Viêm khớp tự miễn gây ra nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, khiến đau nhức, cứng khớp và hạn chế vận động. Vậy viêm khớp tự miễn là gì? Triệu chứng, nguyên nhân ra sao? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bệnh tự miễn (Autoimmune Disease) là bệnh lý về hệ miễn dịch của cơ thể không thể nhận biết và phân biệt được các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây ảnh hưởng bên ngoài. Có thể hiểu là, các kháng nguyên trong cơ thể nhầm lẫn và tấn công các cơ quan bên trong cơ thể. Khi có tác nhân gây hại bên ngoài như virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể lại không được ngăn chặn nên sẽ tấn công các cơ quan.
Viêm khớp tự miễn là bệnh lý của hệ thống xương khớp liên quan đến những phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể. Căn bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng thường ở độ tuổi từ 20-40 tuổi. Cấp độ phát triển của bệnh sẽ ứng với cấp độ từ nhẹ đến nặng và phức tạp, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong các bệnh về xương khớp tự miễn, bệnh viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp (RA) là hai bệnh phổ biến nhất.
Triệu chứng
Triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tuy nhiên một số triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là:
- Giai đoạn đầu có thể có mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Giai đoạn toàn phát: sốt dai dẳng, đau mỏi toàn thân, đau đầu.
- Đau các khớp xương, đau cơ,…
- Sưng nóng ở các khớp, tràn dịch khớp,…
Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh tự miễn ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều trường hợp xương khớp biến dạng cong vẹo hoặc phì đại, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm và đi lại của người bệnh, thậm chí có nguy cơ tàn phế suốt đời và có những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân
Các tế bào trong hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố có hại. Ví dụ như vi khuẩn, virus, chất độc, tế bào ung thư, máu và mô từ bên ngoài cơ thể. Những chất này có chứa kháng nguyên. Hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại các kháng nguyên cho phép nó tiêu diệt các tác nhân gây hại này. Khi một người bị rối loạn tự miễn dịch, hệ miễn dịch của người đó sẽ không phân biệt được giữa mô khỏe mạnh và các kháng nguyên có khả năng gây hại. Kết quả là cơ thể bắt đầu phản ứng phá hủy các mô bình thường.
Nguyên nhân chính xác của rối loạn tự miễn dịch vẫn chưa được biết. Một giả thuyết cho rằng một số vi sinh vật (chẳng hạn như vi khuẩn hoặc virus) hoặc thuốc có thể gây ra những thay đổi khiến hệ miễn dịch “bối rối”. Điều này có thể xảy ra thường xuyên hơn ở những người có gen khiến họ dễ mắc các rối loạn tự miễn dịch.
Đối tượng nguy cơ
Các bệnh lý viêm khớp tự miễn thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, từ 35 tuổi trở đi. Trong đó một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Do di truyền: Các nghiên cứu cho thấy bố mẹ, ông bà có tiền sử mắc các bệnh viêm khớp tự miễn thì có khả năng cao sẽ di truyền lại cho con cháu. Tỷ lệ mắc bệnh ở các đối tượng này cao gấp 2 đến 3 lần so với những người khác.
- Nhiễm vi khuẩn, virus: Các virus như viêm gan B, C, influenzae, khuẩn cầu e.coli, chlamydia làm suy yếu và rối loạn hệ thống miễn dịch, do đó sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp tự miễn.
- Môi trường sống và làm việc ô nhiễm: Những người có công việc đặc thù, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại như thủy ngân, chì, thuốc trừ sâu, các chất tẩy rửa, hoặc môi trường sống và làm việc ở nơi có độ ẩm cao, trú ngụ nhiều vi khuẩn gây bệnh có thể tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch gây biến đổi và rối loạn hệ thống này.
- Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, lối sống không lành mạnh: Các bữa ăn thiếu khoa học, nạp nhiều chất béo, ít vitamin, đi kèm cùng thói quen lười vận động sẽ khiến cơ thể yếu dần, không có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh, sẵn sàng chống lại bệnh. Bên cạnh đó thói quen sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích cũng là yếu tố lớn hủy hoại hệ miễn dịch.
Chẩn đoán
Các bệnh tự miễn dịch có xu hướng có các triệu chứng giống với các bệnh khác nên việc chẩn đoán có thể khó khăn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Ví dụ, không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán cụ thể viêm khớp dạng thấp. Thay vào đó, bác sĩ cần chẩn đoán thông qua các triệu chứng do người bệnh khai báo, khám lâm sàng và xét nghiệm y tế, bao gồm:
- Xét nghiệm yếu tố thấp khớp (RF).
- Xét nghiệm định lượng kháng thể kháng peptide citrullinated dạng vòng.
- Công thức máu.
- Tốc độ máu lắng và protein phản ứng C (CRP).
- Tia X.
- Siêu âm.
- Quét MRI.
Người bệnh có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bằng cách cung cấp đầy đủ bệnh sử cùng với các triệu chứng mình đang mắc phải.
Phòng ngừa bệnh
Những biến chứng của viêm khớp tự miễn có thể gây ra ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng tránh bệnh rất quan trọng, dưới đây là cách phòng ngừa bệnh viêm khớp tự miễn hiệu quả và đơn giản nhất.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Quan tâm đến chế độ ăn hằng ngày, bổ sung các loại dưỡng chất từ nhiều nhóm thực phẩm khác nhau.
- Luyện tập thể dục thể thao: Việc tập luyện sẽ tăng cường sức khoẻ, tăng sự linh hoạt và dẻo dai của các khớp. Nên tập luyện từ 30-60 phút mỗi ngày, lựa chọn bộ môn phù hợp với sức khỏe, tránh vận động quá sức và gây chấn thương.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe. Nếu phát hiện và điều trị bệnh từ sớm sẽ giảm thiểu tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị như thế nào?
Dựa vào từng loại viêm khớp tự miễn, mức độ phát triển, triệu chứng lâm sàng và tình trạng sức khoẻ của người bệnh mà bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị hợp lý. Có hai phương pháp điều trị viêm khớp tự miễn chính là:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống viêm khớp, thuốc ức chế miễn, truyền globulin miễn dịch,….
- Thay đổi thói quen sống: Thực hiện lối sống khoa học, hạn chế vận động trước khi kiểm soát được viêm.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm khớp tự miễn:
- Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thiếu khoa học không chỉ làm các phương pháp điều trị mất hiệu quả mà còn khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người bệnh viêm khớp tự miễn cần duy trì thói quen ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và tốt cho hệ cơ xương khớp, đồng thời tránh xa những thực phẩm có hại cho cơ quan này.
- Các thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm khớp tự miễn gồm thực phẩm nhiều acid béo omega 3, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, lúa mì, bông cải xanh, các sản phẩm từ sữa và trái cây giàu vitamin C…
- Người bệnh viêm khớp tự miễn cần tránh thức uống chứa cồn, đồ ăn nhanh, các loại thịt đỏ, hải sản, thịt gà, nội tạng động vật… vì càng khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Trên đây là những chia sẻ về viêm khớp tự miễn hi vọng giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp tự miễn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.