Ngất xỉu là tình trạng mất ý thức đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn do không đủ máu lưu thông lên não. Đây là hiện tượng khá phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy ngất xỉu thường không nguy hiểm nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Việc hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Tổng quan chung
Ngất xỉu (syncope/fainting) là tình trạng mất ý thức đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó người xỉu có thể tự phục hồi. Nguyên nhân ngất xỉu là do không có đủ lưu lượng máu cung cấp lên não. Tình trạng này thường xảy ra từ vài giây đến vài phút; và thường không phải là dấu hiệu nghiêm trọng.
Thông thường, ngất xỉu tạm thời thường không quá đáng lo; nhưng cũng có khi là dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bạn bị ngất xỉu đột ngột và thường xuyên; hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Nếu bạn có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng nhưng không mất ý thức; đây được gọi là tình trạng tiền ngất xỉu hay gần ngất. Tuy nhiên, những triệu chứng trên cũng có thể do một vấn đề sức khỏe khác gây ra.
Triệu chứng
Một số dấu hiệu sắp ngất người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
- Ớn lạnh;
- Đổ mồ hôi nhớt;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Cảm giác lâng lâng;
- Nóng;
- Đau bụng;
- Căng thẳng, lo lắng;
- Mệt mỏi;
- Yếu;
- Đau đầu;
- Mắt mờ;
- Ù tai;
- Mất kiểm soát cơ bắp.
Ngay cả khi tỉnh dậy sau ngất xỉu, bạn vẫn có thể xuất hiện các cảm giác mệt mỏi, thiếu tỉnh táo.
Nguyên nhân
Một vài nguyên nhân ngất phổ biến như:
- Trung gian thần kinh: đây là loại ngất phổ biến nhất, thường xảy ra từ nhiều loại tác động bên ngoài khiến bệnh nhân sợ hãi, suy sụp tinh thần, sau vận động nặng gây đau đớn, nghẹt cổ. Người ngất sẽ xanh xao và chảy mồ hôi, đặc biệt là ngất vẫn còn mở mắt.
- Huyết áp thấp: xảy ra khi ở nơi nóng nực, do đứng quá lâu hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Khi đấy máu sẽ không được truyền đến não đầy đủ dẫn đến bất tỉnh.
- Vấn đề về tim mạch: cơn đau ngực hoặc tim đập liên hồi do hồi hộp hoặc gắng sức làm rối loạn tim, không bơm đủ oxy lên não cũng gây nên ngất.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị ngất xỉu. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì nguy cơ bị ngất sẽ cao hơn, cụ thể:
- Hiến máu khi chưa ăn
- Đứng quá lâu hoặc nằm quá lâu rồi đứng dậy đột ngột
- Người bệnh đang mắc bệnh lý về tim hoặc các bệnh khác
- Thần kinh căng thẳng
- Bị huyết áp thấp mãn tính
Chẩn đoán
Để tìm ra nguyên do gây ngất, bác sĩ sẽ xem bệnh sử, khám lâm sàng và đo điện tim, đo huyết áp ở nhiều vị trí khác nhau (đứng, nằm, ngồi, sau khi tập thể dục). Bác sĩ cũng có thể xét nghiệm đường huyết và số hồng cầu trong máu.
Khi không rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ dùng liệu pháp bàn nghiêng. Cách này dùng để kiểm tra những triệu chứng lúc cơ thể bạn ở các vị trí khác nhau. Nếu nghi ngờ bạn bị loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ đo nhịp tim của bạn trong 24 giờ bằng máy đo nhịp tim di động (Holter ECG).
Phòng ngừa bệnh
Phương pháp phòng tránh ngất xỉu hiệu quả nhất cho những người đã từng ngất đó là tìm nguyên nhân gây ra tình trạng và kiểm soát tốt điều đó.
Một số tham khảo dưới đây giúp hạn chế ngất xỉu đột ngột:
- Uống đủ nước và không nhịn ăn, cung cấp đủ năng lượng và lượng đường cần thiết.
- Nếu thường xuyên hoa mắt chóng mặt khi đói, hãy ăn đầy đủ các bữa ăn trong ngày, không bỏ bữa và ăn đúng giờ. Ngoài ra, nên áp dụng ăn các bữa nhỏ bằng các bữa ăn nhẹ với thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa chua, các loại hạt…
- Thay đổi tư thế một cách từ từ.
- Cảm giác choáng váng, yếu ớt và có cảm giác quay cuồng là những dấu hiệu cảnh báo ngất xỉu. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy ngồi và đặt đầu vào giữa hai đầu gối để giúp máu lên não.
- Tập luyện thể dục thể thao vừa sức.
- Kiểm soát tốt nếu có các bệnh lý nền.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ hằng năm để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
Điều trị như thế nào?
Ngất xỉu có thể được điều trị và phòng ngừa bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số phương pháp được khuyến nghị:
- Điều chỉnh lối sống:
- Uống đủ nước và tránh để cơ thể bị thiếu nước.
- Ăn đủ các bữa và không bỏ bữa để duy trì mức đường huyết ổn định.
- Thay đổi tư thế một cách từ từ, đặc biệt là khi đứng dậy từ tư thế nằm hoặc ngồi.
- Tránh các tình huống căng thẳng và những môi trường quá nóng hoặc ngột ngạt.
- Sử dụng thuốc:
- Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát huyết áp hoặc các vấn đề về tim mạch nếu cần thiết.
- Ngừng hoặc thay đổi các loại thuốc đang sử dụng nếu chúng là nguyên nhân gây ngất.
- Can thiệp y tế:
- Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể sử dụng máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị hỗ trợ khác để giúp kiểm soát nhịp tim và lưu thông máu.
- Điều trị các bệnh lý nền như bệnh tim mạch hoặc rối loạn thần kinh.
- Thực hiện các bài tập thể dục:
- Tập luyện thể dục đều đặn và phù hợp với sức khỏe cá nhân để cải thiện tuần hoàn máu và sức khỏe tổng thể.
Trong trường hợp người ngất xỉu tỉnh dậy, bạn có thể:
- Để người xỉu nằm hoặc ngồi nghỉ trong 10-15 phút (hoặc lâu hơn) cho đến hết các triệu chứng, người bệnh tỉnh táo hơn.
- Kiểm tra người bị té xỉu có bị chấn thương cần chăm sóc y tế hay không.
- Khuyến khích người vừa bị xỉu ngồi hướng về phía trước, đầu hạ thấp xuống dưới vai và đầu gối.
- Cho người bệnh uống nước đá hoặc nước ướp lạnh.
Kết luận
Ngất xỉu là hiện tượng mất ý thức đột ngột do lượng máu lên não không đủ, có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Việc hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa ngất xỉu không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn giúp bạn biết cách ứng phó và hỗ trợ những người xung quanh khi gặp tình huống tương tự. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời. Chăm sóc sức khỏe là hành động quan trọng nhất bạn có thể làm để duy trì chất lượng cuộc sống tốt đẹp và an toàn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.