Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm tại 1 hoặc cả 2 khớp nối giữa xương cùng và khung chậu. Bệnh lý này có thể gây đau ở vùng mông hoặc vùng lưng dưới và lan dài xuống một hoặc cả hai chân. Vậy viêm khớp cùng chậu là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm khớp cùng chậu là thuật ngữ Y khoa chỉ tình trạng viêm xảy ra tại vị trí nối giữa xương cùng và khung xương chậu ở vùng hông của cơ thể.
Trong đa số các trường hợp viêm khớp cùng chậu thường được nhận định như là một phần của tình trạng viêm cột sống. Theo đó, các bệnh lý thuộc nhóm này được gọi là “bệnh thoái hóa đốt sống”, bao gồm các tình trạng như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến và viêm khớp phản ứng.
Ngoài ra, viêm khớp cùng chậu đôi khi cũng là một thuật ngữ được sử dụng thay thế cho thuật ngữ rối loạn chức năng khớp cùng chậu. Bởi lẽ, về mặt tiếp cận theo triệu chứng lâm sàng, cả hai tình trạng này đều bắt đầu bằng cơn đau bắt nguồn từ khớp cùng chậu tương tự nhau. Đồng thời, cả viêm khớp cùng chậu hay rối loạn chức năng khớp xương cùng cũng đều là nguyên nhân phổ biến của đau tại vùng thắt lưng cùng và đau lan xuống chân.
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa viêm khớp cùng chậu và rối loạn chức năng khớp xương cùng là nằm ở sự hiện diện của phản ứng viêm luôn có sự hiện diện trong viêm khớp cùng chậu; trong khi đó, rối loạn chức năng khớp xương cùng có thể do viêm hay không do viêm, là do các cử động bất thường ở khớp xương cùng hoặc cử động quá nhiều hoặc bất động trong thời gian dài.
Triệu chứng
Các cơn đau khớp cùng chậu thường xảy ra nhất ở vùng cột sống thắt lưng, mông và lưng dưới. Một số trường hợp ít hơn, cơn đau cũng có thể ảnh hưởng đến chân, háng và thậm chí cả bàn chân.
Ngoài ra, dấu hiệu viêm khớp cùng chậu còn thể hiện qua:
- Tình trạng cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh đứng lâu, dồn trọng lực sang một bên chân, đi lên cầu thang, chạy bộ, bước những bước dài, xoay hông …
- Khi ngồi hoặc đứng lâu, đôi chân xuất hiện tình trạng tê cứng
- Chân khó co, gập, duỗi, khoanh tròn
- Dáng đi thay đổi, khả năng vận động hạn chế do bị đau
- Vùng khớp bị viêm có biểu hiện sưng bóng, đỏ đau, rát buốt
- Ở thai phụ, cơn đau diễn ra trầm trọng ở mọi tư thế
- Sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng khớp cùng chậu
- Đôi khi có sốt nhẹ
Cảm giác đau do viêm khớp cùng chậu cũng rất đa dạng. Người bệnh có thể đau rất dữ dội như có vật nhọn đâm vào hoặc âm ỉ, nhức buốt.
Nguyên nhân
Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới viêm khớp cùng chậu nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là:
- Thoái hóa: Tuổi càng cao thì càng có nguy cơ cao mắc các bệnh về xương khớp, trong đó bao gồm viêm khớp cùng chậu. Do đó, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này.
- Chấn thương: Không chỉ người già mà những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng viêm khớp cùng chậu do chấn thương khi đang chơi thể thao, trong sinh hoạt hàng ngày hoặc khi đang tham gia giao thông,… Những chấn thương này có thể gây tác động lên khớp xương cùng chậu và những dây chằng xung quanh và cuối cùng gây ra tình trạng viêm.
- Viêm khớp: Một số loại bệnh viêm khớp có thể kể đến như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến,… chính là nguyên nhân dẫn tới đứt dây chằng, bào mòn và hư hại khớp cột sống, bao gồm khớp cùng chậu.
