Đau đùi dị cảm là một tình trạng rối loạn đặc trưng bởi cảm giác ngứa ran, tê và đau rát ở mặt ngoài của đùi. Rối loạn xảy ra khi dây thần kinh bì đùi ngoài bị chèn ép khi đi ra khỏi xương chậu. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ cải thiện khi thay đổi lối sống hoặc thậm chí có thể tự khỏi bằng cách mặc quần áo rộng rãi hơn và giảm cân. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về đau đùi dị cảm.
Tổng quan chung đau đùi dị cảm
Đau đùi dị cảm (meralgia paresthetica) là cảm giác xuất hiện khi dây thần kinh bì đùi ngoài bị chèn ép gây ra các triệu chứng đặc trưng gồm ngứa ran, đau châm chích, tê bì đùi và cảm giác nóng rát ở má đùi ngoài.
Dây thần kinh bì đùi ngoài giúp bạn cảm nhận được các cảm giác kích thích vùng da ở mặt ngoài đùi. Do đó, khi dây thần kinh này bị chèn ép, chịu áp lực do sưng, chấn thương sẽ gây ra đau, tê liệt hoặc rối loạn chức năng.
Triệu chứng đau đùi dị cảm
Khi dây thần kinh bì đùi ngoài bị chèn ép, bạn sẽ có một số triệu chứng mà thường được gọi là dị cảm, gồm:
- Đau nhói, cảm giác châm chích và tê ở má ngoài của đùi
- Đau nóng rát trên bề mặt da má ngoài đùi
- Cơn đau đùi có thể lan xuống phía ngoài đầu gối, cơn đau ở vùng háng có khi lan xuống mông
Những triệu chứng này thường xảy ra ở một bên cơ thể và có thể cảm nhận rõ rệt hơn sau khi đi, đứng trong thời gian dài hay chạm, ma sát nhẹ vào đùi.
Nguyên nhân đau đùi dị cảm
Như đã đề cập, tình trạng này xảy ra do dây thần kinh bì đùi ngoài bị chèn ép. Đây là dây thần kinh giúp dẫn truyền tín hiệu mang lại cảm giác cho bạn, không ảnh hưởng đến khả năng vận động các cơ bắp chân.
Dây thần kinh này có thể bị kẹt dưới dây chằng bẹn chạy dọc theo háng, từ phần bụng đến đùi trên.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chèn ép thần kinh này có thể là bất kỳ điều gì gây tăng áp lực lên vùng háng, như:
- Mặc quần áo bó sát, như đeo thắt lưng, áo nịt và quần bó sát
- Thừa cân, béo phì
- Đeo đai quanh hông mang những dụng cụ nặng
- Mang thai
- Có mô sẹo gần dây chằng bẹn do chấn thương hoặc phẫu thuật trước đây
- Chấn thương dây thần kinh, có thể do bệnh đái tháo đường hoặc chấn thương trong tai nạn xe
- Độ dài của hai chân không đều nhau
Đối tượng nguy cơ đau đùi dị cảm
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này là: Thừa cân, béo phì. Trọng lượng cơ thể quá lớn có thể làm tăng áp lực lên trên dây thần kinh bì đùi ngoài. Mang thai. Thai nhi phát triển trong bụng sẽ làm tăng áp lực lên các bộ phận khác, bao gồm cả dây thần kinh ở đùi. Bệnh đái tháo đường. Tổn thương thần kinh liên quan đến đái tháo đường có thể gây ra đau đùi dị cảm.
Chẩn đoán đau đùi dị cảm
Hầu hết trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bạn bị đau đùi dị cảm dựa vào tiền sử bệnh và quá trình thăm khám sức khỏe. Họ sẽ kiểm tra cảm giác đau ở bên đùi có dị cảm, yêu cầu bạn mô tả cơn đau và theo dõi vùng bị tê, đau nhói ở đùi. Các kiểm tra bổ sung như kiểm tra sức mạnh và phản xạ cũng được thực hiện để loại trừ những nguyên nhân khác có khả năng gây ra triệu chứng tương tự.
Nếu vẫn chưa chắc chắn, bác sĩ có khi đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm khác để loại trừ các bệnh lý khác:
- Xét nghiệm hình ảnh. Đau đùi dị cảm có thể sẽ không thể hiện sự thay đổi đáng chú ý nào trên kết quả chụp X-quang nhưng hình ảnh vùng hông, xương chậu có tác dụng loại đi những nguyên nhân khác. Nếu nghi ngờ bạn có khối u gây ra cảm giác đau, bác sĩ thường chỉ định bạn chụp CT hoặc MRI.
- Đo điện cơ. Thử nghiệm này giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ bắp và các tế bào thần kinh kiểm soát chúng. Các điện cực kim được đưa trực tiếp vào mô cơ để ghi lại hoạt động gửi tín hiệu điện.
- Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh. Các miếng dán điện cực sẽ được dán lên da để phát một xung điện nhẹ gây kích thích các dây thần kinh. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được các dây thần kinh nào đang bị tổn thương.
- Phong bế thần kinh. Thủ thuật này giúp cung cấp thêm thông tin để bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Một mũi kim thuốc gây tê được tiêm vào vị trí có dây thần kinh bì đùi ngoài để xem bạn có bị đau đùi dị cảm hay không.
Phòng ngừa đau đùi dị cảm
Không có cách nào giúp phòng ngừa hoàn toàn tình trạng này xuất hiện nhưng bạn có thể giảm bớt nguy cơ gặp phải chúng bằng cách:
- Giảm cân
- Mặc quần áo rộng rãi
- Tránh đeo các đai nặng quanh hông.
Điều trị đau đùi dị cảm như thế nào?
Điều trị đau đùi dị cảm tập trung vào việc giảm áp lực lên dây thần kinh bì đùi ngoài. Điều này có thể đạt được thông qua một số biện pháp như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và trong một số trường hợp, phẫu thuật.
Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về bệnh đau đùi dị cảm. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc quản lý sức khỏe và giảm thiểu tác động của bệnh đối với cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn gặp các triệu chứng nghi ngờ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.