổn thương khác như rách chóp xoay hoặc mất vững khớp vai,…
- Trong trường hợp chỉ định điều trị, người bệnh sẽ cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác như: Ion đồ, tổng phân tích tế bào ngoại vi, sinh hóa, nước tiểu hoặc xét nghiệm tiền phẫu,..
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa chấn thương trật khớp cùng đòn, trong sinh hoạt thường ngày bạn cần lưu ý:
- Khởi động kỹ trước khi vận động: Đặc biệt là trước khi tham gia các hoạt động thể thao.
- Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, đúng cách;
- Tham gia giao thông có ý thức, đúng luật, đi lại cẩn thận;
- Tham gia tuyên truyền, giáo dục về luật giao thông và lao động để mọi người có thể tự bảo vệ bản thân;
- Tìm hiểu cách sơ cứu tại chỗ cơ bản các trường hợp chấn thương.
Khi gặp bất kỳ khó khăn hay trường hợp khẩn cấp nào, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn cụ thể.
Điều trị như thế nào?
Điều trị trật khớp cùng đòn vai được thực hiện theo hai phương pháp chính là phẫu thuật và điều trị bảo tồn.
Phương pháp điều trị bảo tồn
Được chỉ định ở người bệnh tổn thương mức độ I, II và người bệnh mức độ III ít vận động. Phương pháp này được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau:
- Chườm đá, nghỉ ngơi.
- Mang áo Desault hỗ trợ hoặc đeo túi treo tay từ 4 – 6 tuần.
- Tập phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ: 4 – 6 tuần đầu tập tầm vận động thụ động khớp vai, tiếp theo là tập tầm vận động chủ động và tăng sức cơ.
Phương pháp phẫu thuật
Được chỉ định ở người bệnh trẻ tuổi tổn thương mức độ III có nhu cầu vận động nhiều và những trường hợp nặng hơn ở mức độ IV, V, VI. Phương pháp này được thực hiện thông qua các kỹ thuật sau:
- Cố định khớp cùng đòn: Phương pháp phẫu thuật cố định khớp cùng đòn sử dụng các dụng cụ kết hợp như nẹp móc, chỉ thép, đinh Krischner.
- Cố định xương đòn vào mỏm quạ bằng phẫu thuật.
- Tái tạo dây chằng quạ đòn bằng phẫu thuật sử dụng gân đồng loại hoặc gân tự thân, dây chằng quạ cùng được chuyển thành dây chằng quạ đòn.
- Kỹ thuật nội soi cố định quạ – đòn.
Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
- Người bệnh được sử dụng các thuốc giảm đau, kháng sinh và kháng viêm.
- Hỗ trợ bất động bằng đeo túi treo tay hoặc mang áo Desault tùy thuộc vào độ vững của khớp đánh giá sau mổ và phương pháp thực hiện phẫu thuật.
- Người bệnh được hướng dẫn tập phục hồi chức năng sớm nhất có thể để tránh biến chứng hạn chế vận động khớp vai về sau.
Tóm lại, trật khớp cùng vai đòn xảy ra do nguyên nhân té ngã va đập vào vai. Triệu chứng ban đầu của trật khớp cùng đòn là đau đớn, bầm tím, sưng ở bên vai bị chấn thương, khớp xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm vai… Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng như trên thì cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Điều trị kịp thời, dứt điểm sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.