- Mang thai: Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi về nội tiết tố. Khi nội tiết tố thay đổi, các cơ và dây chằng của xương chậu có thể giãn ra, từ đó khiến cho các khớp cùng chậu lỏng lẻo hơn bình thường. Đồng thời, tình trạng tăng cân khi mang thai cũng góp phần tạo thêm áp lực cho khớp cùng chậu. Chính vì thế, khớp này dễ bị hư mòn và viêm.
- Nhiễm trùng cũng có thể gây viêm khớp cùng chậu, chẳng hạn như tình trạng nhiễm khuẩn dây chằng, viêm túi thừa sinh mủ do khuẩn Staphylococcus aureus, viêm phụ khoa, viêm đại tràng,…
- Ngoài ra những trường hợp bị bệnh Gout, Lupus ban đỏ,… cũng có nguy cơ bị viêm khớp cùng chậu cao hơn những đối tượng khác.
Đối tượng nguy cơ
Thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Những người bị viêm đại tràng, viêm vùng kín, đang trong kỳ kinh nguyệt nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ gây nhiễm khuẩn, sẽ lan sang vùng xương chậu dẫn đến bệnh viêm khớp cùng chậu.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe để xác định vị trí cơn đau bằng cách ấn vào hông hoặc mông. Bác sĩ cũng có thể di chuyển chân của người bệnh sang nhiều hướng khác nhau để xác định các khớp xương bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể trao đối với người bệnh về tiền sử bệnh, bao gồm các rối loạn hoặc tình trạng viêm nhiễm trước đây.
Để chẩn đoán xác định tình trạng viêm khớp cùng, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Kiểm tra vận động: Trong quá trình kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện nhiều chuyển động thể chất khác nhau để xác định vị trí của cơn đau.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được thực hiện để tìm kiếm và xác định dấu hiệu viêm trong cơ thế.
- Kiểm tra hình ảnh: Chụp X – quang, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI có thế được chi định nếu bác sĩ nghi ngờ các chấn thương dẫn đến viêm khớp cùng chậu. Ngoài ra, xét nghiệm hình ảnh cũng được thực hiện để xác định những thay đổi bên trong khớp xương cùng.
- Tiêm steroid: Tiêm steroid vào khớp xương cùng có thể giảm đau, nếu sau khi tiêm thuốc cơn đau được cải thiện, thì nguyên nhân có thể liên quan đến khớp xương cùng. Tuy nhiên biện pháp này có thể gây ảnh hưởng đến các cấu trúc lân cận và giảm tính chính xác khi chẩn đoán.
Phòng ngừa bệnh
Khớp cùng chậu là bộ phận quan trọng, chịu áp lực lớn từ phần trên cơ thể khi hoạt động. Có thể bảo vệ khớp này bằng cách:
- Chú ý an toàn khi điều khiển các phương tiện giao thông.
- Có bảo hộ khi chơi thể thao.
- Thực hiện đầy đủ các bài khởi động trước khi tập thể dục.
- Điều trị kịp thời các bệnh lý về cơ xương khớp (nếu có).
- Không bê đồ quá nặng, hạn chế làm việc quá sức.
- Chú ý an toàn khi chạy, leo cầu thang.
- Phụ nữ mang thai không nên vận động mạnh, theo dõi sức khỏe thường xuyên, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Điều trị như thế nào?
Điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc
- Ở giai đoạn đau cấp, mức độ đau nhiều, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi. Ở giai đoạn bệnh đỡ đau cần các bài tập thể dục để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh co cơ cũng như các tư thế xấu sau này.
- Đến điều trị tại bệnh viện có phòng khám chuyên khoa cơ xương khớp, bệnh nhân sẽ được chiếu tia hồng ngoại hoặc sóng ngắn tại vùng khớp cùng chậu ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút. Ngoài ra, người bị viêm khớp cùng chậu có thể kết hợp massage, chườm ấm hoặc lạnh ở vùng đau.
Điều trị bằng biện pháp dùng thuốc
- Người bị viêm khớp cùng chậu thường được chỉ định dùng các kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc tốt nhất là theo kháng sinh đồ. Điều trị triệu chứng cần dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau. Ở giai đoạn lui bệnh, bệnh nhân cần tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để duy trì các chức năng vận động của cột sống.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp cùng chậu.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.