Gai xương là một bệnh lý về xương khớp được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mấu xương nhỏ mọc thêm ra từ cột sống hay đầu xương. Tùy theo vị trí hình thành gai mà bệnh được chia thành các loại như gai cột sống, gai khớp gối hay gai gót chân. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về gai xương.
Tổng quan chung gai xương
Gai xương là các mấu xương nhỏ, cứng phát triển nhô ra từ các đầu xương. Vị trí hình thành gai chủ yếu là những khu vực từng bị chấn thương. Khi xương bị tổn thương, cơ thể sẽ tăng cường canxi để bù đắp, sửa chữa. Các tinh thể canxi tích tụ quá nhiều tại một điểm sẽ hình thành nên gai xương.
Các mấu xương thường phát triển trong thời gian dài và hầu hết không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu. Cho đến khi gai xương mọc dài hơn, chúng có thể gây đau, tê cứng hoặc giới hạn phạm vi chuyển động tại khu vực bị ảnh hưởng. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng còn phụ thuộc vào vị trí có gai xương.
Gai xương chủ yếu hình thành ở các khớp nối của xương. Thường gặp nhất là các vị trí như cột sống, khớp bàn tay, hông, đầu gối hay gót chân. Các vận động viên thể thao, người lao động nặng nhọc, người trên 60 tuổi hoặc có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ chiếm tỷ lệ mắc bệnh gai xương nhiều hơn cả.
Trong nhiều trường hợp, bệnh gai xương không cần phải điều trị. Phương pháp khắc phục được lựa chọn còn tùy thuộc vào vị trí xương có gai cũng như các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.
Triệu chứng gai xương
Ở giai đoạn đầu, mấu gai mới hình thành và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán căn bệnh khác.
Một số bệnh nhân bị gai xương có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Đau ở vị trí có mấu xương do gai xương ma sát với phần mềm xung quanh. Người bệnh có thể bị đau nhói, đau âm ỉ hay đau dữ dội. Cảm giác đau tăng mạnh khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
- Có cảm giác tê, yếu ở khu vực bị ảnh hưởng.
- Gai xương có thể chèn ép vào dây thần kinh gây đau nhiều, tê, ngứa ran, yếu liệt các chi hoặc đi lại vận động khó khăn.
Các triệu chứng của gai xương tiến triển chậm theo thời gian và thường có khuynh hướng nghiêm trọng hơn khi người bệnh thực hiện các hoạt động mạnh tác động đến vùng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gai xương
Chấn thương hoặc viêm xương khớp là những nguyên nhân phổ biến gây gai xương. Khi gặp phải tình trạng trên, cơ thể sẽ tăng cường canxi đến vùng ảnh hưởng nhằm cố gắng chữa lành tổn thương nên mới dẫn đến sự xuất hiện của các mấu xương dư thừa và nhô hẳn ra ngoài.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai xương, bao gồm:
- Bị viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm dây chằng, thoái hóa cột sống hay bệnh thoát vị đĩa đệm
- Có tiền sử bị gai xương trong gia đình
- Lớn tuổi: Càng lớn tuổi, nguy cơ bị gai xương càng cao do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Có khuyết tật bẩm sinh ở xương khớp
- Bị hẹp ống sống hoặc cột sống
- Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của xương khớp ( chẳng hạn như canxi hay vitamin D).
- Thừa cân, béo phì làm gia tăng áp lực lên các khớp xương, khiến chúng dễ bị tổn thương và hình thành gai
- Hoạt động lặp đi lặp lại ở khớp liên tục, lao động nặng nhọc hoặc hoạt động sai tư thế dẫn đến chấn thương, tạo điều kiện cho mấu xương phát triển.
Đối tượng nguy cơ
Hầu hết trường hợp, gai xương chủ yếu hình thành ở người cao tuổi, đặc biệt là từ 60 trở lên. Mặc dù vậy, bởi vì nhiều nguyên nhân, yếu tố khác nhau mà trong nhiều năm qua, ngay cả người trẻ tuổi cũng có khả năng gặp phải vấn đề này.
Chẩn đoán
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc gai xương, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám, trao đổi về tiền sử mắc bệnh, các chấn thương về xương khớp hay chế độ ăn uống, nghề nghiệp nhằm chẩn đoán sơ bộ về bệnh gai xương cũng như nguyên nhân gây bệnh.
Để đưa ra kết luận chính xác về bệnh gai xương, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm như:
- Khám lâm sàng: Bệnh nhân được yêu cầu thực hiện một số cử động tại vùng bị ảnh hưởng nhằm đánh giá phạm vi chuyển động và kiểm tra chức năng thần kinh. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng tay ấn vào vùng tổn thương nhằm tìm kiếm vị trí đau. Ở một số nơi, gai xương lớn có thể lồi ra ngoài như cục u và sờ thấy được.
- Chụp X-quang hay CT scan: Hình ảnh trên phim chụp X-quang có thể cho thấy được hình ảnh gai xương và những sự thay đổi trong cấu trúc giải phẫu của xương. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn giúp phát hiện ra những nguyên nhân gây gai xương như thoái hóa khớp, viêm khớp…
- Chụp MRI: Phương pháp chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh chi tiết về các mô mềm như rễ thần kinh, đĩa đệm cột sống, sụn hay hệ thống gân, cơ và dây chằng.
- Điện cơ đồ: Một số bệnh nhân được chỉ định đo điện cơ (EMG). Phương pháp này giúp đánh giá mức độ tổn thương thần kinh do ảnh hưởng của gai xương.
Phòng ngừa bệnh gai xương
Để giảm thiểu cơn đau và các triệu chứng khó chịu liên quan đến gai xương, người bệnh cần lưu ý:
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trong những ngày bị đau nặng
- Tránh thực hiện các hoạt động thể chất tác động quá mạnh lên vùng có gai xương
- Giảm cân có thể giúp giải phóng áp lực cho xương khớp, cột sống và dây thần kinh, đồng thời xoa dịu cơn đau nhờ vào việc giảm áp lực ma sát giữa gai xương với phần mềm xung quanh. Vì vậy, các bệnh nhân đang thừa cân, béo phì nên có kế hoạch giảm cân càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có phương pháp giảm cân khoa học, tránh nhịn ăn khiến cơ thể bị thiếu dưỡng chất và làm xương khớp suy yếu.
- Ngừng hút thuốc lá và kiêng uống các chất kích thích như bia, rượu, cà phê
- Hạn chế ăn đồ béo, đường. Bổ sung thêm rau xanh và các thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn để xương khớp cứng cáp và nhanh chóng chữa lành tổn thương.
- Vận động, chơi thể thao đúng tư thế để hạn chế tổn thương cho các khớp xương
- Tập thể dục hàng ngày để cải thiện thể chất,giúp xương khớp vận động linh hoạt hơn, đồng thời hạn chế được sự phát triển của gai xương.
Điều trị gai xương như thế nào?
Gai xương nếu không gây đau thì không cần phải can thiệp bằng y tế. Các phương pháp điều trị thường chỉ được tiến hành khi người bệnh có triệu chứng rõ ràng.
Những sự lựa chọn trong điều trị gai xương bao gồm:
Điều trị nội khoa
Các phương pháp nội khoa được thực hiện nhằm mục đích bảo tồn cấu trúc của xương khớp, giảm hiện tượng viêm đau cho người bệnh, đồng thời giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh nếu có.
- Dùng thuốc kê đơn:
- Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, Naproxen hay Acetaminophen… Chúng có tác dụng giảm đau nhanh, giúp cải thiện tình trạng sưng viêm ở khu vực bị ảnh hưởng.
- Thuốc giãn cơ: Giúp giảm hiện tượng co thắt ở các cơ, qua đó cải thiện tính linh hoạt của khớp khi cử động và giúp người bệnh bớt đau. Thường được chỉ định là thuốc Cyclobenzaprine hay Tizanidine…
- Thuốc kháng sinh: Dùng cho các trường hợp bị gai xương có liên quan đến nhiễm trùng ở xương khớp.
- Thuốc tiêm: Một số bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm thuốc vào cột sống để giảm viêm đau và phục hồi tổn thương do gai cột sống gây ra.
- Vật lý trị liệu
Bệnh nhân được điều trị bằng nhiều phương pháp như tập luyện, nhiệt trị liệu, châm cứu, bấm huyệt hay chiếu đèn hồng ngoại… Chúng có tác dụng giảm đau, kích thích lưu thông máu đến khu vực tổn thương, giảm sưng viêm, giải phóng áp lực cho dây thần kinh và phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.
- Chỉnh hình cột sống
Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân có bất thường về cột sống dẫn đến gai xương. Khi tiến hành, bác sĩ hay chuyên gia vật lý trị liệu sẽ dùng tay hay sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ tác động vào vùng cần chỉnh hình để phục hồi cấu trúc bình thường cho cột sống. Điều này có thể giúp làm tăng khả năng vận động cho người bệnh và giảm sự chèn ép cũng như những kích thích lên dây thần kinh.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật ít khi được chỉ định để điều trị gai xương. Tuy nhiên, một số trường hợp cần thiết phải làm phẫu thuật nếu:
- Gai xương chèn ép nghiêm trọng vào dây thần kinh, tủy sống
- Bệnh nhân bị đau đớn nhiều
- Mất khả năng vận động và có nguy cơ bị liệt, tàn phế nếu không được phẫu thuật.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.